Còn mẫu thuẫn, còn khủng hoảng
Khi bỏ rơi tiêu chuẩn vàng vào năm 1931, nước Anh không chỉ bỏ rơi một hệ thống quản lý tiền tệ mà còn thừa nhận rằng nước này không còn chịu sự bao phủ của đế quốc. Khi Mỹ phá vỡ cam kết ổn định đồng đô la gắn với vàng vào năm 1971, việc này dẫn đến một thời kỳ suy giảm kéo dài cho đến khi Paul Volcker tái lập lại sự tự tin vào tiền tệ vào đầu những năm 1980.
Cuộc khủng hoảng đã nhấn chìm Liên minh châu Âu (EU) là về nhiều vấn đề chứ không đơn thuần là về đồng euro. Khi trái phiếu chính phủ, giá cổ phiếu và các ngân hàng suy yếu và suy thoái toàn cầu gõ cửa, nỗi sợ hãi đầu tiên là về sự sụp đổ kinh tế và tài chính. Nhưng để hiểu được những gì đang xảy ra với tiền tệ, chúng ta cũng phải nhìn vào những gì đang xảy ra với châu Âu.
Đồng euro sẽ không an toàn cho đến khi châu Âu trả lời được một số câu hỏi cơ bản mà nó đã chạy trốn trong nhiều năm trời. Gốc rễ của vấn đề là các quốc gia thuộc châu Âu nên phản ứng với một thế giới thay đổi nhanh chóng xunh quanh họ như thế nào? Sẽ phải làm gì khi toàn cầu hóa tước mất của phương Tây sự độc quyền với những công nghệ từng giúp các quốc gia phương Tây giàu có và một châu Âu già cỗi ngày càng bắt đầu giống bán đảo phía Tây của một châu Á trỗi dậy?
Tình trạng nợ công của các quốc gia khu vực châu Âu (Tính theo % nợ công/ GDP dự báo năm 2011) |
Một cuộc đấu tranh khốc liệt vì tương lai của châu Âu, đang bắt đầu tại Athens khi George Papandreou bị mất quyền lực vào tay chính phủ đoàn kết dân tộc lâm thời, tại các nhà máy vô chủ ở Pháp, Bỉ và trong cuộc sống bị phí hoài của hàng triệu người trẻ Tây Ban Nha thất nghiệp. Cuộc đấu tranh này sẽ đặt ra giới hạn cho hệ thống phúc lợi xã hội châu Âu và sẽ quyết định số phận của công cụ mà Schumpeter coi là hiện thân của tất cả những điều này: đồng euro.
Hiện giờ, khu vực đồng euro bị vướng vào vòng xoáy suy giảm nghiêm trọng. Nỗi lo sợ về việc liệu các chính phủ tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và, đáng báo động nhất, Ý có thực hiện cam kết trả đúng hẹn khoản tiền vay mượn khoảng chừng 3 nghìn tỷ euro (4,2 nghìn tỷ USD) đang phá huỷ các ngân hàng châu Âu sở hữu các khoản nợ của họ.
Khu vực đồng euro vẫn có khả năng ngăn chặn sự tàn phá các ngân hàng và chính phủ. Là một khối, châu Âu mắc nợ ít hơn so với Mỹ và thâm hụt lĩnh vực công cũng thấp hơn.
Châu Âu có tiền để tiếp sức cho các ngân hàng chống lại sự vỡ nợ của Hy Lạp - và Bồ Đào Nha và Ireland, nếu cần. Và điều này được nhận thức rõ bởi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), về nguyên tắc có thể đứng đằng sau hỗ trợ cho các chính phủ bị tổn thương bằng việc mua lại các khoản nợ của họ với số lượng không giới hạn thông qua thị trường thứ cấp.
Nhưng EU đã liên tục thất bại trong việc đưa ra một cuộc giải cứu đồng euro có sức thuyết phục. Nỗ lực mới nhất và dũng cảm nhất của châu Âu vào cuối tháng trước cũng không đáp ứng được kỳ vọng như tất cả những nỗ lực trước đó.
Liên minh sầu muộn
Trong khi thế giới chờ đợi châu Âu đưa ra quyết định của mình thì thảm họa vẫn đang lơ lửng trên không, tồn tại dưới nhiều hình thức. Một nước có thể thoát ra khỏi đồng euro - là điều bị cấm bởi hiệp ước nhưng ai có thể ngăn cản một chính phủ đã hạ quyết tâm? Các ngân hàng châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi sự mất niềm tin không thể tránh được.
Ý hoặc Tây Ban Nha có thể không vay mượn được với những điều kiện ưu đãi. Hoặc một chính phủ cố gắng áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng có thể bị thay thế bởi một chính phủ mới phản đối việc đó. Bất kỳ một trong những điều trên đều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu và đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
Một số người suy đoán rằng Đức có thể dẫn dẫn đầu sự ly khai khỏi các nước khu vực đồng tiền chung euro. Nhưng khi đồng euro Giéc-manh tăng giá, các ngân hàng và các công ty có thể mất những khoản tiền lớn với tài sản nước ngoài của họ và các nhà xuất khẩu của nước này có thể thấy bản thân họ ở thế bất lợi. Bên cạnh đó, việc Đức coi thường một hiệp ước EU một cách thô bạo có thể làm tổn thương tất cả những bộ luật EU. Điều này lại vô cùng bất lợi với nước này.
Nhiều khả năng Hy Lạp phải oằn mình dưới sự thắt lưng buộc bụng và ra khỏi khối sau sự kế nhiệm của một loạt các chính phủ như chính phủ mới. Nhưng đó sẽ là một hành động liều lĩnh. Các ngân hàng có thể sụp đổ, nguồn vốn sẽ chảy đi nơi khác và rất nhiều công ty Hy lạp không thể trả các khoản thanh toán được định giá bằng đồng euro sẽ bị phá sản. Đã hoàn toàn đóng cửa các thị trường nợ, Hy Lạp có thể mất tất cả các khoản trợ giúp tài chính từ EU.
Trong bối cảnh suy thoái kinh vế và những ảnh hưởng xấu từ việc vỡ nợ, sự sụp đổ của các ngân hàng hoặc Hy Lạp rời bỏ đồng tiền chung euro, thị trường thống nhất châu Âu sẽ gặp nguy hiểm. Tại cuộc họp thượng đỉnh EU năm 2008 khi khủng hoảng tài chính đang hoành hành, Nicolas Sarkozy đã trừng phạt ủy ban vì đã quá sốt sắng ủng hộ sự cạnh tranh.
Chính phủ Hy Lạp mới có thể cho rằng châu Âu sẽ không bao giờ để cho Hy Lạp sụp đổ. Đồng thời ECB và Đức có thể từ chối tham gia bởi vì họ không muốn các nước trốn tránh cải cách. Hoặc có thể sự thắt lưng buộc bụng cuối cùng cũng dẫn đến chủ nghĩa dân túy vốn đã quay lưng lại với đồng euro bất chấp những hậu quả.
Giám đốc một ngân hàng trung ương khu vực đồng euro thú nhận rằng gần đây ông đã nghĩ về những thảm họa trong lịch sử ví dụ như cuộc thế chiến lần I và băn khoăn về việc làm thế nào thế giới lại vướng vào những thảm họa đó. Ông nói một cách đáng ngại rằng, "Kể từ giữa cuộc khủng hoảng, bạn có thể thấy việc phạm sai lầm dễ dàng đến thế nào".
Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU) được cho là đã xua đi việc hạ giá đồng tiền mang tính cạnh tranh đe doạ thị trường chung châu Âu vào đầu những năm 1990. Nó đã cam kết ràng buộc một nước Đức thống nhất vào EU và mở đường cho một số loại liên minh chính trị tại châu Âu. Ngày nay giấc mơ đó chưa hoàn toàn biến mất nhưng thị trường chung một lần nữa bị đe doạ. Các quốc gia châu Âu đang bất hòa, Đức đang giận dữ và mối liên kết giữa đồng euro và các quốc gia thành viên đang bế tắc hơn bao giờ hết. David Marsh, tác giả về lịch sử đồng euro viết EMU thực sự là "Liên minh sầu muộn của châu Âu".
Dominique Strauss-Kahn, cựu giám đốc IMF người Pháp nói: "Cuộc khủng hoảng năm 2008 cho thấy các nền kinh tế thống trị không còn thống trị như họ tưởng. Nếu châu Âu thất bại, nó sẽ phải gánh chịu hậu quả từ tăng trưởng thấp, sự thống trị kinh tế và sự thống trị văn hóa".
Liệu châu Âu có thể quay trở lại từ vực thẳm hay không? Điều này chỉ có thể khi các nước cốt lõi ủng hộ những nước còn lại khi họ chấp thuận những cải cách kinh tế, xã hội và chính trị cấp tiến.
Châu Âu vẫn còn mâu thuẫn sâu sắc về việc cuộc khủng hoảng này thực sự là về cái gì và bị chia rẽ bởi những bất đồng về việc mỗi quốc gia phải đóng góp gì vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng. Vì vậy chừng nào các thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa thể giải quyết những tranh cãi này, hoặc ít nhất thống nhất được rằng sự khác biệt của họ không quan trọng bằng việc tìm ra một giải pháp, thì sẽ không thể có một hành động tập thể cần thiết để bảo vệ đồng euro. |
Các ngân hàng đang gặp khó khăn làm suy giảm lòng tin và tín dụng. Cùng với chính sách thắt lưng buộc bụng, điều này dẫn đến suy thoái, khắc sâu thêm nỗi lo ngại rằng các chính phủ không thể trả lại các khoản nợ càng làm các ngân hàng suy yếu hơn nữa. Và như vậy ngược lại càng làm khu vực lún sâu vào thảm hoạ.