Gió đã đổi chiều
Báo cáo của Tổ chức World Green Building Council (WGBC) năm 2016 về xu hướng xanh hóa đô thị trên toàn thế giới (Wolrd Green Building Trends 2016 - Developing Markets Accelerate Global Green Growth) cho thấy, các tập đoàn đầu tư bất động sản tại những nước phát triển đang có xu hướng tập trung vào các hình mẫu bất động sản xanh, bởi tính kinh tế về mặt chi phí đầu tư dài hạn, ảnh hưởng tích cực về mặt danh tiếng thương hiệu chủ đầu tư và biên độ tăng giá dự án khá nhanh (19% lên 27% trong vòng 3 năm (từ 2012-2015).
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo dự báo của Liên Hiệp quốc, đến năm 2030, có khoảng 40% người dân sống ở các đô thị và đến năm 2050, sẽ có tới 2/3 dân số sống trong các đô thị và đại đô thị.
Còn theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong những thập kỷ tới, các nước châu Á sẽ dẫn đầu trên toàn thế giới về phát thải trong xây dựng do sử dụng năng lượng. Để hạn chế thấp nhất biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống của người dân, tăng cường mảng xanh tại các khu đô thị là một giải pháp.
Ông Dương Đức Hiển, Phó giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho biết, một trong những yếu tố quyết định là đô thị xanh phải được xây dựng trên nguyên tắc lấy môi trường làm nền tảng phát triển, giảm thiểu phát thải cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo và lồng ghép các yếu tố môi trường (cây xanh, mặt nước, hệ sinh thái tự nhiên) vào trong các hoạt động đô thị.
Theo đó, xu hướng xây dựng các khu đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đang được chú trọng hơn. Với việc thiết kế hợp lý, giảm tối đa mức sử dụng năng lượng, các công trình xây dựng có thể giảm đến 75% mức tiêu thụ năng lượng so với mức thông thường.
Hiện nay, bắt đầu có một số dự án áp dụng công nghệ mới và chuyển hướng đầu tư để phát triển dự án xanh như Ecolife Capitol của Capital House, Anland Complex của Nam Cường, chuỗi dự án mang thương hiệu Vinhomes của Vingroup, Ecopark của Việt Hưng, dự án Diamond của Phúc Khang, Lakeview của Novaland...
Nhưng đừng lạm dụng
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong thời gian gần đây, những dự án được quan tâm tại Hà Nội như Discovery Complex, Thăng Long Garden, EcoLife Capitol…, yếu tố xanh được sử dụng triệt để trong marketing. Tuy nhiên, dù môi giới liên tục khẳng định căn hộ chuẩn xanh, nhưng hiếm chủ đầu tư nào cam kết trong hợp đồng rằng, khi giao nhà, dự án sẽ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn như quảng cáo.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, hiện nay, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang có phong trào đầu tư dự án xanh. Tuy nhiên, việc đánh giá về tiêu chí công trình xanh ở mỗi quốc gia, vũng lãnh thổ lại có một hệ thống khác nhau.
Chẳng hạn, Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục dựa trên 3 tiêu chí, còn ở Mỹ đánh giá hơn 10 tiêu chí. Riêng tại Việt Nam, thống nhất tiêu chí xanh phải đảm bảo 5 tiêu chí, được xem xét tổng thể cả khu vực chứ không phải một công trình riêng rẽ.
“Rất nhiều dự án chưa đáp ứng đủ tiêu chí vẫn được quảng bá xanh nhằm tạo sức hút kinh doanh. Điều này đòi hỏi người mua phải có nhìn nhận thông minh, tìm hiểu kỹ giấy chứng nhận xanh của tổ chức cấp chứng chỉ đó. Hết sức tỉnh táo và thận trọng với những lời quảng cáo có cánh từ chủ đầu tư”, ông Nghiêm cảnh báo.
Đồng quan điểm, ông Võ Hoàng Phong, Quản lý dự án, Hội đồng Công trình xanh (VGBC) phân tích, những dự án chung cư mà chủ đầu tư quảng bá gắn chữ xanh hoặc không gian xanh chỉ cung cấp chung chung về ngạch, chứ không đưa ra được những con số cụ thể để đo mức độ sử dụng tài nguyên, tiện nghi sử dụng của người mua.
Vì vậy, bên cạnh sự thận trọng của người mua nhà, cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Bộ Xây dựng cũng cần thể hiện rõ nét hơn vai trò của mình. Trong đó, cần giám sát, kiểm tra các chủ đầu tư, thực hiện đảm bảo các công trình thi công theo đúng tiêu chuẩn xanh đã đăng ký.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com