Cuối năm, cơ hội mua cổ phiếu tốt

(ĐTCK) Thị trường đang lo ngại trước áp lực bán ròng của khối ngoại, nhưng theo một số nhà đầu tư chuyên nghiệp, động thái bán ròng có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và điều này mang lại cơ hội mua vào những cổ phiếu tốt với giá phải chăng.
Quý IV/2016 và năm 2017, một trong những cơ hội đầu tư là cổ phiếu bất động sản Quý IV/2016 và năm 2017, một trong những cơ hội đầu tư là cổ phiếu bất động sản

Tác động từ chính sách của Donald Trump

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ: “Nhiều người hỏi chúng tôi, chính sách của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi nói sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn vì tôi chưa chắc trong dài hạn như thế nào. Ảnh hưởng ngắn hạn trước tiên là dòng tiền quay lại Mỹ, rời khỏi các nền kinh tế mới nổi”.

Theo ông Andy, chính sách của Donald Trump là giảm thuế cho các doanh nghiệp và muốn tiền của các công ty Mỹ tại nước ngoài quay lại Mỹ. Chẳng hạn, Microsoft có 200 tỷ USD, hay Google có 100 tỷ USD ở nước ngoài, khi chuyển về Mỹ chỉ phải chịu thuế thấp, thậm chí không bị đánh thuế. Khi tiền quay lại nước Mỹ sẽ đi vào đầu tư, tạo công ăn việc làm, hoặc trả cổ tức, mua cổ phiếu quỹ, giúp thị trường chứng khoán Mỹ đi lên.

Kinh tế trưởng của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn cho biết, nếu chỉ nhìn vào thị trường cổ phiếu niêm yết của Việt Nam thì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tính cả các thương vụ phát hành riêng lẻ thì khối ngoại mua ròng hơn 950 triệu USD.

“Năm sau, tình trạng tương tự có thể xảy ra. Trên thị trường cổ phiếu niêm yết, nhà đầu tư ngoại có thể bán ròng, nhưng sẽ không nhiều và vẫn mua ròng nếu tính cả thị trường cổ phiếu tự do”, ông Tuấn dự báo. 

Nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn tìm cơ hội ở chứng khoán Việt

Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam có triển vọng tăng trưởng. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư VinaCapital vừa tham gia đợt phát hành riêng lẻ của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), sau khi bỏ vốn đầu tư vào một công ty trong lĩnh vực vật liệu xây dựng là An Cường. VinaCapital hiện đã đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, thông qua sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp như Novaland, Khang Điền…

Hay Dragon Capital vừa bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG), còn Tập đoàn F&N bỏ ra 500 triệu USD nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM). Một quỹ đầu tư của Hàn Quốc cũng đang tích cực giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn thấp hơn các thị trường trong khu vực, dù khoảng cách không còn quá xa như hồi đầu năm. P/E trung bình toàn thị trường hiện là 14,5 lần. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu loại các cổ phiếu trong Top 5 có P/E rất cao như VNM, GAS…, thì P/E trung bình của toàn thị trường khoảng 11 lần. 

Triển vọng khả quan của nhiều lĩnh vực

Theo các chuyên gia, nhiều công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tốt.

Trong lĩnh vực thép, giá thép nguyên liệu trong quý IV/2016 đã tăng lên đáng kể, khiến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp khả quan hơn quý III.

Với lĩnh vực cao su, giá cao su đã phục hồi 82% từ đầu năm đến nay và xu thế này dự kiến sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2017.

Đối với thị trường bất động sản, quý IV/2016 và năm 2017 là cơ hội để đầu tư cổ phiếu ngành này. Bởi lẽ, lượng hàng bán rất lớn trong 2 năm qua sẽ đủ điều kiện hạch toán lợi nhuận khi doanh nghiệp bàn giao nhà cho khách hàng.

Thị trường bất động sản tăng trưởng ổn định sẽ kéo theo sự tăng trưởng của các doanh nghiệp xây lắp hàng đầu như CTD, HBC. P/E dự phóng năm 2016 của cổ phiếu CTD khoảng 8 lần, của cổ phiếu HBC khoảng 6 lần.

Với triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ quay lại thị trường Việt Nam trong dòng vốn chảy trở lại các thị trường mới nổi.

Rủi ro với các nhà đầu tư nước ngoài trước mắt vẫn là tỷ giá. Tuy nhiên, theo các quỹ đầu tư, tỷ giá sẽ không biến động quá mạnh, bởi các yếu tố nội tại của Việt Nam đang rất tốt. Việt Nam có thể chủ động kiểm soát tỷ giá trước ảnh hưởng của môi trường bên ngoài khi USD mạnh lên.

Theo ông Lê Anh Tuấn, trong bối cảnh giá dầu và giá nhiều nguyên liệu tăng, lãi suất có thể sẽ tăng, thì lạm phát là yếu tố cần quan tâm.

“Mặc dù vậy, lạm phát không phải là vấn đề đáng quan ngại đối với thị trường chứng khoán trong 1 - 2 năm tới”, ông Tuấn nói.    

Thành Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ