Xáo trộn cuộc sống của người dân
Hàng trăm thiết bị được nhập về tập kết ngay tại mặt bằng Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi đã biến sắc, đổi màu, hoen gỉ do phơi nắng mưa gần chục năm nay khiến ai thấy cũng có cảm giác đó là bãi rác chất thải rắn.
Những thiết bị đang bị cỏ dại mọc cao dần che khuất. Cột mốc dự án lấp ló đâu đó trong đám trinh nữ, lau, lách. Bên cạnh những trụ bê tông lăn lóc, khu nhà văn phòng và nhà chứa sản phẩm xây dang dở đã bắt đầu biến dạng...
Có lẽ, gần chục năm về trước, khi “đáp chuyến tàu” về với Quảng Ngãi, Tân Mai không thể ngờ rằng, chuyến đi của họ lại rơi vào cảnh “nửa chừng đứt gánh”, khiến mọi kế hoạch trở nên dở dang. Và càng không ngờ rằng, “suất vé” về vùng đất này lại đắt đến vậy: hơn 2.000 tỷ đồng đã giải ngân để đổi lấy một kết cục cay đắng!
Nhà đầu tư thất bại ở dự án này, có thể họ sẽ thành công ở dự án khác, đặc biệt với lĩnh vực là thế mạnh lâu năm của họ. Dự án không thành, sự ra đi của nhà đầu tư dù ồn ào hay lặng lẽ, thì cũng chỉ một quyết định ban ra và vài chuyến xe thu vén tài sản đã đầu tư là họ đã có thể lên đường.
Nhưng để khắc phục những sự xáo trộn trong cuộc sống của hàng trăm hộ dân tại vùng đất Bình Long sau gần chục năm Dự án hiện diện, chắc chắn không hề đơn giản như vậy.
“Cuộc sống nhiều hộ dân đối mặt với khốn khó trăm bề”, ông Hồ Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bình Long nói và cho biết, đất của hơn 200 hộ dân bàn giao cho Dự án, nhưng nhà máy “đứng im”, thành đất hoang hóa, dân cũng không thể canh tác được, những hạng mục xây dựng nhỏ lẻ trong phần đất dự án đã xuống cấp.
“Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội, HĐND, người dân rất bức xúc vì trước đây thì hối thúc dân bàn giao đất xây nhà máy, bây giờ thì đất đai bỏ không, khu vực nhà máy không có sự thay đổi gì cả”, ông Thái nói.
Tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện giao vùng chuyên canh nguyên liệu khổng lồ ở 5 xã Ba Xa, Ba Trang, Ba Nam, Ba Lế, Ba Cung của huyện Ba Tơ cho Tân Mai, nhưng Dự án nằm… trên giấy. Tháng 8/2016, tỉnh đã ra quyết định thu hồi hơn 230 ha đất vùng trồng nguyên liệu giấy.
Một lãnh đạo huyện Bình Sơn cho biết, thời điểm chủ đầu tư khảo sát vị trí tiến hành xây dựng, lãnh đạo huyện lẫn người dân đều không đồng tình “siêu” dự án ngàn tỷ này, bởi lo ngại ô nhiễm và nhiều vấn đề phát sinh đối với ngành sản xuất giấy vốn rất nhạy cảm về môi trường.
“Hiện tại, vẫn chỉ có khu đất trống đã giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng cũng hoang hóa, chẳng có thay đổi gì so với lúc khởi công.
Tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ dự án này, nên sẽ có kết quả. Theo quan điểm lãnh đạo địa phương, dự án giấy quá lâu không triển khai thì phải thu hồi”, vị này đề nghị.
Tìm bến đỗ mới?
Hành trình của “chuyến tàu” Nhà máy bột và giấy Tân Mai không thể dừng lại ở mảnh đất Quảng Ngãi, nên Tân Mai đã lên kế hoạch di chuyển để tìm bến đỗ mới. “Nhà ga” mới có thể là Đồng Nai hoặc Kon Tum.
Đây là thông báo mới được Tân Mai phát ra. Theo đó, Tân Mai đã tìm được đối tác nước ngoài cùng hợp tác phát triển các nhà máy giấy.
Về lý do chậm triển khai Dự án, thông báo của Tân Mai cũng cho rằng, quá trình thi công đã gặp rất nhiều khó khăn trong công phóng mặt bằng, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi. “Công ty đã thực hiện ký hợp đồng thuê đất với Ban Bồi thường, di chuyển dân và giải phóng mặt bằng huyện Bình Sơn (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chi nhánh huyện Bình Sơn). Theo hợp đồng, sau 75 ngày sẽ bàn giao mặt bằng cho Công ty.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2011, Trung tâm Phát triển quỹ đất mới bàn giao cho Công ty 439.556/450.067 m2 mặt bằng sạch. Đó chính là lý do làm ảnh hưởng tới việc bố trí thi công xây dựng các hạng mục của Dự án.
“Thêm vào đó, do chưa được bàn giao đủ mặt bằng, nên Công ty không thể làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”, thông báo của Tân Mai viết.
Bên cạnh những trở ngại về mặt bằng, việc bị thu hẹp diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy (chỉ giao 100 ha so với kế hoạch 1.000 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), cũng gây cho Tân Mai một số khó khăn nhất định trong công tác đầu tư.
Theo Tân Mai, cho đến thời điểm hiện tại, dự án tại Quảng Ngãi được phê duyệt đầu tư với số vốn trên 5.000 tỷ đồng.
Nhưng Tân Mai chỉ mới giải ngân hơn 2.039 tỷ đồng, trong đó, chưa tính lãi vay ngân hàng là 1.838 tỷ đồng, chi phí này chủ yếu sử dụng cho việc nhập các dây chuyền thiết bị để đầu tư dự án. Chính vì thế, Tân Mai quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền công nghệ vào 2 nhà máy tại Đồng Nai và Kon Tum.