“Bank – chứng – thép” hút dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước bứt phá mạnh mẽ. Đây là tuần chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo tuần trong gần 3 năm trở lại đây và là tuần có thanh khoản kỷ lục từ trước tới nay, với hơn 6 tỷ cổ phiếu được giao dịch.
“Bank – chứng – thép” hút dòng tiền

Dòng tiền tuần qua vẫn có “khẩu vị” gần như giống với tuần trước, khi tập trung vào một số nhóm ngành lớn như chứng khoán, thép, ngân hàng, bất động sản. Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành như dệt may, khu công nghiệp tiếp tục điều chỉnh theo đà trước đó.

Khối ngoại tiếp tục hoạt động tích cực khi mở rộng quy mô mua ròng lên tới hơn 7.500 tỷ đồng trong tuần này, tập trung vào những cổ phiếu như SSI, FPT, SHB, HPG, VPB, HDB, VCB, TCH, GMD… Nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung mua chính vào các cổ phiếu bluechips - một dấu hiệu của việc họ đang đặt cược vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng được FTSE nâng hạng trong kỳ sắp tới.

Trong tuần qua, căng thẳng thuế quan vẫn là điểm nóng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố loạt chính sách thuế quan cứng rắn nhằm vào nhiều đối tác thương mại lớn. Cụ thể, Mỹ chính thức áp mức thuế từ 20 - 30% lên hàng hóa nhập khẩu từ 7 quốc gia, trong đó có Philippines, Brunei, Libya và Iraq. Ngay sau đó, Brazil - nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Mỹ - trở thành mục tiêu tiếp theo với mức thuế lên tới 50% cho toàn bộ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

Diễn biến này không chỉ làm dấy lên lo ngại về một vòng xoáy bảo hộ thương mại mới, mà còn gây chấn động trên thị trường tiền tệ. Nhiều đồng tiền châu Á như Yên (Nhật) và Won (Hàn Quốc) đã lao dốc mạnh, trong khi nhà đầu tư toàn cầu chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn như USD và vàng. Giá dầu thế giới cũng phản ứng tiêu cực, giảm hơn 2% do lo ngại nhu cầu tiêu thụ sẽ suy yếu nếu căng thẳng thương mại lan rộng.

Về kịch bản tuần này, thị trường khả năng cao sẽ xuất hiện những rung lắc mạnh hơn. Dự báo sau những phiên đầu tuần hưng phấn đẩy giá, chỉ số VN-Index có thể bắt đầu rung lắc và điều chỉnh về xung quanh vùng 1.420 - 1.430 điểm. Đây sẽ là vùng tích lũy hợp lý để VN-Index tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sản xuất ổn định nhưng triển vọng còn nhiều quan ngại

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2025 tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 4,1% so với tháng trước đó và 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, IIP tăng 9,2% - mức cao nhất kể từ năm 2020, phản ánh đà phục hồi tích cực của hoạt động sản xuất trong nước.

Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đón đầu những thay đổi liên quan đến chính sách thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, triển vọng những tháng cuối năm vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trái ngược với IIP, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - vốn mang tính chất dự báo - chỉ đạt 48,9 điểm trong tháng 6, duy trì dưới ngưỡng 50 điểm ba tháng liên tiếp. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của doanh nghiệp trước môi trường kinh doanh còn nhiều bất định.

Theo đánh giá của chúng tôi, dù tín hiệu phục hồi là rõ nét trong nửa đầu năm 2025, ngành sản xuất Việt Nam vẫn đứng trước không ít thách thức, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách thuế quan từ Mỹ có thể tiếp tục biến động, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn ngành. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là thị trường của dòng tiền và kỳ vọng. Với những cam kết thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của Chính phủ, dòng tiền của nhà đầu tư có niềm tin để thúc đẩy giá cổ phiếu tiếp tục đi lên mạnh mẽ trong thời gian tới trước cả khi những dấu hiệu tăng trưởng về mặt sản xuất công nghiệp thay đổi rõ ràng.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán DSC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục