Kinh tế Nhật Bản trong quý II/2021 tăng trưởng 1,9%, cao hơn so với mức dự báo 1,6% của các nhà kinh tế và ước tính ban đầu 1,3% của Chính phủ, bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ ba ở 10 tỉnh, thành phố trong gần 2 tháng.
GDP được thúc đẩy bởi chi tiêu chính phủ, đầu tư kinh doanh và tiêu dùng tư nhân, trong đó chi tiêu chính phủ đóng vai trò lớn nhất, tăng từ mức 2% lên 5,4%. Theo đó, Nhật Bản đã tránh được nguy cơ suy thoái trở lại (GDP quý I giảm 5,1%).
Bên cạnh việc Chính phủ tăng chi tiêu, nhất là cho chi phí y tế, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng chi tiêu nhiều hơn, cho thấy sức bật trong đại dịch và triển vọng khả quan phía trước.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Yuki Masujima cho rằng, mức tăng trưởng quý III/2021 có thể thấp hơn do Nhật Bản chưa thành công trong việc kiềm chế các ca nhiễm Covid-19, dẫn đến tình trạng khẩn cấp ngày càng mở rộng ở các thành phố lớn.
Tình trạng gia tăng các ca nhiễm trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Hè 2021 có thể tác động lớn hơn đến chi tiêu của các công ty và người mua sắm.
Hiện chưa rõ ai sẽ thay thế cựu Thủ tướng Suga vừa quyết định từ chức khi nhiệm kỳ Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông kết thúc vào cuối tháng 9 này, nhưng các nhà kinh tế hy vọng, Thủ tướng mới sẽ công bố một gói kích thích để thúc đẩy sự phục hồi khi quốc gia bắt đầu cuộc Tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới.
“Nền kinh tế vẫn còn mong manh và các chính trị gia sẽ tiếp tục tìm kiếm một gói chi tiêu lớn trước cuộc bầu cử quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro cao hơn trong quý III này do sự lây lan của virus”, Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nói.
Ông Fumio Kishida, một trong những ứng cử viên tranh chức Thủ tướng, đã trích dẫn một báo cáo của Chính phủ trước đây rằng, khoảng cách giữa cung và cầu khoảng 30.000 tỷ Yên (272 tỷ USD), khi được Hãng tin Bloomberg hỏi về quy mô của gói kinh tế nếu ông nắm quyền lãnh đạo.
Trong bối cảnh hiện nay, người thay thế ông Suga cần phải làm tốt hơn nữa trong việc cân bằng các mục tiêu giữ Covid-19 trong tầm kiểm soát, bảo vệ nền kinh tế và vạch ra con đường hướng tới bình thường hóa hoạt động thông qua tiêm chủng và dỡ bỏ các hạn chế.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được dự báo sẽ tiếp tục có các chính sách kích thích tiền tệ vì giá cả đang suy giảm. Thực tế, các thành viên Hội đồng quản trị BOJ gần đây tỏ ra e ngại rằng, sự phục hồi của nền kinh tế có thể bị gián đoạn. Vì thế, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được duy trì.
Ông Keiji Kanda, chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Daiwa nhận định, dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết thời gian của quý III/2021 được đặt trong tình trạng khẩn cấp, do vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý này sẽ rất thấp.
Tương tự Nhật Bản, chi tiêu của Chính phủ Australia (Úc) tăng mạnh, tập trung vào cơ sở hạ tầng. Đây được coi là một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, giúp nước này tránh được cuộc suy thoái có nguy cơ sắp xảy ra.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Úc cho thấy, chi tiêu công tăng 2,5%, lên 134,7 tỷ đô la Úc (tương đương 98,28 tỷ USD), góp phần giúp GDP quý II/2021 tăng 9,6% (cùng kỳ năm ngoái giảm 7%), dù thâm hụt tài khoản vãng lai cao kỷ lục là 20,5 tỷ đô la Úc do giá quặng sắt bùng nổ và nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc. Trước đó, GDP quý I/2021 tăng 1,1%.
Tuy nhiên, GDP quý III/2021 được nhận định sẽ bị ảnh hưởng do đợt dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện trong nửa cuối tháng 6, dẫn tới biện pháp phong tỏa tại nhiều nơi như Sydney, Melbourne, Canberra…, khiến hơn nửa dân số sống trong quy định giãn cách xã hội.
Dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới liên tục gia tăng, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế trong quý cuối năm.
Nhưng với tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, chính quyền các bang đang tính tới việc nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ giữa quý IV.