Đó là một trong hai kịch bản mà Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra khi đánh giá sự chuyển động chính sách mới trên TTCK. Công ty Chứng khoán MBS thì chia sẻ, một số công ty quản lý quỹ nước ngoài như Templeton Asset Management, Dragon Capital đã không thể mua thêm nhiều cổ phiếu như VNM, DHG, REE, FPT, PNJ, CTD, BBC…, vì không còn room trống cho các nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia. Theo MBS, việc mở room sở hữu nước ngoài là yêu cầu bức thiết nhằm phát triển TTCK và tái cơ cấu nền kinh tế, bởi chính sách này sẽ tạo ra động lực mới, thu hút các dòng vốn lớn vào Việt Nam.
Trên khía cạnh pháp lý trong mối quan hệ với Luật Đầu tư, Báo ĐTCK đã dẫn phân tích của ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chỉ ra rằng, tinh thần của Luật Đầu tư là thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của DN. Theo đó, Luật này chỉ cấm 6 ngành nghề, đặt ra điều kiện kinh doanh với 267 ngành nghề vì lý do quốc phòng, an ninh, đạo đức xã hội, chứ không tư duy theo hướng DN lớn thì phải hạn chế đầu tư nước ngoài.
Sau khi lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2012/NĐ-CP, đặc biệt là thông qua hai hội thảo vừa tổ chức tại TP. HCM và Hà Nội, điều các thành viên thị trường mong nhất là UBCK sẽ tiếp thu tối đa các ý tưởng cải cách, đồng thời sớm hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành khung pháp lý mới cho TTCK. Hai điều được mong đợi nhất là room sẽ có quy định cụ thể và dứt khoát, để câu chuyện này khép lại một quá trình dài trăn trở với một kết quả đẹp, tạo thêm không gian cho các DN đại chúng và nhà đầu tư ngoại tự quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phiếu và giao dịch trên thị trường.
Cùng với room, điều mong mỏi khác là văn bản mới sẽ có những quy định mới, hợp lý và khoa học lấp “khoảng trống” chính sách hiện hành - những khoảng trống đã và đang làm nảy sinh các hiện tượng tiêu cực như: góp vốn khống, “rút ruột” lợi ích của cổ đông hiện hữu do DN tăng vốn tràn lan, thâu tóm ngầm DN... Ngoài ra, việc sửa đổi Nghị định 58 được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ chế, mà khi đưa vào áp dụng sẽ làm tăng dư địa phát triển cho TTCK, như cho phép CTCK được phát hành chứng quyền có đảm bảo; công ty quản lý quỹ được chào bán, huy động vốn lập quỹ đầu tư ở nước ngoài…
Trước mong đợi từ thị trường, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho biết, việc sửa đổi Nghị định 58 đang được UBCK thúc đẩy cả về mặt tiến độ lẫn các ý tưởng cải cách. Trong quãng thời gian chờ đợi này, các thành viên đặt nhiều niềm tin vào sự cải cách của UBCK với hy vọng sẽ sớm có chính sách mới thúc đẩy sự phát triển của TTCK, góp phần thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả hơn.