Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp dụng mức thuế 25% với 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc có hiệu lực từ 23/8 sau khi đã đánh thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa từ 6/7. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng có hành động đáp trả với mức thuế 25% với 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại leo thang, cùng giá dầu giảm đã khiến Dow Jones và S&P 500 không còn duy trì được đà tăng trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, Nasdaq lại có phiên tăng thứ 7 liên tiếp, nhưng mức tăng rất khiêm tốn.
Theo Thomson Reuters, đến nay đã có 440 công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh, trong đó có đến 78,6% có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Dow Jones giảm 45,16 điểm (-0,18%), xuống 25.583,75 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,75 điểm (-0,03%), xuống 2.857,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 4,66 điểm (+0,06%), lên 7.888,33 điểm.
Tương tự, trên thị trường chứng khoán châu Âu, ngoại trừ chứng khoán Anh duy trì đà tăng tốt, còn các chỉ số chính còn lại của khu vực này đã quay đầu điều chỉnh khi giới đầu tư lo lắng về cuộc chiến thương mại leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, chứng khoán khu vực này cũng bị ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh kém khả quan của các doanh nghiệp dược vừa công bố.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 58,17 điểm (+0,75%), lên 7.776,65 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 14,65 điểm (-0,12%), xuống 12.633,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,41 điểm (-0,35%), xuống 5.501,90 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhà đầu tư thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại giữa Tokyo và Washington khiến chứng khoán Nhật Bản lình xình và đóng cửa giảm nhẹ. Trong khi chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng quay đầu giảm điểm sau phiên hồi phục mạnh trước đó do nỗi lo chiến tranh thương mại trở lại khi Mỹ tiếp tục đánh thuế 25% với 16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, nâng tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ bị đánh thuế lên 50 tỷ USD.
Sau đó, đà giảm được hãm bớt khi dữ liệu xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh. Tuy nhiên, theo giới phân tích, xuất khẩu của Trung Quốc tăng chủ yếu do các đơn hàng được đẩy nhanh bàn giao trước khi chính sách áp thuế được áp dụng và sẽ giảm mạnh trở lại trong thời gian tới.
Bất chấp chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu giảm, chứng khoán Hồng Kông vẫn duy trì được đà tăng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ.
Kết thúc phiên 8/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 18,43 điểm (-0,08%), xuống 22.644,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 110,26 điểm (+0,39%), lên 27.359,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,30 điểm (-1,27%), xuống 2.744,01 điểm.
Giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Tư khi đồng USD tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra không sôi động khi các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ.
Kết thúc phiên 8/8, giá vàng giao ngay tăng 3 USD (+0,25%), lên 1.213,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,7 USD/ounce (+0,22%), lên 1.221,0 USD/ounce.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang khiến giới đầu tư lo lắng về việc giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, làm sụt giảm nhu cầu dầu thô khiến giá dầu quay đầu giảm mạnh trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/6.
Kết thúc phiên 8/8, giá dầu thô Mỹ giảm 2,23 USD (-3,22%), xuống 66,94 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,37 USD (-3,18%), xuống 72,28 USD/thùng.