Trong thời gian qua, ĐTCK đã có một số bài phản ánh về tình hình khai thác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên gặp nhiều khó khăn sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Công văn số 4660/BGDĐT-CTHSSV, trong đó, điểm 3 có nội dung yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo không tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện. Công văn này được đưa ra bất ngờ khiến một số DNBH đã triển khai hoạt động bán bảo hiểm y tế tự nguyện cho học sinh, sinh viên không kịp trở tay. Ngay sau đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Hiện tại, các DNBH phi nhân thọ đều hi vọng Bộ GD&ĐT sẽ sớm có văn bản điều chỉnh, hướng dẫn triển khai cụ thể để họ có thể tiếp tục “danh chính ngôn thuận” triển khai sản phẩm bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, trong khi chờ phản hồi của Bộ GĐ&ĐT, các DNBH phi nhân thọ đều đang chủ động liên hệ, làm việc và tổ chức tư vấn với các trường học để thuyết phục nhà trường, các hội phụ huynh học sinh tiếp tục đăng ký mua bảo hiểm tự nguyện.
Đại diện một DNBH cho biết, việc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam kịp thời có công văn gửi Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính đã hỗ trợ khá tích cực cho các doanh nghiệp khai thác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Bởi thông qua văn bản này, nhà trường đã hiểu rõ hơn về những vướng mắc và hạn chế của điểm 3 trong Công văn số 4660 của Bộ GD & ĐT, nhờ vậy, chủ động hơn trong việc hợp tác với các DNBH.
Tuy nhiên, “ngay cả khi trường học và các cơ sở giáo dục, đào tạo tạo điều kiện thuận lợi để DNBH cử đại lý bán và tư vấn trực tiếp tại các trường thì việc khai thác bảo hiểm học sinh cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện một DNBH phi nhân thọ thừa nhận.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, Công văn số 4660 của Bộ GD&ĐT có ảnh hưởng đến việc khai thác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên tại các trường học và cơ sở giáo dục ở một số tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù doanh thu phí bảo hiểm học sinh đang được duy trì, do đa phần nhà trường ủy quyền cho các hội phụ huynh tổ chức thu phí bảo hiểm, song vẫn thấp hơn so với kế hoạch đầu năm của các DNBH.
Tuy chưa có ảnh hưởng lớn tới doanh thu phí nhưng Công văn lại khiến cho quá trình khai thác sản phẩm khá vất vả, vì các trường không thể “danh chính ngôn thuận” ký hợp đồng trực tiếp với DNBH như trước. Thay vào đó, các DNBH phải triển khai thu phí thông qua hội phụ huynh hoặc phải tự bố trí nhân sự đến từng trường để thu lẻ theo nhóm, phát sinh thêm các thủ tục trong việc cấp phát đơn bảo hiểm… Điều này khiến cho các DNBH phải chịu thêm chi phí cho nhân lực và các khoản khác.
Thực tế, công văn trên của Bộ GĐ&ĐT có thể là một “cú sốc” với một số DNBH nhưng đồng thời cũng là “tiếng chuông” thức tỉnh, khiến các DNBH phải nhìn nhận lại hoạt động triển khai khai thác nghiệp vụ bảo hiểm học sinh, sinh viên theo cách vẫn đang làm. “Cú sốc” này đã buộc các DNBH phải tự tìm ra cách cứu mình, giúp hoạt động kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm trở nên chủ động và hiệu quả hơn.
Việc tìm kiếm giải pháp khai thác mới, thay vì làm theo cách bao năm qua, không phải là dễ dàng đối với các DNBH phi nhân thọ, nhưng đã đến lúc các DNBH phải thay đổi để việc khai thác bảo hiểm học sinh, sinh viên tránh bị mang tiếng “ăn theo” mối quan hệ với nhà trường là chính. Sự thay đổi này (nếu có) cũng khiến phân khúc bảo hiểm học sinh, sinh viên cạnh tranh lành mạnh hơn, tránh tình trạng cứ đến mùa lại loạn vì bị cạnh tranh bằng công văn như đã từng diễn ra một vài năm trước.