Cuộc đua CASA của các ngân hàng thêm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đẩy mạnh số hóa đã và đang giúp nhiều ngân hàng tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), từ đó giảm chi phí vốn và giữ được lợi nhuận trước áp lực giảm lãi vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng dịch.
Nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng mạnh trong 9 tháng qua. Ảnh: Dũng Minh Nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA tăng mạnh trong 9 tháng qua. Ảnh: Dũng Minh

Mở rộng nguồn vốn rẻ

Theo thông tin từ MBBank, trên nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tỷ lệ CASA tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, quy mô CASA tăng thêm 34.557 tỷ đồng, nâng tỷ lệ CASA lên 37,1% - tăng 2,3% so cùng kỳ năm 2020.

CASA tăng là một trong những yếu tố quan trọng giúp MBBank tiết kiệm chi phí huy động vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động tín dụng, góp phần vào con số lợi nhuận hơn 11.884 tỷ đồng đạt được trong 9 tháng qua, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, cho dù Ngân hàng thực hiện nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh - một trong những nguyên nhân khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 43,5% lên 6.018 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank cho biết, mặc dù phải hy sinh lợi nhuận để giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch, nhưng với chiến lược đẩy mạnh huy động CASA thông qua các gói sản phẩm dịch vụ tiền gửi và giao dịch, nên Ngân hàng vẫn giữ được lợi nhuận.

Theo lãnh đạo Techcombank, gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngân hàng này đã tái cơ cấu hơn 11.500 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng và từ đầu năm 2021 tới nay hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng. Tuy vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, Techcombank vẫn đạt 17.100 tỷ đồng trước thuế và tự tin hoàn thành mục tiêu 19.800 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho năm nay... Có được kết quả này một phần nhờ tỷ lệ CASA tăng mạnh, đạt 49% tại thời điểm cuối quý III/2021 - cao nhất hệ thống ngân hàng và tăng so mức 46,1% vào cuối quý liền trước.

“Techcombank vẫn đang thúc đẩy mở rộng nguồn vốn giá rẻ nên tỷ lệ CASA sẽ còn tăng trong quý IV/2021”, ông Jens Lottner nhấn mạnh.

Tại ACB, đà tăng trưởng tiền gửi tuy đã chững lại đáng kể trong 9 tháng qua, chỉ đạt 3,6% so với đầu năm, nhưng điểm tích cực là tỷ lệ CASA đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm lên mức 23,2% tính đến cuối tháng 9/2021. Nhờ đó, biên lãi ròng (NIM) của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt 4,1% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nếu so với quý II/2021 thì ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm trong quý III/2021 ở mức -3,2%. Kết thúc quý II/2021, dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng 9,7% lên 341.667 tỷ đồng, đồng thời phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.812 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2020. Dù vậy, ACB vẫn ghi nhận lãi trước thuế 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Với MSB, nhờ dịch vụ ngân hàng điện tử được đẩy mạnh trong giai đoạn dịch bệnh, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và hầu hết đều miễn phí nên CASA của ngân hàng này tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý III/2021 với 29.254 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 31,09% trên tổng tiền gửi và ký quỹ, nằm trong tốp ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất thị trường.

Theo đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của MSB tính đến hết quý III/2021 đạt 2.445 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước, trong đó đóng góp chính vẫn là nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, MSB đạt hơn 4.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 2,5 lần cùng kỳ năm 2020 và vượt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm là 3.200 tỷ đồng.

Để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong mùa dịch, các ngân hàng đã giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay kể từ ngày 15/7/2021. Đến nay, 16 ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất với tổng tiền lãi giảm cho khách hàng ước đạt 20.613 tỷ đồng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận cao trong 3 quý đầu năm nay nhờ mở rộng nguồn vốn rẻ, đặc biệt là tăng CASA, đồng thời nguồn thu ngoài lãi giữ đà tăng.

CASA cải thiện cùng nhịp đập số hóa

CASA là một cấu phần quan trọng trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Tỷ lệ CASA cũng được xem là một điển hình cho xu hướng phát triển ngân hàng hiện đại, theo tốc độ chuyển đổi số và đổi thay phương thức thanh toán trong nền kinh tế, bởi nó phản ánh hiệu quả của việc cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng toàn diện, nhất là thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số.

Trên thực tế, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao thì càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay ra cũng như có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần. Vì thế, cuộc đua CASA được dự báo sẽ ngày một gay gắt hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ chiến lược hoạt động giai đoạn 2021-2025, ông Jens Lottner cho hay, Techcombank sẽ tiếp tục tập trung vào nguồn vốn rẻ, đặc biệt là tăng trưởng CASA. Sau 9 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 870.000 khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên con số 9,2 triệu. Trong đó, khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của nhóm khách hàng cá nhân trong 9 tháng qua lần lượt đạt 456 triệu giao dịch và 6,3 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% và 91% so với cùng kỳ năm 2020).

Để duy trì CASA tăng ổn định trong dài hạn trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, theo ông Jens Lottner, bên cạnh việc lựa chọn phân khúc, lĩnh vực kinh tế trọng tâm thì còn cần đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các lĩnh vực trọng tâm này. Bởi khi sản phẩm, dịch vụ bám sát nhu cầu của khách hàng thì sẽ được đón nhận và sử dụng nhiều hơn, kéo theo các hoạt động thanh toán hàng ngày cũng như các hoạt động khác gia tăng, từ đó thúc đẩy CASA tăng theo.

Tại OCB, kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng ghi nhận 3.768 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020 và một trong những yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế duy trì ở mức cao ngay trong mùa dịch là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR), khi tỷ lệ này giảm từ mức 31,9% của cùng kỳ năm trước xuống mức 29,1% vào cuối quý III năm nay. Đồng thời, thanh toán online bùng nổ, đặc biệt sau khi OCB triển khai định danh điện tử (eKYC), tỷ lệ giao dịch online từ đầu năm đến nay tăng tới 269%, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng OCB OMNI đạt hơn 1 triệu người.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, việc tăng cường áp dụng số hóa đã giúp Ngân hàng giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, từ đó góp phần làm giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, phản ánh qua tỷ lệ nợ xấu trong 3 quý đầu năm nay tiếp tục giảm so với cùng kỳ, bất chấp khó khăn do đại dịch.

“Trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư cho chiến lược số hóa của OCB vào khoảng 1 triệu USD với dự án nâng cấp hệ thống core banking vận hành vào cuối năm”, ông Tùng chia sẻ thêm.

Trên thực tế, số dư CASA của ngân hàng đến từ nhiều nguồn khác nhau, có thể phát sinh từ hoạt động thanh toán chi tiêu hàng ngày, hoạt động tích lũy hay hoạt động đầu tư. Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), việc đẩy mạnh số hóa thúc đẩy xu hướng thanh toán online, dẫn tới tỷ trọng CASA tăng lên và chi phí vốn của các ngân hàng giảm xuống. Do đó, NIM của các ngân hàng vẫn còn dư địa cải thiện từ nay tới cuối năm khi CASA tiếp tục được cải thiện nhờ đẩy mạnh số hóa cũng như các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy giao dịch trực tuyến.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, 8 tháng qua, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,36 triệu giao dịch, tương ứng giá trị đạt 95,40 triệu tỷ đồng, tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục