Nhìn lại một số điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới năm 2015

(ĐTCK) Trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và ổn định hệ thống tài chính ngân hàng, chính sách về điều chỉnh (tăng hoặc giảm) hạn mức trả bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là nội dung được các tổ chức BHTG nhiều quốc gia quan tâm thực hiện để ứng phó hiệu quả đối với khủng hoảng, ổn định tâm lý người gửi tiền và duy trì trật tự thị trường.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Nhìn lại một số động thái tăng, giảm hạn mức BHTG

Khi nền kinh tế Argentina lâm vào khủng hoảng, đồng nội tệ peso mất giá và tình trạng lạm phát tăng cao, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) quốc gia này đã nâng hạn mức BHTG lên gấp 4 lần, từ 30.000 peso (khoảng 7.500 USD) lên 120.000 peso (khoảng 30.000 USD) để ổn định tâm lý người gửi tiền.

Tương tự, NHTƯ Bangladesh đầu năm nay cũng đã tăng gấp đôi hạn mức chi trả BHTG, từ mức 100.000 taka (khoảng 1.300 USD) lên 200.000 taka (khoảng 2.600 USD).

Tại Nga, để tăng cường công cụ tài chính cho tổ chức BHTG (DIA) trong xử lý đổ vỡ, một số đạo luật về ổn định hệ thống ngân hàng, bảo vệ quyền của người gửi tiền và chủ nợ các ngân hàng đã được thông qua. Theo đó, hạn mức BHTG đối với tiền gửi cá nhân và doanh nghiệp tư nhân đã tăng gấp đôi lên 1,4 triệu rouble, có hiệu lực từ ngày 29/12/2014.

Ngược lại với xu hướng tại các quốc gia nói trên, hồi tháng 8 năm nay, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện giảm hạn mức BHTG từ 50 triệu baht (khoảng 1,54 triệu USD) xuống 25 triệu baht (khoảng 770.000 USD) và sẽ giảm tiếp xuống chỉ còn 1 triệu baht (khoảng 31.000 USD) vào tháng 8/2016. Xét trên mặt bằng chung của khu vực, hạn mức BHTG của Thái Lan hiện ở mức tương đối cao, với tỷ lệ hạn mức BHTG/GDP bình quân đầu người gấp 448 lần.

Ngày 3/7/2015, NHTƯ Anh thông báo giảm hạn mức BHTG xuống mức 75.000 bảng Anh (khoảng 116.000 USD), hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Tính đến trước 31/12/2015, hạn mức này là 85.000 bảng Anh (khoảng gần 132.000 USD), đối với các cá nhân/tổ chức có nhiều tài khoản tại nhiều chi nhánh của một TCTD thì hạn mức tối đa là 75.000 bảng Anh. NHTƯ Anh khuyến khích người dân truy cập website của tổ chức này để nắm rõ thông tin về các TCTD và chi nhánh của nó. 

Điều chỉnh để bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Có thể nói, trong năm 2015 chưa có một xu hướng cụ thể nào về việc tăng hay giảm hạn mức trên quy mô rộng. Đa phần những điều chỉnh xuất phát từ thực trạng diễn biến kinh tế tại mỗi quốc gia, hoặc phục vụ cho những chiến lược về phát triển hệ thống tài chính của chính phủ nước đó trong tương quan với các chính sách về BHTG.

Cụ thể, các quốc gia thực hiện việc nâng hạn mức BHTG đều thuộc đối tượng nền kinh tế đang có vấn đề. Đối với Nga, động thái tăng gấp đôi hạn mức BHTG là nhằm trấn an người gửi tiền và ngăn chặn nguy cơ rút tiền hàng loạt dẫn đến rủi ro hệ thống. Riêng trong năm 2014, DIA đã chi trả 189,8 tỷ rouble (khoảng 3,33 tỷ USD) cho 1,18 triệu người gửi tiền tại 61 tổ chức tham gia BHTG bị thu hồi giấy phép.

Đến tháng 5/2015, khi Transportny Bank, một ngân hàng quy mô trung bình trong Top 103 ngân hàng lớn tại Nga bị đổ vỡ, DIA đã phải chi trả số tiền bảo hiểm kỷ lục lên đến 40 tỷ rouble (khoảng 800 triệu USD). Xuất phát từ vấn đề này, bên cạnh việc nâng hạn mức, DIA cũng được trao thêm quyền hạn và các công cụ pháp lý để xử lý hiệu quả các ngân hàng gặp vấn đề.

Còn với Argentina, lạm phát tăng cao ở mức 11%, đồng peso liên tục mất giá khiến NHTƯ nước này buộc phải tăng hạn mức BHTG lên gấp 4 lần để ổn định trật tự thị trường tài chính, tránh tình trạng người dân rút tiền từ các ngân hàng, có thể đe dọa đến an ninh kinh tế vĩ mô.

Trong số các quốc gia thực hiện tăng hạn mức BHTG gần đây, chỉ có Bangladesh là tương đối ổn định. Ngành ngân hàng được coi là xương sống của hệ thống tài chính nước này và cho đến nay, chưa có một ngân hàng Bangladesh nào bị đổ vỡ. Với việc tăng hạn mức, tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm tại các ngân hàng ước tính tăng từ 85% lên mức 93% do người dân hoàn toàn yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng.

Đối với nhóm các nước giảm hạn mức BHTG, Anh và Thái Lan cũng là hai trường hợp điển hình. Tại Anh, việc giảm hạn mức BHTG phù hợp với Chỉ thị về cơ chế BHTG EU (DGSs), quy định việc mỗi quốc gia thành viên EU phải có hạn mức BHTG tối thiểu là 100.000 euro và xuất phát từ ảnh hưởng của việc sụt 16% trong giá trị đồng euro khu vực Eurozone nói chung và khủng hoảng tại Hy Lạp nói riêng.

Trong khi đó, việc Thái Lan giảm hạn mức lại nằm trong lộ trình cắt giảm đã định trước của cơ quan BHTG nước này. Kế hoạch giảm hạn mức BHTG được cho là sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư rút các khoản tiết kiệm và đầu tư vào các công cụ tài chính khác, đặc biệt là khi lãi suất tiết kiệm của quốc gia này chỉ ở mức 1-2%/năm.

Có thể nói, hạn mức BHTG là công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG. Đối với mỗi quốc gia, việc thay đổi hạn mức BHTG từng thời kỳ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả triển khai chính sách, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính và ngăn ngừa nguy cơ rút tiền hàng loạt, có thể đe dọa an toàn hoạt động ngân hàng. Vì vậy, việc duy trì hạn mức BHTG phù hợp, hoặc điều chỉnh tăng hay giảm sẽ cải thiện niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.                

Diệu Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục