
Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 14/7.
Công ty Chứng khoán Pinetree
Với lực mua ròng rất mạnh của khối ngoại và dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu trụ, xu hướng của VN-Index trong ngắn hạn là vô cùng tích cực. Tuy nhiên để nói rằng đây là chân sóng trước thềm nâng hạng thị trường là còn quá sớm.
Khối ngoại, đặc biệt là tổ chức nước ngoài mua ròng mạnh nhưng chỉ tập trung phân bổ vào SSI, FPT và SHB và các cổ phiếu midcap chứng khoán, điều này hơi trái ngược với việc trước thềm nâng hạng thị trường, dòng tiền phải phân bổ vào các cổ phiếu như HPG, VNM, hay cổ phiếu ngân hàng lớn,…
Bên cạnh đó, các quỹ ETF nước ngoài như Fubon, Diamond trong tuần qua chỉ giải ngân được rất thấp so với mức mua ròng chung của khối ngoại, điều này cho thấy lực mua ròng chung của khối ngoại trong tuần qua chưa phải đến từ việc chuẩn bị cho nâng hạng thị trường.
Với việc VN-Index đã có 4 tuần tăng liên tiếp nhiều khả năng sẽ có rung lắc trong tuần tới khi các nhà đầu tư đồng loạt chốt lời.
Mặc dù vậy, để đảo chiều một xu hướng trong trung hạn sẽ cần nhiều phiên phân phối hay phải tạo từ 2-3 đỉnh, trong khi VN-Index chưa có phiên phân phối nào thì xác suất có nhịp điều chỉnh mạnh là thấp.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam - CSI
Chưa có dấu hiệu dừng lại, VN-Index tiếp tục có phiên cuối tuần trước bùng nổ với gap tăng điểm thứ 5, được hỗ trợ bởi mức thanh khoản đột biến và chuỗi mua ròng rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân tăng đột biến so với các tuần trước và cao hơn đáng kể (+45,5%) so với mức bình quân 20 tuần.
Mức tăng của thị trường nằm ngoài dự đoán, và chiếm trọn 'spotlight' trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt với sự 'nổi dậy' của nhóm cổ phiếu có khả năng tác động mạnh tới chỉ số chung như VIC, VHM và VCB cho thấy đà tăng quyết liệt của VN-Index.
Tín hiệu tăng điểm hoàn toàn 'chiếm thế thượng phong' và thị trường đã vượt qua ngưỡng 1.450 điểm - nền giá đỉnh của chỉ số được hình thành tại thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 và thanh khoản khớp lệnh đạt mức kỷ lục kể từ thời điểm thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
![]() |
Biểu đồ kỹ thuật VN-Index. |
CTCK Vietcombank – VCBS
Chỉ số VN-Index tăng mạnh 70,79 điểm trong tuần vừa qua với thanh khoản duy trì mở mức cao so với trung bình tuần trước đó, cho thấy lực cầu chủ động đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Trên khung đồ thị ngày, hai chỉ báo RSI và MACD đều đang hướng lên trong khi VN-Index vẫn bám sát dải Bollinger band trên. Đồng thời, chỉ báo dòng tiền CMF = 0,43 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng cho thấy lực cầu chủ động vẫn được duy trì trên thị trường.
Trên khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD vẫn giữ được đà tăng nhưng RSI đã chững lại và đi ngang, cho thấy động lượng tăng đang có phần chững lại.
Cùng với đó, chỉ báo dòng tiền CMF đi ngang và chậm lại đà tăng so với giai đoạn trước đó cho thấy thị trường tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
CTCK Tiên Phong - TPBS
Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng điểm mạnh mẽ với dòng tiền tham gia tích cực. Như chúng tôi đã đề cập xuyên suốt trong rất nhiều bản tin trước, chỉ số VN-Index đã hình thành mô hình Cup & handle (thuận) biểu thị cho xu hướng tăng trung hạn với tiềm năng lý thuyết hướng tới là quanh 1.600 điểm.
Mặc dù khi các chỉ báo động lượng đã đi vào vùng quá sẽ luôn tiềm ẩn khả năng điều chỉnh kỹ thuật, nhưng với dòng vốn mạnh mẽ và upside của chỉ số VN-Index vẫn còn nhiều, chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh (nếu có) sẽ mang tính chất lành mạnh, đồng thời mở ra cơ hội gia tăng vị thế, nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược buy & hold trong trung hạn.
![]() |
Biểu đồ kỹ thuật HNX-Index. |