Dù thông tin chính thức vẫn còn hạn chế, chúng tôi cho rằng, với mức thuế 20%, việc VND đã giảm giá khoảng 5% trong năm 2024 và thêm 3% kể từ đầu năm nay sẽ góp phần trung hòa phần nào tác động của thuế lên giá hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, Luật Đầu tư sửa đổi, với điểm nhấn là rút ngắn 30% thời gian xử lý hồ sơ, cũng đang tạo ra những cải thiện rõ rệt về chi phí hành chính và môi trường đầu tư.
|
Nhờ sự cộng hưởng của các yếu tố này, mức thuế 20% không còn là gánh nặng tuyệt đối, mà thậm chí có thể sẽ là nền tảng hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và giữ dòng vốn FDI ổn định nếu các quốc gia cạnh tranh trực tiếp bị thuế cao hơn. Điều này phần nào đang được thể hiện qua tốc độ giải ngân FDI duy trì đều đặn suốt 6 tháng qua.
|
Về thị trường tài chính, khối ngoại từng rút ròng kỷ lục 24.600 tỷ đồng trong năm 2023, tăng vọt lên 90.200 tỷ đồng trong năm 2024 và tiếp tục rút thêm 39.800 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, phần nào gây áp lực lên tỷ giá. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý thận trọng trước rủi ro thuế quan và làn sóng rút vốn FII khỏi thị trường mới nổi. Tuy nhiên, khi thông tin về thuế quan trở nên rõ ràng và tích cực hơn kỳ vọng, khối ngoại đang quay lại mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng chỉ trong 6 phiên gần nhất.
|
Chúng tôi cho rằng, xu hướng mua ròng còn tiếp diễn, nhất là khi các định chế tài chính lớn như JP Morgan đã và sẽ nâng triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam lên tích cực hơn. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành) hiện đang ở mức thấp nhất nhiều năm, chỉ khoảng 16%, so với mức trung bình 18 - 19%.
|
Tuần vừa qua đánh dấu giai đoạn sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2025, khi VN-Index tăng gần 5% chỉ trong 4 phiên, với giá trị giao dịch mỗi ngày đều vượt mốc 1 tỷ USD. Đây là môi trường thanh khoản tích cực nhất trong hơn một năm qua, ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền ngoại. Chỉ trong 10 ngày đầu quý II/2025I, khối ngoại đã mua ròng tới 380 triệu USD - tương đương gần 33% lượng bán ròng lũy kế từ đầu năm (1,2 tỷ USD). Động thái này phản ánh sự đảo chiều hoàn toàn về tâm lý sau khi những lo ngại liên quan đến thuế quan được tháo gỡ. Trong bối cảnh loạt thông tin tích cực đồng loạt củng cố triển vọng kinh tế Việt Nam, chúng tôi tin rằng, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì.
Trên phương diện tâm lý thị trường, nhiều bộ phận phân tích kỹ thuật tại các công ty chứng khoán lớn đều có chung đánh giá rằng, các yếu tố kỹ thuật đang củng cố tích cực cho xu hướng trung - dài hạn của VN-Index. Đáng chú ý, đợt tăng gần đây lành mạnh hơn khi không còn phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu Vingroup, thể hiện sự lan tỏa tích cực giữa các nhóm ngành. Dù vậy, VN-Index đã tăng gần 33% từ đáy tháng 4/2025, một đợt điều chỉnh ngắn hạn là điều khó tránh khỏi khi mặt bằng định giá hiện đã kém hấp dẫn hơn. Một điểm đáng chú ý là mặc dù tổng số dư nợ đòn bẩy toàn thị trường đang cao kỷ lục, tuy nhiên, tỷ lệ đòn bẩy trên vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán vẫn thấp do vốn chủ đã và đang được tăng đều đặn. Vì vậy, thanh khoản vẫn còn có khả năng cải thiện thêm và dòng tiền chờ đợi mua vào ở nhịp chỉnh vẫn còn.
Trong bối cảnh đó, chiến lược phù hợp là chủ động gia tăng tỷ trọng ở những nhóm ngành có nền tảng vĩ mô hỗ trợ rõ ràng trong các nhịp điều chỉnh sắp tới. Dù khả năng điều chỉnh sâu là không cao do tỷ lệ đòn bẩy vẫn ở mức khiêm tốn, việc chọn lọc cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ sẽ là yếu tố then chốt. Cụ thể, nhóm bất động sản đang được hưởng lợi từ tiến triển trong tháo gỡ pháp lý; ngân hàng có tín dụng tăng trưởng mạnh, đạt 9,9% tính đến cuối tháng 6 - mức cao nhất kể từ năm 2022; bán lẻ được thúc đẩy nhờ chính sách giảm thuế VAT và nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi; còn nhóm bất động sản khu công nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là những cái tên hưởng lợi trực tiếp từ môi trường thuế quan thuận lợi hiện nay.