Cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ gieo rắc nỗi sợ cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Việc đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị bán tháo do căng thẳng với Mỹ đã khiến nhà đầu tư lo sợ cuộc khủng hoảng sẽ lây lan trên thị trường tài chính, tiền tệ khiến chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm điểm.
Cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ gieo rắc nỗi sợ cho nhà đầu tư

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, căng thẳng gia tăng giữa 2 đồng minh trong NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ do mâu thuẫn liên quan đến vụ Ankara bắt giữ mục sư Mỹ Andrew Brunson năm 2016 với cáo buộc khủng bố.

Để trả đũa, Tổng thống Mỹ hôm qua cho biết sẽ đánh thuế gấp đôi lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tranh cãi giữa hai bên khiến đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất 16% giá trị, giảm xuống mức kỷ lục.

Trong phiên đầu tuần mới, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira tiếp tục mất giá 10%, khiến nỗi lo cuộc khủng hoảng lây lan sang các thị trường khác.

Phố Wall dù mở cửa trong sắc xanh, nhưng nỗi sợ nhanh chóng lấn át, đặc biệt những diễn biến tiêu cực trên thị trường tiền tệ khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng lao dốc, kéo các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm. Trong đó, chỉ số Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Dow Jones giảm 125,44 điểm (-0,50%), xuống 25.187,70 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,35 điểm (-0,40%), xuống 2.821,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,40 điểm (-0,25%), xuống 7.819,71 điểm.

Tương tự, nỗi lo sợ từ cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Hai, nhưng sau đó đà giảm đã được hãm bớt nhờ phố Wall mở cửa tích cực.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,56 điểm (-0,32%), xuống 7.642,45 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 56,61 điểm (-0,53%), xuống 12.358,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 2,35 điểm (-0,04%), xuống 5.412,32 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị bán tháo đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Á, khiến chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông lao dốc trong phiên đầu tuần mới, trong đó chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất 5 tuần. Trong khi đó, nhà lực đỡ từ nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin, đã giảm của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã được hãm lại.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 440,65 điểm (-1,98%), xuống 21.857,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 430,05 điểm (-1,52%), xuống 27.936,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 9,44 điểm (-0,34%), xuống 2.785,87 điểm.

Sự sụp đổ trên thị trường tiền tệ cũng khiến giá vàng lao dốc trong phiên đầu tuần mới, xuống mức thấp nhất 1,5 năm và đánh mất luôn mốc hỗ trợ kỹ thuật then chốt 1.200 USD/ounce khi đồng USD lên mức cao nhất 13 năm.

Kết thúc phiên 13/8, giá vàng giao ngay giảm 18,1 USD (-1,49%), xuống 1.193,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 20,3 USD/ounce (-1,67%), xuống 1.198,9 USD/ounce.

Tương tự giá vàng, việc đồng USD tăng mạnh cũng gây áp lực lên giá dầu thô trong phiên đầu tuần mới, khiến giá loại nhiên liệu này quay đầu giảm sau phiên hồi phục cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 13/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,43 USD (-0,64%), xuống 67,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,20 USD (-0,28%), xuống 72,61 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục