Dòng vốn “khủng” đổ vào trái phiếu châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Trong khi phương Tây vẫn đang vật lộn với những hậu quả từ chính sách tài khóa “thả lỏng”, châu Á lại chứng minh rằng kỷ luật tài chính không chỉ giúp ổn định kinh tế mà còn tạo dựng niềm tin vững chắc từ cộng đồng đầu tư quốc tế.
Trái phiếu Mỹ từng là “tiêu chuẩn vàng” của thị trường tài chính toàn cầu cũng được coi là có rủi ro tương đương với trái phiếu nhiều nước đang phát triển Trái phiếu Mỹ từng là “tiêu chuẩn vàng” của thị trường tài chính toàn cầu cũng được coi là có rủi ro tương đương với trái phiếu nhiều nước đang phát triển

Thỏi nam châm hút vốn

Nếu như trước đây, khi thị trường biến động, nhà đầu tư thường tìm về các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu chính phủ Đức hay Nhật Bản. Nhưng trong năm 2025, theo dữ liệu từ Bloomberg, khi trái phiếu dài hạn của các nước phát triển chịu áp lực bán tháo, trái phiếu châu Á mới nổi lại trở thành thỏi nam châm hút vốn. Lợi suất của chúng liên tục giảm, dòng vốn nước ngoài đổ vào như thác lũ.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy, các quỹ toàn cầu đã rót tổng cộng 34 tỷ USD vào trái phiếu của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Hàn Quốc chỉ riêng trong quý II/2025. Đây là dòng vốn chảy vào theo quý lớn nhất trong hai năm qua, không chỉ phản ánh quy mô mà còn thể hiện tính bền vững của xu hướng này.

Không chỉ vậy, các phiên đấu giá trái phiếu gần đây cũng cho thấy mức độ khao khát của nhà đầu tư. Điển hình, đợt phát hành trái phiếu đầu tháng 7 của Indonesia đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm 2020. Hay như đợt phát hành trái phiếu chuẩn 30 năm ngày 2/7 tại Thái Lan đạt tỷ lệ đấu thầu cao nhất trong hai năm và đợt phát hành trái phiếu siêu dài hạn tháng 6 tại Malaysia cũng thu hút nhu cầu cực lớn từ nhà đầu tư quốc tế.

Rủi ro giảm, niềm tin tăng

Mặt khác, nếu nhìn vào chỉ số Credit Default Swap (CDS) - công cụ bảo hiểm chống vỡ nợ và là thước đo đáng tin cậy về nhận thức rủi ro - bức tranh toàn cảnh về rủi ro thị trường sẽ rõ nét hơn.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, CDS của các quốc gia châu Á mới nổi đã giảm mạnh hơn nhiều so với các nước phát triển kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan vào đầu tháng 4. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư hiện sẵn sàng trả ít tiền hơn để bảo hiểm chống rủi ro vỡ nợ của Indonesia, Thái Lan, Malaysia so với trước đây, trong khi chi phí bảo hiểm cho nợ của các nước phát triển lại tăng lên.

Ông Kenneth Ho, nhà phân tích của Goldman Sachs Group Inc đánh giá rằng, các nền kinh tế lớn ở châu Á có xếp hạng tín dụng tốt nhờ dự trữ ngoại tệ mạnh, ít phụ thuộc vào nợ nước ngoài và cán cân tài khoản vãng lai lành mạnh.

Thận trọng tài khóa và USD suy yếu: Động lực kép

Một trong những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của các nước châu Á mới nổi chính là “thận trọng tài khóa” - cách tiếp cận hoàn toàn ngược lại với xu hướng “chi tiêu thoải mái” ở nhiều nước phát triển.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong khi thâm hụt tài khóa của Mỹ tăng vọt từ 3,7% GDP năm 2022 lên 7,3% năm 2024, thì thâm hụt trung bình của các nước châu Á mới nổi lại giảm nhẹ xuống 6,7% GDP. Con số này cho thấy một triết lý quản lý tài chính hoàn toàn khác biệt: trong khi các chính phủ phương Tây “vung tiền” để kích thích kinh tế, các nước châu Á lại chọn cách tiếp cận thận trọng hơn, ưu tiên tính bền vững lâu dài hơn là tăng trưởng ngắn hạn.

Ngoài ra, một động lực quan trọng khác thúc đẩy dòng vốn vào châu Á chính là sự suy yếu của USD. Năm 2025, đồng bạc xanh đã giảm khoảng 8,3% - một mức giảm đáng kể đối với đồng tiền dự trữ toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, điều này tạo ra một “cơ hội kép”: họ không chỉ được hưởng lợi suất cao hơn từ trái phiếu châu Á, mà còn có thể thu được lợi nhuận từ việc tăng giá của các đồng tiền địa phương so với USD.

Hơn nữa, nhiều ngân hàng trung ương châu Á đã thể hiện khả năng “đọc vị” lạm phát tốt hơn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho phép họ chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện kinh tế trong nước, thay vì phải “nhìn theo” quyết định của Fed.

Anh Quý
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục