Cuộc đua huy động trái phiếu tăng nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc đua huy động vốn trên thị trường trái phiếu bắt đầu tăng nhiệt trong bối cảnh nhịp độ sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp được cho là tăng tốc trong năm 2022.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang cao hơn đáng kể năm ngoái. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đang cao hơn đáng kể năm ngoái.

Cuộc đua nóng dần

Tỷ suất lợi tức của sản phẩm đầu tư KSBond được nhân viên Ngân hàng Kiên Long Bank chào lãi suất 1 năm cao nhất là 11%/năm, rút vốn linh hoạt là 10,5%/năm, 6 tháng lên tới 8,8%/năm. Mức lãi suất này được cho là cao hơn đáng kể so với bản chào trước đây và cả hiện nay ở những ngân hàng khác.

Theo ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng, Khối dịch vụ Xếp hạng tín nhiệm - FiinRatings, FiinGroup, năm 2022, các doanh nghiệp sẽ phải nâng lãi suất lên mức cao hơn muốn hoạt động phát hành trái phiếu được diễn ra suôn sẻ vàthành công.

Các dữ liệu tổng hợp của FiinGroup cho thấy, quy mô các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 5 năm qua lên đến 659.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng kép lên tới 55,4%. Song, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa giảm nhiệt, hoạt động phát hành vẫn sẽ diễn ra sôi động và mạnh mẽ trong năm 2022.

Có nhiều luận điểm làm cơ sở cho nhận định này. Thứ nhất, 60% trái phiếu đã phát hành trong 2 năm qua sẽ đáo hạn trong 2 năm tới. Khi đại dịch diễn biến dịch phức tạp, nhiều doanh nghiệp chật vật xoay xở do những biện pháp giãn cách khắc nghiệt chưa từng có.

Thậm chí, một số doanh nghiệp đóng băng hoạt động kinh doanh, dòng tiền suy kiệt cũng như ảnh hưởng đến cân đối tài chính của doanh nghiệp. Vì vậy, áp lực phải phát hành mới để tái tài trợ cho các khoản nợ đến hạn sẽ lớn.

Thứ hai, trong khảo sát các nhóm doanh nghiệp trên sàn của FiinGroup, gần như chi tiêu cho tài sản trong trong 2 năm qua thấp hơn bình quân 5 năm gần nhất, đặc biệt là trong nhóm ngành bất động sản. Khi hoạt động kinh tế được khôi phục trở lại, ngay lập tức các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động xây mới, hoàn thiện các dự án.

Đó là chưa kể, mặt bằng lãi suất của các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm bắt đầu rục rịch tăng, mặt bằng lãi suất trái phiếu theo đó cũng tăng lên. Vì vậy, các doanh nghiệp tranh thủ huy động sớm sẽ được hưởng lãi suất tốt hơn.

Năm 2022, kênh phát hành trái phiếu ra công chúng có thể bùng nổ.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirrae Asset

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirrae Asset cũng dự báo, năm 2022, kênh phát hành trái phiếu ra công chúng có thể bùng nổ. Thống kê cho thấy, tổng dư nợ trái phiếu tính đến cuối năm 2021 chiếm 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó trái phiếu của ngân hàng chiếm 1/3; trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra đại chúng chỉ chiếm 2,6%, trong khi nhu cầu lớn đến từ nhà đầu tư chứng khoán thông thường.

Với thị trường lớn như vậy, năm 2022, sẽ có chính sách của cơ quan quản lý để thị trường ổn định hơn. Theo đó, trái phiếu riêng lẻ có những quy định điều chỉnh thắt chặt hơn, đảm bảo hàng hóa an toàn hơn cho nhà đầu tư, nên nhiều khả năng sẽ có sự bùng nổ của trái phiếu doanh nghiệp phát hành đại chúng.

Đó sẽ là những doanh nghiệp tốt, hồ sơ được cơ quan quản lý thị trường thẩm định; trái phiếu được niêm yết, có nhiều nhà đầu tư mua bán trên thị trường như cổ phiếu.

Trông giỏ, bỏ tiền

Trái phiếu đang trở thành kênh đầu tư phổ biến. Một doanh nhân có quy mô tài sản cá nhân tầm 500 tỷ đồng cho biết, trong năm 2021 phân bổ tỷ trọng gần 50 tỷ đồng vào trái phiếu. Với những nhà đầu tư chuyên nghiệp như trên, không có gì đáng nói vì họ có thông tin và có thể phân biệt được khá rõ rủi ro từ đơn vị phát hành, còn với nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn, sẽ có nhiều vấn đề cần lưu ý.

Năm 2021, số liệu thống kê của Hiệp hội Đầu tư trái phiếu cho thấy, có tới hơn 50% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, phần còn lại chủ yếu đến từ các tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu và bất động sản.

Đề cập đến rủi ro của những trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo bằng dự án hay cổ phiếu, ông Lê Hồng Khang cảnh báo, các tổ chức tín dụng khi phát mãi tài sản, xử lý các tài sản cầm cố, thế chấp cũng phải xử lý trong một thời gian dài, thậm chí phải giảm giá bán sâu so với giá trị đánh giá ban đầu vẫn không thể xử lý được.

Ông Khang lưu ý, đối với những tài sản bảo đảm cổ phiếu hoặc các tài sản hình thành từ vốn vay, nhà đầu tư phải nắm rõ đơn vị định giá là ai, có “móc ngoặc” với doanh nghiệp hay không, hoạt động trong lĩnh vực này bao nhiêu năm? Nếu như các yếu tố đều tích cực thì giá trị định giá có thể phần nào yên tâm.

Ngoài ra, ông Khang cũng lưu ý thêm, 80% khối lượng phát hành trái phiếu bất động sản trong năm 2021 liên quan đến nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong khi đó, sức khỏe của những đơn vị niêm yết và chưa niêm yết có độ vênh lớn.

Các doanh nghiệp chưa niêm yết thường yếu kém về năng lực tín dụng, tuy nhiên, chỉ đánh giá phiến diện điều này là chưa đủ. Đối với nhóm này, phần lớn các doanh nghiệp dự án được lập ra để vận hành dự án nên chưa có lịch sử tín dụng, chưa có lịch sử kinh doanh.

Bởi thế, theo ông Khang, nhà đầu tư cá nhân cần phải hết sức quan tâm và xem xét một cách thấu đáo 4 điều cốt yếu dưới đây trước khi tiến hành quá trình đầu tư.

Thứ nhất, nhóm thông tin về đơn vị phát hành trái phiếu, cần phải biết đây là đơn vị nào, thành lập lâu chưa, lịch sử kinh doanh như thế nào và hoạt động kinh doanh trong 2,3 năm gần nhất ra sao.

Thứ hai, liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu, cần phải nắm rõ mục đích phát hành làm gì? Để tái cấu trúc lại nguồn vốn, đầu tư dự án hay tăng quy mô vốn hoạt động? Phương án phát hành, phương án trả nợ nếu thiếu nguồn thì phương án bù đắp là gì?

Thứ ba, liên quan đến tài sản bảo đảm, cần phải biết hình thức bảo đảm, cổ phiếu trái phiếu, bất kỳ hình thức nào cũng phải nắm rõ.

Thứ tư, liên quan đến bảo lãnh thanh toán và các cam kết mua lại nếu có của đơn vị phân phối cũng như các điều kiện, điều khoản khác trên hợp đồng.

Khi đánh giá năng lực tín dụng liên quan đến trái phiếu, sẽ không chỉ dừng lại ở việc đánh giá năng lực tín dụng của tổ chức phát hành, mà nhà đầu tư phải đánh giá cả năng lực tín dụng của tổ chức đứng ra bảo lãnh. Trong một số trường hợp, đối với các công ty đứng ra bảo lãnh, mức sử dụng đòn bẩy gần như chạm trần, họ sẽ dùng những công ty dự án để vay nợ.

Những con số này sẽ không xuất hiện ở trên bảng cân đối kế toán. Trong một số trường hợp, trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh bởi công ty mẹ nếu có đòn bẩy tài chính vượt ngưỡng hoặc sát trần, chưa chắc an toàn hơn những trái phiếu không có bảo lãnh.

Trong khi đó, ông Tuấn Anh lại khuyến nghị nhà đầu tư cần hiểu rủi ro của tổ chức phát hành và tài sản đảm bảo của trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp đó có niêm yết không, nếu có đọc báo cáo về doanh nghiệp chưa niêm yết thì cần xem có phải nhóm đầu ngành không, mức độ đòn bẩy như thế nào.

Nếu mức nợ trên vốn dưới 2 lần, trong vòng 2-3 năm, doanh nghiệp có thể kiếm đủ tiền để trả nợ là an toàn. Nếu tài sản đảm bảo mà là cổ phiếu thì cần xem xét cổ phiếu đó có thanh khoản không, còn nếu tài sản đảm bảo là bất động sản thì pháp lý của bất động sản đó phải ổn.

Hà Vy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ