CASA - “át chủ bài” của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CASA là tiền gửi thanh toán trên tài khoản của khách hàng, lãi suất mà ngân hàng chi trả có tính "tượng trưng" nên là nguồn lợi lớn của mỗi nhà băng.
Người dân ngày càng thông minh khi đầu tư và tiết kiệm Người dân ngày càng thông minh khi đầu tư và tiết kiệm

Tăng CASA vẫn là mục tiêu

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, một trong hai mục tiêu cơ bản được Ban lãnh đạo VPBank đặt ra đó là tăng trưởng tỷ lệ CASA và ngân hàng giao dịch để tối ưu hóa chi phí vốn, đồng thời đa dạng hóa thu nhập ngoài lãi, phát triển chiến lược Open Banking (ngân hàng mở) và quan hệ đối tác. Theo đó, CASA của ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện, dao động quanh mức 15% trong cả năm 2020 (cuối năm là 15,5%) so với mức 13% cuối năm 2019. Tính đến cuối quý I/2021, tỷ lệ CASA được nâng lên 17%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, Ngân hàng duy trì chiến lược phát triển CASA nên sau 3 năm, từ vị trí thứ 3 sau MB và Vietcombank, đến năm 2020 đã vươn lên dẫn đầu, đạt 46,1%, trong khi trung bình thị trường là 22%. Ngân hàng dự kiến tỷ lệ CASA đạt 55% vào năm 2025.

Ngoài tăng cường thu hút tiền gửi không kỳ hạn, các ngân hàng đẩy mạnh đa dạng hoá các loại hình kinh doanh.

“Biên lợi nhuận ròng (NIM) của Techcombank cao không phải nhờ lãi suất cho vay cao, mà là nhờ chi phí vốn rẻ, CASA cao”, ông Hồ Hùng Anh nói.

Cuối năm 2020, tiền gửi của khách hàng tại MB đạt 310.960 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng 25% so với đầu năm, ghi nhận 115.194 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ CASA đạt 37%, tăng so với mức 33,9% cuối năm 2019.

Đối với Vietcombank, tính đến ngày 31/12/2020, tiền gửi của khách hàng tăng 11% so với đầu năm, đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tăng 17%, đạt 307.223 tỷ đồng. Tỷ lệ CASA đạt 29,8%. Đây là một trong những yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất xấp xỉ 23.068 tỷ đồng trong năm 2020.

Tại VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Ngân hàng chia sẻ ở Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 rằng, 4 năm trước, tỷ lệ đóng góp của khách hàng bán lẻ còn nhỏ so với khách hàng doanh nghiệp, nhưng nhờ chuyển đổi chiến lược tập trung vào bán lẻ, số lượng khách hàng cá nhân hiện đạt gần 3 triệu người. Đây là cơ sở để Ngân hàng tăng tỷ lệ CASA.

“Hiện tại, tỷ lệ CASA của VIB chưa đến 12%, thuộc nhóm thấp trong số các ngân hàng, nhưng VIB có lộ trình tăng tỷ lệ CASA trên tổng huy động vốn của mảng bán lẻ lên 20% trong 1 đến 1,5 năm tới”, ông Vỹ cho biết.

Theo lãnh đạo một ngân hàng, huy động vốn ngày càng khó khăn nên những ngân hàng có lượng khách hàng trung thành gửi tiền không kỳ hạn, quy mô lớn sẽ cho vay được với lãi suất cao và hưởng chênh lệch nhiều.

“Nguồn mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng chính là ở chỗ này, nhưng trước đây ít có ngân hàng quan tâm vì quy mô ngân hàng nhỏ và mức độ cạnh tranh chưa gay gắt như hiện nay. Bên cạnh đó, khách hàng giờ đây là thượng đế, sểnh ra là ngân hàng mất khách, nên mức độ cạnh tranh càng trở nên quyết liệt hơn”, vị lãnh đạo ngân hàng nhận xét.

Không chỉ trông chờ vào vốn rẻ

Nguồn tiền gửi không kỳ hạn dồi dào sẽ giúp biên lợi nhuận ngân hàng được nới rộng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chiếm được ưu thế này, bởi muốn CASA tăng, trước tiên phải chịu chi phí đầu tư.

CASA từ khách hàng cá nhân tại MB tính đến cuối quý I/2021 tăng 37% so với đầu năm, lên khoảng 44.000 tỷ đồng, bù đắp một phần sự sụt giảm theo mùa của CASA từ khách hàng doanh nghiệp (giảm 19%). Xu hướng tăng của CASA bán lẻ ở MB được SSI Research nhận định là kết quả của việc tăng gấp đôi giá trị giao dịch liên quan đến các sáng kiến ngân hàng kỹ thuật số khác nhau.

Biên lợi nhuận ròng của Techcombank cao không phải nhờ lãi suất cho vay cao, mà là nhờ chi phí vốn rẻ, CASA cao.

MB thành lập thị trường chuyển nhượng tiền gửi, đồng thời tạo ra một số tiện ích mới trong ứng dụng MBB App. Bên cạnh đó, ý tưởng cho phép khách hàng mở tài khoản ngân hàng có số tài khoản trùng với số điện thoại đã được đón nhận tích cực, giúp MB mở rộng tệp khách hàng. Trong quý I/2021, khách hàng cá nhân mới thông qua ứng dụng MB là 1 triệu khách, tương đương khoảng 60% khách hàng mới trong cả năm 2020. Theo SSI Research, mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tỷ lệ duy trì gắn bó cũng như CASA đến từ nhóm khách hàng này, nhưng kết quả ban đầu là khả quan.

Một chuyên gia phân tích cho biết, chi phí vận hành cho các loại tài khoản phí 0 đồng rất tốn kém, bù đắp lại là những khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng. Để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, ngân hàng cần phải có hệ sinh thái giao dịch trực tuyến hoàn thiện từ thanh toán đến cho vay, kết nối với ví điện tử, công ty tài chính, bảo hiểm... Theo đó, lượng khách hàng mở tài khoản mới gia tăng và số dư trên tài khoản tăng lên.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB chia sẻ: “Một số ngân hàng đặt mục tiêu tỷ lệ CASA 50% vào năm 2023. Chúng ta không hy vọng lấy được vốn rẻ, bởi người dân ngày càng thông minh khi đầu tư và tiết kiệm. Các sản phẩm tài chính có cấu trúc phù hợp với người dân về mặt thời gian, lợi nhuận... sẽ có ưu thế hơn. Mục tiêu của MB là duy trì tỷ lệ CASA ở mức 36 - 40%”.

VPBank cũng đặt mục tiêu cải thiện CASA, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho thay, Ngân hàng đang dẫn đầu ở nhiều chỉ số hiệu quả, có mô hình kinh doanh đa dạng, bao phủ phân khúc khách hàng có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Năm 2020, thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng từ 19% của năm 2019 lên 21% trong năm 2020.

Mới đây, VPBank đã bán 49% vốn điều lệ của FE Credit cho SMBC với giá 1,37 tỷ USD. Trừ đi phần tăng vốn cho FE Credit ngay trước đó, giao dịch thoái vốn này sẽ đóng góp khoảng 26.500 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của VPBank trong năm 2021.

Về Techcombank, ngân hàng này đang tái khởi động hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sau giai đoạn chuyển đổi từ mô hình giới thiệu (referral) sang bán hàng trực tiếp (direct). Hiện tại, hơn 3.700 nhân viên của Techcombank đã sở hữu chứng chỉ banca.

“Rất nhiều người buôn bán nhỏ lẻ lựa chọn Techcombank để mở tài khoản, nhưng liệu những khách hàng này có vay tiền hay mua bảo hiểm của Techcombank hay không lại là một câu chuyện khác. Đa dạng hoá các loại hình kinh doanh vẫn là lựa chọn hàng đầu nhằm đảm bảo an toàn hoạt động”, vị chuyên gia phân tích trên nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục