Cựu chủ tịch Chứng khoán SMES khẳng định "không lừa đảo"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 10/5, phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại CTCP Chứng khoán SME (viết tắt là SMES) tiếp tục với phần xét hỏi.
Cựu chủ tịch Chứng khoán SMES khẳng định "không lừa đảo"

Theo cáo buộc, các bị cáo thuộc SMES gồm Phạm Minh Tuấn (SN 1974, cựu Tổng giám đốc), Phan Huy Chí (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) đã sử dụng thủ đoạn gian dối trong việc tạo dựng khách hàng, đưa các mã chứng khoán khống vào hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác, cầm cố… để chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng trong đó CTCP Tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) là hơn 111 tỷ đồng.

Cáo trạng thể hiện, bị cáo Tuấn biết, PVFI có khoảng 200 tỷ đồng hợp tác chứng khoán. Tuấn báo cáo và được Chí đồng ý huy động vốn thông qua hợp đồng hợp tác chứng khoán. Tuấn giao cho nhân viên là Nguyễn Phương Lan và Nguyễn Huy Sơn tạo dựng hồ sơ khống khách hàng.

Để thực hiện hành vi, Lan và Nguyễn Thái Duy đã nhập chứng khoán khống của 6 khách hàng, tạo sao kê “ảo” để SMES đưa vào hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán. Ngày 3/11/2010, SMES ký hợp đồng 3 bên gồm SMES, PVFI và 4 khách hàng “ảo” với tổng số tiền đầu tư gần 200 tỷ đồng. Thực chất 4 khách hàng này là nhân viên của SMES. Theo đó, PVFI phải góp vốn 79 tỷ đồng. Hợp đồng thể hiện mức lợi nhuận 16,56%/năm.

Thực hiện hợp đồng, ngày 4/11/2010, PVFI chuyển 79,7 tỷ đồng vào tài khoản của 4 khách hàng trên. Tiếp đó, các bị cáo ký các hợp đồng môi giới trái phiếu, ủy thác quản lý vốn rồi nguồn tiền trên trở lại SMES.

Theo hồ sơ, ngày 4/11/2010, SMES hợp tác cùng CTCP Thương mại Kinh Thành đầu tư 5,4 triệu cổ phiếu PVFI, trong đó SMES góp 71,1 tỷ đồng. Cùng ngày, SMES chuyển 71,5 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Kinh Thành. Đến tháng 5/2011, Công ty Kinh Thành chuyển trả SMES số tiền 79 tỷ đồng để tất toán hợp đồng hợp tác trên.

Theo chỉ đạo của Chí, SMES sử dụng 79 tỷ đồng trả cho PVFI để thanh toán các hợp đồng trước đó.

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Chí, Tuấn và đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi gian dối, tạo dựng các tài liệu giả mạo để ký kết 6 hợp đồng, chiếm đoạt của PVFI hơn 111 tỷ đồng.

Trình bày tại tòa, bị cáo Chí khẳng định ‘không chiếm đoạt tiền”, không lừa đảo và hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán thực chất là để “đảo nợ”. Bị cáo khai, giữa SMES và PVFI có quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm, gồm nhiều hợp đồng, hợp đồng sau "gối" hợp đồng trước. Bản chất là vay tiền dưới dạng ủy thác vốn.

Phản đối lời khai trên, bị cáo Chu Xuân Lai (cựu Tổng giám đốc PVFI) cho rằng, đây không phải là các hợp đồng vay tiền mà là hợp đồng hợp tác chứng khoán niêm yết.

“Vậy nếu hợp tác đầu tư thì lời ăn lỗ chịu nhưng hợp đồng lại có lãi suất cố định”, HĐXX hỏi, bị cáo Lai khai: “Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các bên và bị cáo đã thực hiện nhằm bảo toàn vốn của nhà nước”.

Bị cáo Lai cho rằng, Viện kiểm sát truy tố bị cáo tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là không đúng vì bị cáo đã phân công cho 2 phó tổng phụ trách tài chính.

Còn đại diện PVFI cho hay, hiện SMES đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PVFI. Trên sổ cổ đông của PVFI có thể hiện SMES là cổ đông. PVFI đã từng khởi kiện ra TAND TP. Hà Nội về số cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện trạng số cổ phiếu này được SMES cầm cố cho ngân hàng. TAND TP. Hà Nội đang tạm đình chỉ vụ kiện này để chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục