2015: kỳ vọng bán tốt bảo hiểm chủ doanh nghiệp

(ĐTCK) Tại lễ trao 4 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm cho khách hàng là chủ doanh nghiệp CTCP Tây Đô, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) chia sẻ, BIC chưa bán được nhiều sản phẩm bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp, nhưng kỳ vọng sản phẩm này sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới. Đó cũng là kỳ vọng của các nhà bảo hiểm khác.
BIC đang lỗ khi bán sản phẩm BIC Bảo An, nhưng BIC chấp nhận lỗ sản phẩm này 
BIC đang lỗ khi bán sản phẩm BIC Bảo An, nhưng BIC chấp nhận lỗ sản phẩm này

Sản phẩm bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp không mới, một số doanh nghiệp bảo hiểm cả cũ và mới, hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ và nhân thọ, đã triển khai là Bảo hiểm Bảo Việt, Generali Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam… Có doanh nghiệp bảo hiểm gộp chung với các quyền lợi sản phẩm khác tạo thành sản phẩm nhóm. Có doanh nghiệp thiết kế riêng dành cho người quản lý doanh nghiệp với mục đích bảo vệ cho đối tượng này. Có doanh nghiệp bảo hiểm bán riêng sản phẩm này qua kênh ngân hàng, nhằm tăng quyền lợi cho các doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng.

Chẳng hạn, sản phẩm bảo hiểm nhân sự chủ chốt của Bảo hiểm Bảo Việt được bán qua HSBC, sản phẩm BIC Bảo An được phân phối qua hệ thống BIDV. Tại BIC, CTCP Tây Đô là khách hàng đầu tiên gặp rủi ro đã được bồi thường toàn bộ số tiền bảo hiểm bằng với mức chi trả tối đa 4 tỷ đồng, trong khi khách hàng bỏ ra hơn 17 triệu đồng tiền phí hồi tháng 9/2014.

Liên quan đến chủ doanh nghiệp, hiện thị trường còn có một loại hình sản phẩm khác mang tên Bảo hiểm D&O, nhưng đặc tính khác hẳn, bởi đây là dòng bảo hiểm trách nhiệm (không phải bảo hiểm tài sản hay con người), theo đó sẽ bảo vệ trách nhiệm cá nhân của nhà quản lý doanh nghiệp trước các khiếu kiện phát sinh do hậu quả của những quyết định sai của họ, gây nên thiệt hại về mặt tài chính cho bên thứ ba là chủ nợ, cổ đông hoặc nhân viên trong doanh nghiệp. Loại sản phẩm này thu hút sự quan tâm nhiều hơn của chủ doanh nghiệp lớn thuộc khối ngân hàng, CTCK…

Trở lại với kỳ vọng cải thiện sức mua loại sản phẩm bảo hiểm cho người quản lý doanh nghiệp, cơ sở của kỳ vọng là nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhận thức của các chủ doanh nghiệp được nâng lên. Do lượng khách hàng còn ít nên việc triển khai sản phẩm chắc chắn gây lỗ cho doanh nghiệp, tuy  nhiên, để tạo thị trường thì các doanh nghiệp phải chấp nhận.

“Chúng tôi đang lỗ khi bán sản phẩm BIC Bảo An. Thế nhưng, BIC chấp nhận lỗ sản phẩm này, không kinh doanh ở sản phẩm này, mà lấy sản phẩm khác bù vào”, Tổng giám đốc BIC nói và cho biết, sắp tới, sản phẩm BIC Bảo An sẽ được mở rộng quyền lợi với việc điều chỉnh biểu phí phù hợp hơn, mở rộng giới hạn bảo hiểm, không chỉ dừng ở tử vong do bệnh tật, tai nạn như hiện tại, mà mở rộng sang cả chăm sóc y tế. Trong khi đó, đây là sản phẩm có mức bồi thường bảo hiểm cao nhất thị trường, tối đa 4 tỷ đồng.

Hiện tại, BIC bán được sản phẩm bảo hiểm này cho 1/3 số chủ doanh nghiệp đang vay vốn qua BIDV. BIC chưa bán được nhiều sản phẩm BIC Bảo An vì đây là sản phẩm mới, triển khai được 2 năm nay, khách hàng chưa hiểu hết các quyền lợi, thậm chí cán bộ BIDV cũng thấy mới trong tư vấn cho khách hàng.

Theo HSBC, hầu hết doanh nghiệp chú trọng bảo hiểm cho tài sản hữu hình như ô tô, kho hàng, văn phòng và các thiết bị văn phòng để giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro xảy ra, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới việc bảo hiểm cho tài sản đáng giá nhất đó là những nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp.

Một lý do quan trọng khác, đó là mức phí bảo hiểm dù được xem là hợp lý, nhưng vẫn còn cao so với điều kiện tài chính của các chủ doanh nghiệp nhỏ. Mức phí bảo hiểm là gần 20 triệu đồng/năm, trong khi mức bồi thường lên tới hàng tỷ đồng.

Theo ghi nhận của ĐTCK, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bán bảo hiểm cho các chủ doanh nghiệp nhà nước lớn đã khó, bán cho chủ doanh nghiệp tư nhân nhỏ còn khó khăn gấp bội, tiếp cận năm lần bảy lượt cũng không mua.

Với chủ doanh nghiệp nhà nước lớn, bản thân họ đã có bảo hiểm y tế, hoặc bảo hiểm sức khỏe, do đó, cân nhắc để chọn một sản phẩm thực sự hữu ích là lẽ đương nhiên. Chưa kể, đang có quá nhiều loại sản phẩm na ná nhau, khiến các chủ doanh nghiệp khó chọn lựa. Đó cũng là bài toán mà các nhà bảo hiểm phải giải để sản phẩm bảo hiểm chủ doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng.               

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục