Củng cố vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP

(ĐTCK) Với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước sẽ đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức. 
 
Sự hiện diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thể hiện một cách cụ thể cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền Sự hiện diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thể hiện một cách cụ thể cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền

Trong bối cảnh này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ củng cố vai trò của mình, để bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và giúp các TCTD vững bước trên tiến trình hội nhập.

Sau khi TPP chính thức có hiệu lực, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội được lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phong phú từ nhiều ngân hàng nước ngoài. Vì vậy, áp lực cạnh tranh với hệ thống ngân hàng trong nước cũng tăng lên, đòi hỏi các NHTM phải không ngừng hoàn thiện về năng lực tài chính, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Là tổ chức tài chính Nhà nước, có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức trong quá trình hội nhập.

Một là, duy trì và củng cố niềm tin người gửi tiền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đồng Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của các ngoại tệ mạnh. Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng VND. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp chống nguy cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ dẫn đến tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, qua đó, góp phần nâng cao niềm tin người gửi tiền vào đồng nội tệ.

Bên cạnh đó, khi ngành ngân hàng triển khai tái cơ cấu có thể khiến người gửi tiền có tâm lý lo ngại khi có tiền gửi tại ngân hàng. Chính việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đứng ra bảo vệ cho tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi với một hạn mức hợp lý sẽ giúp ổn định và trấn an người gửi tiền, ngăn ngừa nguy cơ rút tiền hàng loạt, đe dọa an toàn hệ thống, đồng thời giữ vững trật tự thị trường và đảm bảo nguồn vốn huy động vào các ngân hàng vẫn duy trì ổn định.

Hai là, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn hệ thống. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một công cụ chính sách hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Thông qua các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phát hiện sớm những tổ chức có biểu hiện yếu kém, tiềm ẩn rủi ro hay vi phạm các quy định về bảo hiểm tiền gửi, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước để có những biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.

Sau khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm và có cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan giám sát an toàn tài chính để tăng cường hiệu quả triển khai các hoạt động nghiệp vụ.

Tham gia Hiệp định TPP, các NHTM sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài, kết hợp với các đối tác quốc tế. Sự hiện diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thể hiện một cách cụ thể cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền. Việc tham gia bảo hiểm tiền gửi giúp uy tín các NHTM tăng lên, thể hiện hệ thống các NHTM Việt Nam ngày càng hiện đại và hoạt động lành mạnh.

Ba là, nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế: Trên thế giới, hiện có hơn 100 quốc gia đang có hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Tại các nền kinh tế phát triển (như Mỹ, Nhật…), công cụ bảo hiểm tiền gửi được sử dụng rất hiệu quả.

Chính vì vậy, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xây dựng chiến lược phát triển tổ chức theo mô hình bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thể hiện xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cụ thể là trong lĩnh vực đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng. Trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai áp dụng bộ Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, từng bước hướng tới xây dựng mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả theo thông lệ quốc tế.

Đóng vai trò là công cụ chính sách công của Chính phủ và NHNN nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền và là một bộ phận của hệ thống giám sát tài chính quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu chiến lược, cơ sở pháp lý, nâng cao năng lực tài chính, chất lượng nhân sự, hiện đại hóa nghiệp vụ kiểm tra, giám sát để luôn đồng hành với các TCTD nhằm vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập.              

Diệu Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục