Xanh và thông minh là vũ khí cạnh tranh
Đang có nhu cầu mua một căn hộ chung cư hạng sang ở khu vực Hồ Tây, anh Nguyễn Thế Huy, chủ một doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghệ nhận được rất nhiều lời mọi từ các môi giới cũng như quảng cáo từ mạng xã hội đổ về.
Một trong những dự án khiến anh chú ý bởi lời quảng bá dự án được triển khai theo tiêu chuẩn xanh của Mỹ và tích hợp nhiều công nghệ mới để căn hộ thực sự trở thành Smarthome. Trước khi nhận lời đến thăm căn hộ mẫu, anh Huy đã lên mạng tìm hiểu rất nhiều bộ tiêu chuẩn xanh của Mỹ, của Singapore, thậm chí của cả Việt Nam để đối chiếu với lời chào hàng của môi giới.
“Dự án xanh là phải xanh từ không gian nơi dự án tọa lạc, tư duy thiết kế, vật liệu thân thiện, độ giãn cách của các đơn nguyên trong khu đô thị rồi mới đến cây cối và các tiện ích”, anh Huy nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Hải Phát Invest, chủ đầu tư Dự án Roman Plaza - một trong số ít dự án nhận Giải thưởng Công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh do Ban chủ nhiệm Chương trình sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Công nghệ sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức, cho biết, trước đây chỉ cần tích hợp các tiện ích như bể bơi tràn bờ, khu vui chơi cho trẻ em, người già, đường đi bộ, khu BBQ, phòng tập gym, phòng sinh hoạt động cộng đồng, vườn sinh thái… là chủ đầu tư đã có thể đàng hoàng quảng bá đó là không gian xanh.
Tuy nhiên, những tiện ích công cộng đó hiện dường như đã trở thành “điều kiện cần” đối với một dự án hạng sang. Còn đối với dự án xanh, người mua đã kỹ tính hơn rất nhiều, họ sẽ tìm hiểu kỹ càng từng bộ tiêu chuẩn xanh xem thực tế dự án có đúng như quảng cáo hay không.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, khi đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn về "xanh" và "thông minh", cộng đồng cư dân tại dự án có năng suất lao động tăng từ 3 - 5%, giảm rõ rệt các nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng. Không những vậy, công trình chuẩn xanh còn giúp giảm tài nguyên nước và năng lượng không thể tái tạo, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng, đồng thời tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.
Lợi ích là vậy, nhưng sự phát triển của mô hình dự án xanh vẫn chủ yếu dựa vào tâm huyết và sự tự nguyện của các chủ đầu tư, các nhà phát triển bất động sản. Bởi thực tế, sự phát triển công trình xanh chắc chắn sẽ làm tăng chi phí đầu tư ban đầu và quan trọng hơn tầm nhìn của chủ đầu tư.
Chẳng hạn như với Sunshine Group, chủ đầu tư dù xuất hiện chưa lâu nhưng khá nổi tiếng với các dự án xanh, đặc biệt là việc tích hợp các công nghệ thông minh vào từng căn hộ cũng như toàn dự án. Để làm được điều này, bên cạnh việc ông Chủ tịch HĐQT Sunshine Group, ông Đỗ Anh Tuấn là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, doanh nghiệp này còn thành lập hẳn một công ty chuyên nghiên cứu công nghệ, ứng dụng công nghệ trong bất động sản là Sunshine Tech để phụ trách lĩnh vực này.
Ông Tuấn nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đẩy xu hướng Smarthome lên một tầm cao mới và trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
"Cuộc cách mạng nào cũng vậy, nó sẽ mang đến nhiều điều mới mẻ và thay đổi. Với ngành bất động sản, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhiều theo hướng tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sống hiện đại", ông Tuấn nói và cho biết thêm, việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản không chỉ tối đa hóa những tiện ích dành cho khách hàng mà còn giúp cho chủ đầu tư quản lý, vận hành và phát triển dự án một cách thông minh, minh bạch hơn.
Đại diện Tập đoàn Hải Phát cũng cho rằng: "Dù chi phí có cao hơn nhất định, nhưng cái được là công trình xanh đúng nghĩa sẽ được nhiều người quan tâm hơn. Chúng tôi cho rằng, khi mức sống tăng lên, càng ngày khách hàng càng có nhu cầu sống trong một không gian sống đáng mơ ước và có thể sẵn sàng chi tiền để sở hữu không gian đó. Vì thế, không có lý do gì không đầu tư vào không gian sống xanh và thông minh”.
Hải Phát không phải là đơn vị duy nhất theo đuổi giá trị "xanh" và "thông minh" thực sự với các dự án của mình, từ đó tạo nên những giá trị lan tỏa tới cộng đồng. Trước đó, nhà phát triển dự án Capitol House dù không tập trung vào phân khúc hạng sang, nhưng cũng gây sức hút với chuỗi dự án gắn với yếu tố Eco của mình, gồm Ecohome và Ecolife.
Như ý nghĩa của Eco là sinh thái, ngay từ khi triển khai các dự án đầu tiên là Ecohome 1, Ecohome 2 và sau này là Ecolife Capitol, Ecolife Tây Hồ, hay Ecohome Phúc Lợi, chủ đầu tư này chi khá nhiều tiền cho việc phát triển các yếu tố xanh trong các công trình của mình.
Theo ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Capitol House, lan tỏa được những hiểu biết thực sự về công trình xanh hiện nay là bài toán rất cấp thiết, kể cả phía cung và phía cầu. Cần nhất là làm sao để khách hàng sẵn lòng hơn, hiểu biết hơn về các giá trị xanh trong dài hạn, chứ không phải tiêu chuẩn xanh nào cũng có thể thấy ngay lợi ích trước mắt.
Chẳng hạn, người mua nhà chỉ cần thêm 1 đồng mua nhà, nhưng trong suốt quãng thời gian dòng đời của dự án, chi phí điện nước sẽ giảm 30% so với các căn hộ thông thường. Tức là nhìn về lâu về dài, khách hàng mới chính là người được lợi chứ không phải chủ đầu tư. Chủ đầu tư và khách hàng cùng chia sẻ điều đó để hướng tới những giá trị tốt đẹp và bền vững hơn cho xã hội.
"Nhiều người nói rằng, tôi bỏ 2 tỷ đồng mua nhà, chẳng việc gì tôi phải tiếc mấy chục nghìn tiền điện, nước mỗi tháng. Tôi cho rằng, đó là suy nghĩ rất ích kỷ. Họ không nghĩ được rằng, ở Việt Nam có hàng nghìn người chết do nguồn nước kém vệ sinh, 17 triệu người sống trong điều kiện nước không được xử lý. Việt Nam thừa nước đấy, nhưng thiếu nước sạch", ông Đạt nói và cho biết thêm, 30% lượng nước mỗi công trình xanh tiết kiệm được thực sự rất có ý nghĩa nếu xét trong tổng thể câu chuyện biến đổi khí hậu hiện nay.
Giá trị cần đánh thức
Tăng chất lượng công trình, giúp gia tăng giá trị tài sản hay tăng chỉ số sức khỏe, chỉ số hạnh phúc cho cư dân, cho xã hội… được xem là những lợi ích to lớn mà công trình xanh có thể mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, việc thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam hiện nay không dễ, nếu không muốn nói là khó với nhiều lý do.
Trong đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phúc Khang Corp, đơn vị đang triển khai chuỗi dự án Diamond Lotus theo tiêu chuẩn Leed của Mỹ tại TP.HCM cho biết, thách thức đầu tiên là chi phí đầu tư lớn, chưa có hướng dẫn cụ thể từ Nhà nước, quá trình xin chứng nhận các tiêu chuẩn xanh từ cơ quan quản lý rất khó thực hiện hoặc mất nhiều thời gian.
Thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã ý thức hơn với việc phát triển các công trình xanh và lấy đó làm đòn bẩy để tăng cường nhận diện thương hiệu của mình. Tuy nhiên, khi giải quyết được bài toán về trách nhiệm của mình thì điều khó khăn lại đến từ việc khách hàng còn nhận thức về công trình xanh còn hạn chế, không rõ ràng, nên không hiểu một cách đầy đủ về những lợi ích của công trình xanh đối với chính mình và xã hội.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh đến từ Tổ chức IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, các tiêu chí xanh không dễ nhận ra và không dễ đánh giá, bởi nó mang tính định tính nhiều hơn định lượng.
Dù có những tiêu chí định lượng được, nhưng do chưa thực sự quan tâm, hoặc không có thời gian kiểm chứng, nên người sử dụng sẽ không thấy nhiều sự khác biệt trong thời gian đầu sinh sống. Vì thế, tâm lý người mua nhà sẽ có sự so sánh về mức giá khi về sinh sống tại các công trình, nhưng về dài hạn các tiêu chí này mới rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm công trình xanh đang phải cạnh tranh với nhiều dự án gắn mác "xanh" trên thị trường, nhưng không rõ chất lượng như thế nào. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch…
“Thêm nữa, cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai”, bà Diệp khuyến cáo.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com