Cuộc đua công ty chứng khoán tăng nhiệt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy mô vốn của khối công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh hiện nay, nguồn lực này có phần dư thừa, cuộc đua thu hút khách hàng càng tăng nhiệt.
Cuộc đua công ty chứng khoán tăng nhiệt

Đua nhau miễn lãi, giảm lãi vay margin

Chứng khoán VNDirect vừa ra mắt ứng dụng DSTOCK, dành cho khách hàng giao dịch chứng khoán, song song với ứng dụng VND hiện tại dành cho khách hàng giao dịch đa tài sản (bao gồm chứng khoán, trái phiếu, tích sản...) nhằm cung cấp thông tin, dữ liệu chuyên sâu. Chính sách phí giao dịch cũng có điểm mới, nhóm khách hàng giao dịch chủ động, không có môi giới chăm sóc được hưởng mức phí giao dịch 0,1%.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc VNDIRECT chia sẻ, Công ty đã thiết kế các gói sản phẩm đáp ứng các mục tiêu đầu tư khác nhau của khách hàng. Với mô hình đầu tư tích sản, mỗi tháng, nhà đầu tư có thể trích từ 5 - 7 triệu đồng để tích lũy cổ phiếu, hướng đến tăng trưởng tài sản dài hạn.

Hồi đầu tháng 8, công ty này áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 8,9%/năm với Top 50 cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và thanh khoản cao nhất thị trường.

Mirae Asset Việt Nam - công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc - mới tung ra sản phẩm Margin T+, miễn lãi 5 ngày làm việc đầu tiên với khoản vay, sau đó áp dụng lãi suất 15,6%/năm. Hạn mức vay tối đa là 3 tỷ đồng, thời hạn vay 90 ngày.

SSI, công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường - cũng có gói miễn lãi 7 ngày dành cho các khách hàng có nhu cầu sử dụng margin không quá 30 ngày. Từ ngày T+8, mức lãi suất áp dụng là 14,5%/năm. Trong khi đó, theo thống kê của SSI, 90% khách hàng sử dụng margin nắm giữ trung bình là 7 ngày.

Tận dụng thị trường chứng khoán sôi động, các công ty chứng khoán đã cấp tập tăng vốn trong 2 năm qua. Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng quy mô vốn điều lệ của các công ty chứng khoán là 108.000 tỷ đồng thì đến cuối quý II/2022 đạt hơn 133.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 23%.

Con số này chưa bao gồm các công ty chứng khoán vừa hoàn thành tăng vốn từ tháng 7 trở lại đây. Chẳng hạn, SSI đã tăng vốn lên gần 14.900 tỷ đồng (tăng gần 5.000 tỷ đồng so với 30/6/2022); TCBS cũng mới thông báo tăng vốn từ 1.129 tỷ đồng lên hơn 9.000 tỷ đồng…

Với nguồn lực mới huy động được từ cuối năm 2021 tới nay, nhiều công ty chứng khoán đang có nguồn vốn khá dồi dào. Tại thời điểm 31/12/2021, dư nợ cho vay (chiếm 90% là dư nợ cho vay margin, còn lại là tạm ứng) của công ty chứng khoán hơn 197.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm 30/6/2022, dư nợ cho vay giảm xuống 153.800 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 43.000 tỷ đồng, trong khi tổng vốn điều lệ của các công ty lại tăng hơn 27.000 tỷ đồng.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một số công ty chứng khoán đang tích cực mời chào cho vay “deal” trở lại, mỗi “deal” cho vay từ 50 - 300 tỷ đồng (tùy vào sức khỏe tài chính của đơn vị đi vay). Lãi suất dao động từ 10 -15%/năm.

Nóng bỏng trên phân khúc khách hàng cá nhân

Quan sát hoạt động của khối công ty chứng khoán thời gian qua, điều dễ nhận thấy ở các công ty này là việc mở rộng và củng cố thị phần môi giới cá nhân, các sản phẩm thường xoay quanh phí giao dịch, lãi suất margin. Mục đích vẫn là mạng lưới khách hàng cá nhân rộng lớn sẽ giúp các công ty chứng khoán tạo cơ sở cho việc bán chéo sản phẩm tài chính.

Xu hướng này chỉ mới rõ hơn trong hơn 2 năm qua, khi mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Trong tương lai, các sản phẩm cao cấp hơn, như quản lý tài sản (wealth management) nằm trong kế hoạch khai thác và được đầu tư từ nhân sự, công nghệ ở một số công ty chứng khoán ngay từ giờ.

Nổi bật trong nhóm dẫn đầu vẫn là SSI, VND và VPS với chiến lược xây dựng đội ngũ vững mạnh để hút thêm khách hàng, hay sử dụng thêm công cụ cạnh tranh về giá như miễn phí môi giới, lãi suất, hoặc đầu tư công nghệ để giảm các chi phí nhân sự như VPS, TCBS.

Xu hướng số hóa, đầu tư mạnh vào công nghệ trở thành xu hướng nổi trội trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Nhiều công ty chứng khoán đã ứng dụng eKYC để thu hút khách hàng và ở giai đoạn hiện nay, đang dần áp dụng số hóa đồng bộ, đầu tư nâng cấp hơn về giao diện, tính năng… Thậm chí, cả đơn vị vốn có thị phần số 1 về khách hàng tổ chức là Chứng khoán Bản Việt cũng đang đặt mục tiêu gia tăng thị phần môi giới cá nhân hơn nữa bằng cách tái cơ cấu bộ phận môi giới, tập trung hơn nữa vào các nhu cầu của đối tượng khách hàng này.

Cuộc cạnh tranh của công ty chứng khoán chưa hề hạ nhiệt và mỗi giai đoạn đều mang sắc thái khác nhau, theo hướng "trăm hoa đua nở". Trong đó, nguồn lực về vốn, hiện đang được giải ngân nhiều cho hoạt động margin, tự doanh và đang có phần dư thừa, nhưng trong tương lai (đã phát ra tín hiệu từ bây giờ ở một số công ty chứng khoán), yếu tố nguồn vốn mạnh sẽ là lợi thế cho các công ty chứng khoán trong việc tăng khả năng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là khả năng bán chéo nhiều sản phẩm phức tạp cho khách hàng.

Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất (tại thời điểm 30/6/2022).

Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất (tại thời điểm 30/6/2022).

Ngoài các công ty chứng khoán như SSI, VND, TCBS sở hữu danh mục sản phẩm quản lý tài sản đa dạng, các công ty đối thủ như VPS cũng không kém cạnh khi gần đây tung ra các sản phẩm mới, bao gồm trái phiếu và sản phẩm về thị trường tiền tệ. Hoặc các đơn vị có nhiều lợi thế để tham gia phân khúc này như TPS, VPS và cả ở Công ty Chứng khoán CV - mới được Momo mua lại, SBS được tập đoàn bất động sản thâu tóm cũng được kỳ vọng tạo nên sắc màu mới.

Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng ổn định, đang chứng kiến tầng lớp trung lưu gia tăng, nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ngày càng lớn. Thống kê từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 7, có 6,3 triệu tài khoản chứng khoán, trong đó 97% là tài khoản cá nhân. Con số này chỉ mới gần đạt 6% trên tổng dân số hơn 100 triệu dân, trong khi ở Thái Lan là 9%, Đài Loan là 90%.

Theo đó, dư địa để hút thêm nhà đầu tư cá nhân, để thị trường chứng khoán Việt Nam tăng hơn nữa về mặt thanh khoản là hoàn toàn có cơ sở. Những công ty chứng khoán càng tạo nền tảng vững chắc về tệp khách hàng cá nhân dự kiến sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội trong tương lai không xa. Chưa kể, xét về yếu tố ngắn hạn, việc đưa giao dịch T+3 xuống T+2, dự kiến giao dịch lô lẻ trong tháng 9… cũng hỗ trợ cải thiện thanh khoản.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, thanh toán rút ngắn giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, được bán sớm hơn, có khả năng mua nhanh hơn, tốc độ vòng quay vốn tăng, thị trường sẽ sôi động hơn. Kỳ vọng thanh khoản có thể tăng 20 - 30% (cộng thêm các yếu tố hưng phấn của thị trường và các thông tin tích cực).

“Đây là tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0, đáp ứng được một trong những tiêu chí nâng hạng thị trường của MSCI. Diễn biến này có lợi cho khối ngành chứng khoán”, ông Phương nói.

Ý kiến của chuyên gia Công ty Chứng khoán Maybank cho rằng, với việc Việt Nam tiếp tục vươn lên vị thế thị trường mới nổi, kỳ vọng tổng khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan. Thị trường chứng khoán Việt Nam có dư địa tăng trưởng đáng kể khi giá trị giao dịch chỉ đạt 1 tỷ USD mỗi ngày (so với Thái Lan khoảng 3 tỷ USD).

Những công ty chứng khoán đầu ngành hiện đang giành thêm thị phần khả năng cao sẽ trở thành những doanh nghiệp thống lĩnh ngành trong dài hạn, với khả năng bán chéo nhiều sản phẩm phức tạp cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức, giúp các doanh nghiệp này ngày càng cải thiện hiệu suất sinh lời (ROE).

Phan Hằng – Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục