Bảo hiểm học sinh bị “tắc” vì hiểu “máy móc”

(ĐTCK) Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục không tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện, khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở”, ngày 1/10 vừa qua, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề triển khai bảo hiểm tự nguyện học sinh trong các trường học.
Bảo hiểm học sinh bị “tắc” vì hiểu “máy móc”

Trước đó, ngày 10/9/2015, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4660/BGDĐT-CTHSSV về việc thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên. Theo Hiệp hội Bảo hiểm, ngoài việc Bộ này chỉ đạo cho các trường thực hiện bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, thì tại điểm 3 của Công văn có ghi: “các cơ sở giáo dục và đào tạo không tổ chức thu các khoản bảo hiểm tự nguyện”.

ĐTCK số 110 ra ngày 18/9 đã có bài phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm về Công văn số 4660 của Bộ GD&ĐT. Các doanh nghiệp cho rằng, công văn này là một “đòn trời giáng” đối với các công ty bảo hiểm, bởi thời điểm có Công văn, các kế hoạch khai thác bảo hiểm học sinh đã được triển khai xong xuôi, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chờ chính thức ký kết hợp đồng… Mọi năm, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nhờ trường học thu hộ phí bảo hiểm từ học sinh, sinh viên, vì thế quy định mới nêu trên khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm, nhiều trường học dừng triển khai bảo hiểm học sinh đã ký; hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm học sinh đã ký; yêu cầu hoàn trả phí bảo hiểm đã thu; không cho ký kết hợp đồng bảo hiểm học sinh…

Thực tế, hợp đồng được giao kết tự nguyện với đại diện Hội Cha mẹ học sinh, hoặc thầy cô giáo chủ nhiệm lớp (đối với học sinh dưới 18 tuổi), hoặc trực tiếp với học sinh trên 18 tuổi và cấp thể bảo hiểm cho học sinh hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Do đó, cách hiểu và hành động như trên là không đúng với tinh thần của Điều 2 Nghị định 45/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm bảo hiểm và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm”; thậm chí vi phạm quy định về điều kiện hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Cũng theo Hiệp hội Bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai bảo hiểm sức khỏe thân thể toàn diện cho học sinh 24/24 từ nhiều năm qua, nhằm bổ sung các quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm điều trị bồi dưỡng sức khỏe khi bị ốm đau, tai nạn và chi trả toàn bộ số tiền khi tử vong. Chế độ bảo hiểm nói trên được học sinh cha mẹ học và các thầy cô giáo hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng…, nên ủng hộ doanh nghiệp triển khai bảo hiểm sức khỏe thân thể toàn diện cho học sinh 24/24.

“Chế độ bảo hiểm nói trên độc lập với chế độ được hưởng của bảo hiểm y tế và việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện trên cơ sở tuyên truyền, vận động của doanh nghiệp bảo hiểm và sự ủng hộ của cha mẹ học sinh, giáo viên”, công văn của Hiệp hội Bảo hiểm viết.

Chính vì vậy, bằng công văn này, Hiệp hội Bảo hiểm đề nghị Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn để các trường học không hiểu máy móc, sai lệch tinh thần chỉ đạo của Bộ tại điểm 3 Công văn 4660.

Được biết, cùng với công văn gửi Bộ GD&ĐT, Hiệp hội Bảo hiểm cũng gửi công văn với nội dung tương tự tới Bộ Tài chính, đề nghị Bộ này kiến nghị với Bộ GD&ĐT để các doanh nghiệp bảo hiểm được tiếp tục triển khai bảo hiểm học sinh tự nguyện.              

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục