Cuộc chiến mới trong ngành chuyển phát tỷ đô

Ngành dịch vụ bưu chính chuyển phát có quy mô “tỷ đô” sẽ trở nên khốc liệt với sự đầu tư mạnh mẽ của các “cựu binh” trong nước và các “tân binh” nước ngoài.
Cuộc chiến mới trong ngành chuyển phát tỷ đô

Miếng bánh ngày càng nở ra

Cuối tuần qua, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã chính thức có phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, với mã chứng khoán VTP. Giá chào sàn của VTP là 68.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 41 triệu cổ phiếu Viettel Post được đưa vào giao dịch, doanh nghiệp này có định giá khi chào sàn gần 3.000 tỷ đồng. 

Viettel Post là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong ngành bưu chính, sau Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost). Chỉ riêng trong năm 2017, tổng doanh thu của Viettel Post hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 37,64% so với năm 2016. Viettel Post đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 10.500 tỷ đồng vào năm 2020. 

Ông Trần Trung Hưng, Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Viettel Post cho biết, sau khi lên sàn chứng khoán, Viettel Post sẽ thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong tất cả hoạt động của mình, không chỉ trong nước, mà còn trên các thị trường quốc tế.

Trong đó, tập trung vào chuyển dịch từ làm thuê cho các công ty nước ngoài sang công ty đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, từ chuyển phát sang công ty logistics, từ doanh nghiệp bưu chính truyền thống thành doanh nghiệp công nghệ bưu chính. 

“Mục tiêu chiến lược của Viettel Post là trở thành doanh nghiệp logistics số 1 cho các công ty bán hàng, hướng tới mục tiêu 500 triệu USD và chiếm 30 - 35% thị phần vào năm 2020”, ông Hưng nói.

Đánh giá về tiềm năng ngành bưu chính, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành bưu chính không chỉ làm dịch vụ chuyển phát thư, báo, mà đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics và chính phủ điện tử.

“Thị trường bưu chính đang tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng 35 - 40%/năm, trong khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định. 

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Ngành bưu chính, dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng, logistics đang là mảnh đất màu mỡ. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và có thể đạt quy mô 10 tỷ USD vào năm 2020. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62 - 200%. Đây là một trong những cơ hội lớn để các doanh nghiệp chuyển phát có sự phát triển vượt bậc.

Thị trường chuyển phát nhanh không chỉ được khai thác bởi các công ty truyền thống, mà các công ty start-up và những công ty đa quốc gia cũng nhảy vào.   

Thị trường chuyển phát nhanh hiện không chỉ được khai thác bởi các công ty truyền thống (Viettel Post, EMS, VNPost), mà các công ty start-up (giaohangnhanh, supership, giaohangtietkiem) và những công ty đa quốc gia (DHL eCommerce, Grab Express, Lazada Express) cũng nhảy vào, bởi thế, sự cạnh tranh là rất khốc liệt.

Theo đánh giá của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty VNPost, cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính còn khốc liệt hơn lĩnh vực viễn thông.

“Trước đây tôi cứ nghĩ cạnh tranh viễn thông là khốc liệt, nhưng thực tế, cạnh tranh bưu chính còn khốc liệt hơn nhiều. Thực tế, lĩnh vực viễn thông chủ yếu cạnh tranh giữa 3 nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel, trong khi lĩnh vực bưu chính đã có xấp xỉ 300 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ bưu chính, chưa kể một loạt doanh nghiệp bưu chính không phép và rất nhiều nhà xe hoạt động bưu chính chuyển phát không phép (xe khách vận chuyển hàng hóa với chi phí chỉ 20.000 - 30.000/gói hàng).

Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì cạnh tranh mạnh bằng cách giảm giá. Đặc biệt, gần đây, nhiều quỹ đầu tư bơm tiền cho start-up, chấp nhận lỗ vài ba năm để giành thị phần. Nếu các doanh nghiệp chuyển phát nhanh truyền thống như chúng tôi không xử lý tình huống chuẩn thì chắc chắn sẽ chết”, ông Tuấn cho hay.

Hiện các doanh nghiệp chuyển phát giao nhận như Giao hàng nhanh, Giao hàng số 1, Giao hàng Ong Vàng... đang có xu hướng đẩy mạnh bán hàng bằng cách giảm giá, giá rẻ và phục vụ nhu cầu giao hàng nội thành tại các thành phố lớn. Còn các doanh nghiệp nước ngoài mạnh về chuyển phát quốc tế như DHL, TNT Express, FedEx... tiếp tục tăng cường sự hiện diện bằng cách tung ra các dịch vụ chuyên biệt, hay thành lập công ty con tại nhiều tỉnh, thành phố. 

Trước bối cảnh đó, Viettel Post, VNPost tăng cường đầu tư vào hệ thống xe tải và kho bãi mới và đẩy mạnh mảng logistics.

Nếu như Viettel Post niêm yết trên sàn UPCoM để huy động vốn đầu tư mở rộng mạng lưới chuyển phát ra nước ngoài, mở rộng logistics, ứng dụng công nghệ bưu chính, thì VNPost vừa đưa vào vận hành Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Nam tại TP.HCM và đang tiến hành xây dựng 7 trung tâm vận chuyển và kho vận vùng, hình thành 3 trung tâm lớn tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Một cuộc chiến mới hấp dẫn trong lĩnh vực bưu chính sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục