Cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, người tiêu dùng và các doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn hơn trong việc thanh toán hàng ngày, thể hiện qua sự lên ngôi của các hình thức thanh toán không tiếp xúc (contactless) do hàng loạt ngân hàng thương mại phát hành.
Chỉ cần vẫy nhẹ điện thoại trong phạm vi 4cm vào chiếc máy POS là có thể hoàn thành giao dịch Chỉ cần vẫy nhẹ điện thoại trong phạm vi 4cm vào chiếc máy POS là có thể hoàn thành giao dịch

Cuộc đua mới của ngành ngân hàng

Nhờ sự phát triển của ngành tài chính, các hình thức thanh toán tại Việt Nam đang ngày càng trở nên đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch khác nhau của người tiêu dùng lẫn giới kinh doanh. Bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống là tiền mặt, người Việt hiện nay có thể sử dụng hàng loạt công nghệ khác như Internet Banking, Mobile Banking, các loại thẻ tín dụng, thẻ ATM, thẻ ghi nợ và gần đây là thanh toán không tiếp xúc (contactless).

Đúng như tên gọi, khi sử dụng công nghệ không tiếp xúc, người tiêu dùng chỉ cần vẫy nhẹ thẻ hoặc điện thoại có ứng dụng này trong phạm vi 4cm vào chiếc máy POS là có thể hoàn thành giao dịch, tất cả trong vòng dưới 1 giây mà không phải nhập mã PIN. Với các giao dịch giá trị nhỏ, người tiêu dùng cũng không cần phải ký tên, nên công nghệ không tiếp xúc được xem là hình thức thanh toán tiện lợi, tiết kiệm thời gian tối đa cho người tiêu dùng. 

Trong năm 2018, hàng loạt ngân hàng thương mại Việt Nam đã bắt đầu cuộc đua thị phần thẻ không tiếp xúc. Chỉ trong vòng nửa cuối năm, các ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, Nam Á, ABBank, Agribank, TPBank đã ra mắt dịch vụ này, áp dụng cho thẻ tín dụng lẫn thẻ ghi nợ quốc tế. Nhiều chương trình khuyến mãi, quay số trúng thưởng đã được các ngân hàng áp dụng rầm rộ nhằm khuyến khích người dùng sử dụng công nghệ mới mẻ này. 

Với công nghệ Visa payWave hoặc Visa Micro Tag, người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ hoặc ứng dụng điện thoại để thanh toán

Theo các ngân hàng, trước mắt, công nghệ thanh toán không tiếp xúc có thể sử dụng tại nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng lớn trên khắp Việt Nam như Aeon Mall, Citimart, Big C, Co.opmart, Nguyễn Kim, KFC và CGV, cũng như tại bất kì địa điểm nào trên thế giới chấp nhận thanh toán không tiếp xúc. Trong tương lai, thẻ ATM nội địa cũng sẽ được áp dụng hình thức này,” thông tin từ Ngân hàng Sacombank cho biết.

“So với thẻ từ thông thường, công nghệ thẻ chip không tiếp xúc có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như tốc độ xử lý thông tin giao dịch nhanh hơn; khả năng lưu trữ thông tin lớn gấp 13 lần, giúp chúng tôi có thể tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích cho khách hàng trong cùng một chiếc thẻ. Bên cạnh đó, công nghệ này còn tăng tính bảo mật trong quá trình sử dụng, và hạn chế tối đa nguy cơ bị tội phạm công nghệ tấn công, hạn chế làm thẻ giả, không bị lộ thông tin in trên thẻ hay số PIN”, theo chia sẻ từ Ngân hàng ABBank. 

Trong Khảo sát về Thái độ thanh toán người tiêu dùng do Visa thực hiện năm 2018, hơn một nửa người Việt tham gia khảo sát đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc và 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai. Cụ thể, sản phẩm thời trang và làm đẹp là nhóm mặt hàng chính được thanh toán bằng phương thức không tiếp xúc.

Được công nhận là một trong những công cụ thay thế cho tiền mặt, công nghệ không tiếp xúc đang không ngừng chuyển dịch bối cảnh thanh toán tại các cửa hàng hiện nay, tạo điều kiện cho những phát triển đột phá đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công nghệ thanh toán không tiếp xúc mang đến cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch an toàn và nhanh chóng hơn, hỗ trợ đơn vị phát hành thẻ giải pháp cải thiện doanh số và chất lượng dịch vụ cũng như phát huy năng suất quầy thanh toán cho các đơn vị bán hàng.

Theo giới chuyên gia, xu hướng phát triển hình thức thanh toán không tiếp xúc hoàn toàn phù hợp với chủ trương xây dựng xã hội không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước. Cũng trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam”.

Gần đây nhất, vào ngày 8/1/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm dần thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế; xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới. Theo đó, các tổ chức tài chính cần giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; áp dụng các tiêu chuẩn an toàn bảo mật thanh toán theo chuẩn quốc tế. Trong số đó, thanh toán không tiếp xúc là một trong những công nghệ được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên khuyến khích hệ thống tài chính nghiên cứu và phát triển.

Hiện nay, theo các ngân hàng, cơ quan quản lý và giới chuyên gia, điều quan trọng nhất là tuyên truyền về hiệu quả của công nghệ thanh toán không tiếp xúc đến người tiêu dùng Việt. Người tiêu dùng cần nắm rõ ưu điểm của công nghệ thanh toán không tiếp xúc so với tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng thông thường, ví dụ như: hình thức không tiếp xúc rất an toàn nhờ công nghệ bảo mật, người tiêu dùng không rời tay khỏi thẻ và thông tin cá nhân không bị lộ ra ngoài. Hiện nay, các công nghệ mới đã loại bỏ khả năng người tiêu dùng bị tính tiền hai lần, hoặc thẻ hay điện thoại bị tính tiền mà chủ thẻ không biết.

Cụ thể, theo Visa, trước khi người tiêu dùng vẫy hoặc chạm để giao dịch, thu ngân sẽ ghi rõ số tiền cần thanh toán trên máy POS. Nếu số tiền này đúng, chủ thẻ sẽ hoàn tất giao dịch một cách an toàn và nhanh chóng mà không cần phải đưa thẻ cho nhân viên. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ thông tin tài khoản ngân hàng của mình, tránh trường hợp lộ thông tin cá nhân hoặc mất thẻ.

Xu hướng toàn cầu

Không chỉ riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đang dần sử dụng công nghệ không tiếp xúc. Khảo sát toàn cầu của Visa vào cuối năm 2018 cho thấy bên ngoài thị trường Mỹ, có đến 40% giao dịch thẻ Visa tại các điểm bán hàng được thực hiện qua công nghệ không tiếp xúc. Cụ thể, tại Canada, tỷ lệ này là 70% cho giao dịch có giá trị dưới 40 USD, ở Costa Rica là 80%, còn Ba Lan đang chạy đua để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% công nghệ không tiếp xúc. Tỷ lệ tăng trưởng công nghệ này tại Nga là 200% hàng năm, và có đến 4 triệu giao dịch hàng tháng tại Malaysia được thực hiện qua hình thức không tiếp xúc.

Cũng theo Visa, công nghệ không tiếp xúc được áp dụng rộng rãi tại các phương tiện công cộng trên thế giới, mà đi đầu là thành phố London (Anh). Nhờ công nghệ này, người đi tàu hoặc xe bus chỉ cần chạm nhẹ vào máy POS trên xe hoặc cửa quay là hoàn tất giao dịch, giúp tiết kiệm thời gian đáng kể và giảm thiểu nhu cầu mang thẻ đi tàu xe. Một số thành phố như Sydney (Úc) hoặc Dijon (Pháp) đã hoàn tất việc ứng dụng công nghệ này trên toàn hệ thống tàu điện, trong khi Singapore đang gấp rút xây dựng 40.000 điểm thanh toán tại hệ thống giao thông công cộng.

Tại thị trường Mỹ, Visa cho biết hơn 100 triệu thẻ không tiếp xúc sẽ được doanh nghiệp này phát hành vào năm 2019. Các ngân hàng và tổ chức tín dụng đang hợp tác chặt chẽ với Visa, và gần 92% các quầy thuốc và 81% nhà hàng ăn nhanh tại Mỹ hiện nay đã chấp nhận hình thức thanh toán không tiếp xúc.

Tiện lợi, an toàn và bảo mật

Với cương vị là đơn vị cung cấp công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới, Visa đã và đang làm việc chặt chẽ với ngân hàng và tổ chức tài chính tại Việt Nam nhằm đảm bảo công nghệ không tiếp xúc luôn tiện lợi, bảo mật và an toàn cho người tiêu dùng. Cụ thể, với công nghệ Visa payWave hoặc Visa Micro Tag, người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ hoặc ứng dụng điện thoại để thanh toán. Các giao dịch này được bảo mật tương đương thể ngân hàng bình thường, được xử lý bởi cùng hệ thống bảo mật của Visa.

“Mặc dù thanh toán kỹ thuật số còn khá mới mẻ tại Việt Nam, vẫn có thể nhận thấy một điều rằng, người tiêu dùng đang tích cực đón nhận các công nghệ thanh toán mới, mở ra kỷ nguyên cho các công nghệ này nói riêng, cũng như ngành thanh toán kỹ thuật số nói chung,” bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết.

Một số người tiêu dùng lo ngại rằng thẻ hoặc điện thoại có công nghệ thanh toán không tiếp xúc sẽ vô tình bị máy POS quét phải khi chủ thẻ bước vào cửa hàng. Theo đại diện Visa, công nghệ Visa payWave hoặc Visa Micro Tag chỉ cho phép thực hiện thanh toán trong phạm vi dưới 4cm, thẻ phải được quay đúng hướng và nhân viên bán hàng phải nhập lệnh thanh toán trước đó.    

Theo nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa trong năm 2018, 73% số người được khảo sát tại Việt Nam cho biết đang sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và 82% đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động. Tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam thông qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Visa năm 2018 tăng 37%, cũng như số lượng giao dịch tăng 25%, so với năm 2017. Nghiên cứu cho thấy người Việt mang ít tiền mặt hơn và một nửa số người được khảo sát sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ và di động ít nhất 2-3 lần một tuần, và trong số đó, có đến 32% đã sử dụng công nghệ không tiếp xúc. 

Theo Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện, bảo mật vẫn là vấn đề mà người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á quan tâm hàng đầu với 67% người bày tỏ sự quan ngại về độ an toàn của thông tin cá nhân họ khi thanh toán bằng điện thoại .

“Yếu tố bảo mật trong hệ sinh thái thương mại là ưu tiên hàng đầu của Visa, và chúng tôi xem đây là trách nhiệm cần được chia sẻ giữa mạng lưới thanh toán, người tiêu dùng, các ngân hàng cũng như Chính phủ. Công nghệ đã cho ra đời những sáng kiến mới trong thanh toán, nhưng cũng mang lại những rủi ro nhất định. Để đề phòng gian lận, chúng ta cần hợp sức, dành mối quan tâm và mức độ đầu tư vào vấn đề an ninh thanh toán như chính việc chúng ta luôn không ngừng sáng tạo những trải nghiệm thương mại mới cho người tiêu dùng,” bà Dung chia sẻ.

Ngày 28/3 và 29/3 vừa qua, Visa cho biết đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Lộ trình An ninh Thanh toán tại Việt Nam từ năm 2019 đến 2021 với các công nghệ mới về bảo mật và hỗ trợ các bên ứng dụng công nghệ, hướng tới mục tiêu an toàn bảo mật thông tin và giao dịch khi thanh toán.

Công ty thanh toán toàn cầu Visa hiện đang hoạt động tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ trong 1 giây, hệ thống thanh toán của Visa là VisaNet có thể thực hiện khoảng 65.000 giao dịch. Các ngân hàng đối tác và Visa đang tích cực mở rộng hệ thống chấp nhận thanh toán, ví dụ các máy đọc thẻ hay các POS ở các đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhà hàng, trung tâm mua sắm…

Ngoài ra, các hình thức thanh toán cũng ngày càng tiên tiến hơn khi khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng và an toàn bằng cách quét mã QR hoặc thanh toán không chạm. Trên toàn cầu, ngoài 15.600 khách hàng trực tiếp của Visa là tổ chức tài chính, còn có hàng tỷ khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp và 54 triệu điểm chấp nhận thẻ (ví dụ siêu thị được gọi là một địa điểm chấp nhận thẻ, thì siêu thị đó có thể có hàng trăm máy chấp nhận thẻ).

Hiện nay, số lượng 3,3 tỷ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ thương hiệu Visa và tổng giao dịch thanh toán 188 tỷ USD (tính đến tháng 12/2018) đã cho thấy vai trò của Visa trong thanh toán số trên toàn thế giới.


Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục