"Cuộc viễn chinh" của Trung Quốc để chống lại rủi ro của thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Định hướng các mục tiêu trong chiến dịch giảm thiểu rủi ro mới nhất của Bắc Kinh đang trở thành một chiến lược đầu tư quan trọng ở Trung Quốc.
"Cuộc viễn chinh" của Trung Quốc để chống lại rủi ro của thị trường tài chính

Những nhà đầu tư phớt lờ cảnh báo về bong bóng tài sản của các quan chức Trung Quốc đã nhận hậu quả khi chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 1,3 nghìn tỷ USD chỉ trong hơn một tháng qua.

Giá tài sản đảo chiều nhanh chóng cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc có ảnh hưởng lớn như thế nào đối với thị trường tài chính của quốc gia này bất chấp sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với một môi trường ngày càng phức tạp. Các quan chức đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc giá tài sản đi chệch khỏi các nền tảng kinh tế và cũng có nguy cơ hỗn loạn tài chính ở nước ngoài”, Gen Li, Giám đốc điều hành của Beijing BG Capital Management Ltd., cho biết

Diễn biến chỉ số CSI 300 (Nguồn: Bloomberg)

Diễn biến chỉ số CSI 300 (Nguồn: Bloomberg)

Trong tháng 3, cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc đã liên tục cảnh báo về đòn bẩy trên thị trường chứng khoán.

Phó thống đốc của Ngân hàng Trung ương đề xuất một “Luật ổn định tài chính” mới và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nói về nhiệm vụ mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính.

Người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán cho biết hôm thứ Bảy (20/3) rằng các dòng tiền "nóng" lớn phải được kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi các yếu tố này gây bất ổn cho các nhà đầu tư, các quan chức cho đến nay đã thành công trong việc làm xẹp bong bóng mà không tạo ra sự hoảng loạn.

Chỉ số CSI 300 đã tăng hơn 40% so với mức thấp nhất trong tháng 3/2020 và đã ổn định quanh mốc 5.000 điểm kể từ khi các quỹ được nhà nước hậu thuẫn tham gia vào thị trường.

Một vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10 tỷ USD kỷ lục hàng năm cũng không làm suy giảm niềm tin đối với các khoản nợ được xếp hạng cao hơn.

Chính quyền đại lục đang tận dụng sự phục hồi kinh tế để giảm nợ vay. Trung Quốc đã tích lũy phần lớn khoản nợ kỷ lục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 khi họ dựa vào tín dụng để tránh suy thoái kinh tế vốn đang tàn phá phương Tây.

Sự thận trọng của Bắc Kinh trở nên nổi bật trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương lớn của thế giới bơm tiền ồ ạt và chính quyền Biden tung ra gói kích cầu 1.900 tỷ USD. Sự khác biệt này cũng là lý do chính khiến chỉ số CSI 300 có tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2016 so với chỉ số MSCI toàn cầu.

Tuy nhiên, việc tập trung vào giảm nợ có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các bộ phận dễ bị tổn thương nhất của thị trường tài chính như nhà đầu tư, những người nắm giữ các cổ phiếu định giá cao, thị trường nhà ở, những doanh nghiệp nợ nhiều…

“Sự ổn định tài chính sẽ đối mặt với những thách thức phức tạp và gay gắt hơn. Chúng ta cần hết sức coi trọng và xử lý ổn định, chủ động, hiệu quả, hạn chế lây lan rủi ro tài chính, kiên quyết giữ vững điểm mấu chốt là tránh rủi ro hệ thống”, Liu Guiping, phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết vào ngày 16/3.

Thống đốc PBOC Yi Gang hôm Chủ nhật (21/3) cho biết, Trung Quốc vẫn còn dư địa để bơm thanh khoản vào nền kinh tế trong khi vẫn giữ tỷ lệ đòn bẩy ổn định.

“Chúng tôi vẫn lạc quan rằng Trung Quốc có thể quản lý quá trình giảm nợ mà không xảy ra khủng hoảng tín dụng hoặc hạ cánh khó khăn”, Mark Haefele và Min Lan Tan của UBS Global Wealth Management đã viết trong một báo cáo ngày 3/3.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục