Cuộc đua về đích ở các dự án điện mặt trời dang dở

Việc công bố giá mua điện mặt trời mới áp dụng cho tới hết năm 2020 đang làm sôi động trở lại cuộc đua về đích ở các dự án điện mặt trời dang dở.
Ảnh shutter Ảnh shutter

8 tháng để tăng tốc

Theo Quyết định 13/20202/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời nối lưới trên mặt đất sẽ được áp dụng với các dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2020.

Trước đó, theo Báo cáo của Bộ Công thương, có 36 dự án hoặc phần dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019. Tổng công suất của các dự án này là 2.988 MW.

Danh sách này cũng không tính tới các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế riêng là 9,35 UScent/kWh nếu đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, với tổng công suất là 2.000 MW. Hiện tại, theo số liệu của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, các dự án điện mặt trời trên địa bàn Ninh Thuận đã đi vào hoạt động là 1.100 MW, nghĩa là còn khoảng 900 MW nữa sẽ được hưởng cơ chế này khi hoàn thành trước ngày 1/1/2021.

Cuộc đua về đích ở các dự án điện mặt trời dang dở ảnh 1

Điện mặt trời chiếm 4,1% tổng sản lượng điện sản xuất trong quý I/2020. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Như vậy, tính tổng cộng sẽ có gần 4.000 MW có cơ hội được hưởng giá mua điện cố định theo các mức giá cụ thể được quy định tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.

Với thời hạn hiệu lực hưởng mức giá này (trước ngày 1/1/2021), sẽ còn 8 tháng nữa để các chủ đầu tư dự án điện mặt trời đã được phê duyệt chủ trương đầu tư guồng chân về đích.

Không chỉ gần 4.000 MW từ các dự án nói trên có cơ hội hưởng giá cố định, mà cơ hội còn dành cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái có quy mô dưới 1 MW khi cũng được hưởng mức giá cố định tương đương 8,38 UScent/kWh trong 20 năm.

Năm ngoái, đã có gần 90 dự án điện mặt trời với quy mô công suất 4.500 MW được đưa vào vận hành trong hơn 3 tháng trước thời điểm ngày 30/6/2019. Dù tổng công suất của các nhà máy điện mặt trời chiếm khoảng 9% tổng công suất nguồn điện của cả nước, nhưng sản lượng điện khai thác được mới chiếm khoảng 2% tổng sản lượng điện sản xuất. Nghĩa là, đóng góp cho hệ thống điện không như mong đợi, dù giá bán điện khá cao.

Thách thức

Không tỏ ra hoan hỉ trước việc giá mua điện mặt trời cố định đã được ban hành tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, ông T.Anh, đến từ một quỹ đầu tư nước ngoài cho hay, việc ban hành giá cố định mới để mua điện mặt trời ở thời điểm này là muộn, dù cũng giúp một số doanh nghiệp triển khai nốt được công việc đang dở dang.

“Nếu giá mua điện mặt trời này được ban hành vào quý IV/2019 thì hợp lý hơn nhiều và giúp nhà đầu tư có khoảng 1 năm để lo triển khai. Còn ở thời điểm này, những doanh nghiệp nào đã giải phóng mặt bằng xong, có thỏa thuận đấu nối với khoảng cách dưới 10 km sẽ kịp thi công để kịp có chứng nhận đủ điều kiện vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021. Các nhà đầu tư khác, nếu chưa đủ các điều kiện này, sẽ vất vả hơn nhiều để về đích”, ông T.Anh nói. Cũng theo ông T. Anh, hiện các quỹ đầu tư quay ra chờ đợi cơ chế chính sách liên quan đến đấu thầu chọn nhà phát triển dự án điện mặt trời từ năm 2021 để tìm kiếm cơ hội.

Ở góc độ các dự án điện mặt trời áp mái, cơ hội để bổ sung lượng công suất quy mô lớn trong thời gian ngắn cũng được cho là không dễ dàng, dù mức giá 8,38 UScent/kWh vẫn được cho là hấp dẫn.

Một nhà cung cấp tấm pin mặt trời đến đến từ Trung Quốc cho hay: “Ở khu vực phía Nam, do ít bão, nên kết cấu mái nhà xưởng không làm quá chắc chắn, vẫn mang tính chất chỉ che mưa, che nắng là chính. Trong khi đó, nếu muốn tận dụng các mái nhà ở khu công nghiệp làm điện mặt trời áp mái, thì phải tính tới mức độ chịu lực của thiết bị. Theo thiết kế, 1 MW điện mặt trời áp mái có trọng lượng thiết bị nặng khoảng 150 tấn, vì thế không phải mái nào cũng có thể tận dụng để làm thêm điện mặt trời, dù nắng tốt”.

Việc đi thuê mái nhà để đầu tư dự án điện mặt trời áp mái tuy đã được một vài công ty dịch vụ năng lượng (Esco) triển khai, nhưng hiện vẫn ở quy mô nhỏ, bởi không phải người sở hữu nhà xưởng nào cũng muốn cho người khác đặt thiết bị lên mái nhà. Vì vậy, theo ước tính của các nhà cung cấp pin, từ nay tới cuối năm 2020, nguồn điện áp mái được bổ sung sẽ đến từ các hộ dân là chủ yếu, với quy mô khoảng 1.000 MW.

Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư và bên cấp điện cũng lo ngại, tại thời điểm này, cả nước đang tiến hành cách ly xã hội để phòng dịch Covid-19, nên tiến độ triển khai các công việc trên thực địa sẽ có những khó khăn nhất định.

“Nếu hết ngày 15/4 dỡ cách ly thì còn đỡ, chứ khi dịch vẫn còn kéo dài và chưa biết lúc nào mới hết cách ly xã hội, thì doanh nghiệp rất vất vả để kịp tiến độ”, một chủ đầu tư đánh giá.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục