Hậu Giang muốn thu hồi Dự án Bột giấy Lee&Man

Trong khi Dự án Giấy Lee&Man vẫn đang vướng những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, thì Dự án Bột giấy Lee&Man đang bị Hậu Giang đề xuất thu hồi.
Hậu Giang muốn thu hồi Dự án Bột giấy Lee&Man

Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, tỉnh Hậu Giang đã chính thức nhắc đến việc xin ý kiến thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy tẩy trắng, sản lượng 330.000 tấn/năm của nhà đầu tư Lee&Man.

Lý do được Hậu Giang đưa ra, đó là vì dự án này được cấp chứng nhận đầu tư đã lâu mà chưa triển khai, vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Được cấp chứng nhận đầu tư từ giữa năm 2007, sau đó được điều chỉnh vào tháng 6/2011, Dự án Bột giấy Lee&Man có tổng vốn đăng ký 348,7 triệu USD, quy mô 330.000 tấn/năm.

Tuy Hậu Giang chỉ căn cứ vào những vi phạm liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai để đề xuất việc thu hồi dự án này, song thực tế, nhiều quan điểm cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Hậu Giang quan ngại đó chính là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường   

Theo kế hoạch, Dự án sẽ được xây dựng vào tháng 10/2013 để đến cuối năm 2015 sẽ đi vào hoạt động, nhưng đến giữa năm 2016, Lee&Man đã buộc phải xin gia hạn tiến độ triển khai đến tháng 5/2017, hoàn thành vào tháng 8/2018. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm cam kết phải bắt đầu xây dựng Dự án - là tháng 5/2017 - Lee&Man lại một lần nữa bất ngờ xin tạm triển khai Dự án.

Lần này, không chỉ là 1 mà là 2 năm, đến cuối năm 2018 mới có kế hoạch tiếp theo. Có nghĩa rằng, một dự án được cấp chứng nhận đầu tư, song tới 11 năm sau vẫn chưa được triển khai và thậm chí, không biết có được triển khai tiếp hay không.

“Lý lẽ” mà Lee&Man đưa ra là Tập đoàn hiện đang đầu tư hai dự án tại Hậu Giang (một là Nhà máy Giấy Lee&Man, hai là Nhà máy Bột giấy - PV), nên đang tập trung tất cả nguồn lực vào quá trình chạy thử nghiệm nhà máy giấy, thử nghiệm nhu cầu thị trường, hoàn thiện công nghệ để chấp hành các yêu cầu quản lý môi trường, đảm bảo tối đa việc vận hành sản xuất không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.

Hơn nữa, theo Lee&Man, việc đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy đòi hỏi sự đầu tư cao hơn về vốn, trang thiết bị công nghệ, quy trình xử lý chất thải và các yêu cầu nghiêm khắc của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Cũng theo tập đoàn này, với các sự cố về môi trường của nhà máy giấy, Lee&Man phải hết sức thận trọng khi xây dựng nhà máy bột giấy, phải xin tham khảo ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trước khi quyết định tiếp tục đầu tư hay dừng lại.

Trong khi đó, Hậu Giang lại cho rằng, với việc đã được thuê đất, thậm chí được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên tới 40,8 ha từ năm 2008, mà cho đến nay Lee&Man chưa triển khai Dự án có nghĩa là đã vi phạm quy định của Luật Đất đai.

Cũng tương tự như vậy, việc Lee&Man xin hoãn triển “Dự án không triển khai, sử dụng đất chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh, cũng chưa đi vào hoạt động theo tiến độ đăng ký tại giấy chứng nhận đầu tư”.

Tình hình thực tế của Dự án Bột giấy Lee&Man đã được Hậu Giang đánh giá như vậy. Và dựa trên thực tế này, Hậu Giang đã chính thức đề xuất việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án có vốn đầu tư gần 350 triệu USD này.

Tuy Hậu Giang chỉ căn cứ vào những vi phạm liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai để đề xuất việc thu hồi dự án này, song thực tế, nhiều quan điểm cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Hậu Giang quan ngại đó chính là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, dự án đầu tiên của Lee&Man - Dự án Giấy 300 triệu USD - đang trong quá trình chạy thử nghiệm để kiểm tra các thông số về môi trường. Tuy nhiên, ngay từ khi Dự án chưa đi vào hoạt động, đã rất nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại chuyện các dự án này sẽ “bức tử” sông Hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường và nguồn lợi thủy sản của khu vực này. Thậm chí, đã có những đề xuất phải dừng thực hiện các dự án của Lee&Man tại Hậu Giang, nhất là sau sự cố Formosa ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung.

Lý lẽ mà Lee&Man đã từng khẳng định, là Dự án đang triển khai chỉ là dự án sản xuất giấy nên không quá lo ngại về vấn đề môi trường, chuyện xả thải xút ra sông, biển... Tuy nhiên, với dự án sản xuất bột giấy lại khác, là lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, nhiều địa phương đã nói không với các dự án trong lĩnh vực này.

Bộ Công thương cũng đã từng cho rằng, nên xem xét dừng việc triển khai Dự án Bột giấy Lee&Man. Nay thì Hậu Giang cũng đã có những kiến nghị ban đầu về việc thu hồi Dự án. Chỉ riêng nguyên nhân dự án quá chậm trễ trong triển khai cũng đã đủ để đặt dấu chấm hết cho dự án này, chứ chưa nói đến nguy cơ nhãn tiền là gây ô nhiễm môi trường cho khu vực sông Hậu.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục