Kiến trúc xanh, xu hướng tất yếu

(ĐTCK) Được khởi nguồn từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại Anh, công trình xanh đã dần lan rộng ra khắp thế giới. Phát triển công trình xanh đang được đánh giá là xu hướng tất yếu không chỉ ở các nước phát triển, mà tại Việt Nam cũng đang nở rộ.
Khu đô thị Ecopark là một trong những dự án xanh. Ảnh: Dũng Minh Khu đô thị Ecopark là một trong những dự án xanh. Ảnh: Dũng Minh

Nhìn từ thế giới

Hoạt động phát triển công trình xanh được khởi đầu từ Anh Quốc năm 1990, sau đó là Mỹ (1993), Canada (năm 1998). Năm 2000, Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WorldGBC) được thành lập. Đến nay, phát triển công trình xanh đã lan rộng và trở thành xu hướng tại nhiều nước trên thế giới.

TS. Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng nhận định, không phải ngẫu nhiên kiến trúc xanh trở nên thịnh hành trên thế giới.

“Trong nhịp sống năng động, sau những giờ làm việc căng thẳng, người ta cần nơi nghỉ ngơi, yên tĩnh, nhưng cũng không quá đơn điệu. Sống gần thiên nhiên không bị lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhân tạo sẽ giúp chủ nhân sống khoẻ, tâm hồn thư thái để tái tạo sức lao động”, ông Sơn nói và cho biết, công trình xanh và đô thị xanh chính là cơ sở tăng trưởng kinh tế xanh, đảm bảo phát triển bền vững.

 Tòa nhà văn phòng Homebase Unilever – Vietnam sử dụng năng lượng hiệu quả

Cũng theo ông Sơn, thế giới hiện nay không ngừng phát triển những kỹ thuật mới để tăng cường cho công tác kiến tạo các công trình xanh. Mục tiêu của kiến trúc xanh là xoay quanh vấn đề giảm các xung đột chính giữa môi trường xây dựng với môi trường thiên nhiên bằng cách sử dụng có hiệu quả năng lượng nước và tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ sức khỏe người sử dụng công trình và tăng sức sản xuất của nhân lực; giảm phát thải ô nhiễm và sự suy giảm chất lượng của môi trường.

Xu hướng mới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, khái niệm công trình xanh đã xuất hiện cả chục năm trước, nhưng được phổ biến rộng rãi nhất là từ đầu năm 2000. Tuy nhiên, theo ông Sơn, các công trình xanh thực sự đã xuất hiện tại Việt Nam từ cả trăm năm trước.

Cụ thể, ông Sơn cho biết, trước đây, tất cả các công trình, từ nhà ở dân gian đến các công trình cổ như đình, chùa đều là công trình mở, sử dụng thông gió và ánh sáng tự nhiên. Đó là các công trình kiến trúc xanh hoàn hảo, thân thiện với môi trường, được làm bằng vật liệu tự nhiên. Do vậy, cần khai thác tinh hoa văn hoá truyền thống từ nhà ở dân gian và các công trình cổ vận dụng vào thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại để có bản sắc Việt Nam.

Theo ông Sơn, gió tự nhiên là một nguồn năng lượng môi trường quan trọng và có hiệu quả về hạ thấp nhiệt độ. Thông gió tự nhiên sẽ nâng cao mức độ dễ chịu của ngôi nhà và có lợi cho sức khỏe do số lần trao đổi không khí. Ngoài ra, thông gió tự nhiên còn giảm thiểu được yêu cầu thông gió cơ giới và điều hòa không khí, tiết kiệm nguồn năng lượng quan trọng không tái sinh được. Như vậy, thông gió tự nhiên giải quyết được 2 yêu cầu cơ bản là thải được không khí bẩn, ẩm ướt trong ngôi nhà và tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, cần kết hợp với thiết kế cây xanh chiều thẳng đứng ở trên mặt đứng nhà cao tầng và trên mái, vì nó cũng có tác dụng điều tiết khí hậu giảm nhiệt độ rất lớn và tăng vẻ thẩm mỹ sinh thái thời thượng và thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiệt độ nóng dần lên.

Hiện tại, trên thế giới có một số hệ thống chứng chỉ công trình xanh như LEED (Mỹ), EDGE (tổ chức IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới), Green Mark (Singapore). Tại Việt Nam, Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã nghiên cứu và đưa ra hệ thống LOTUS. Đây là hệ thống đánh giá công trình xanh bao gồm 10 nhóm chỉ tiêu như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng nhân tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo…

Theo kiến trúc sư Ken Yeang (Malaysia), kiến trúc sinh thái ở xứ nóng có hiệu quả về tận dụng năng lượng tự nhiên như gió, ánh sáng mặt trời…, nên dễ tạo được đặc tính dân tộc và hình thành kiến trúc địa phương. Chẳng hạn, tại Dự án Garden Plaza 1, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) đã khởi động trào lưu kiến trúc sinh thái. Garden Plaza 1 tạo nên một không gian sống dường như không có giới hạn giữa nội và ngoại thất. Ở đó hội tụ đủ những yếu tố của thiên nhiên: cây xanh, bầu trời và
mặt nước.

Còn tại tòa nhà văn phòng Homebase Unilever - Vietnam (TP.HCM), nơi làm việc của 600 nhân viên Công ty Unilever Việt Nam đã đạt giải nhất về sử dụng năng lượng hiệu quả nhất do Bộ Công thương trao tặng năm 2009 và giải giải tòa nhà hiệu quả năng lượng ASEAN năm 2010. Nhờ tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên và quản lý tốt hệ thống này, nên quá trình vận hành tòa nhà tiết kiệm được 35% điện năng cho hệ thống chiếu sáng, tiết kiệm được khoảng 3% điện năng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa không khí…

Còn tại Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên), theo kiến trúc sư Vũ Quốc Anh, cũng là một trong những kiến trúc xanh với các yếu tố như mặt nước, cây xanh…, mang lại giá trị sống tốt cho cư dân.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để khuyến khích xu hướng kiến trúc xanh ở nước ta, rất cần có một hệ thống chính sách phù hợp, vì chi phí của công trình kiến trúc xanh còn khá cao (cao hơn 30% so với các loại công trình thông thường).

Với nhiều ưu điểm nổi trội, công trình xanh đang trở thành xu hướng tại Việt Nam và hiện được nhiều chủ sử dụng như Phúc Khang, Capital House… Tuy nhiên, hiện còn một số khó khăn khiến công trình xanh chưa thể phát triển mạnh mạnh, nhất là vấn đề chi phí ban đầu.

Theo các chuyên gia, để công trình xanh phát triển mạnh hơn nữa tại Việt Nam, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, cũng như đưa ra các chính sách phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nhất Nam
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục