Giám đốc đầu tư một quỹ nước ngoài có quy mô khá lớn cho biết, những doanh nghiệp mà mô hình quản trị có vấn đề thì nhất định họ sẽ không đưa vào danh mục đầu tư, nhưng trong báo cáo gửi các nhà đầu tư của mình về kết quả hoạt động tháng 10 vừa qua, vị giám đốc này đã phải nhắc đến ROS.
Cụ thể, họ đã lập một báo cáo trong đó tính toán rất chi tiết, tháng 10, quỹ đi sau thị trường vì ROS, nếu không có ROS, thành tích kinh doanh của quỹ là khả quan và họ chỉ cho nhà đầu tư rất rõ, nếu không có cổ phiếu như ROS, họ đã trước thị trường như thế nào....
Nhắc đến chuyện rủi ro, một câu chuyện không quá cũ mà đại diện một quỹ đầu tư thường lấy làm ví dụ, đó là trường hợp cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.
Vào một ngày đẹp trời nọ, khi báo cáo tài chính kiểm toán của TTF được công bố, trong đó có dấu hỏi to tướng về khoản mục thiếu hụt hàng tồn kho lên tới gần nghìn tỷ đồng.
Trước đó, giá cổ phiếu TTF tăng phi mã, vậy đó có thể được coi là rủi ro với các nhà đầu tư? Câu trả lời đến từ một thành viên khác trong diễn đàn, trường hợp TTF, nhà đầu tư không hiểu doanh nghiệp thì coi đó là rủi ro, nhưng với công ty của ông, biết TTF từ lâu, trước khi có ngân hàng vào tham gia tái cấu trúc và xuất hiện thông tin về các nhóm kéo-đẩy phía sau, những rủi ro đó, những nhà đầu tư như ông coi là bình thường, thậm chí còn không coi đó là rủi ro.
Trong quan niệm của vị giám đốc này, rủi ro trong đầu tư chứng khoán là những gì mình không biết được, không kiểm soát được, không hiểu những cổ phiếu này tăng vì lý do gì, hay giảm vì nguyên nhân nào…Được coi là một trong những quỹ đầu tư thành công nhất trên TTCK Việt Nam hiện nay, bí quyết mà quỹ này chia sẻ vẫn chỉ là đầu tư vào cổ phiếu nào mà bạn hiểu rất sâu về doanh nghiệp.
Tất nhiên, ROS không phải là TTF. Cuộc đua với mã ROS đang thực sự khiến thị trường chứng khoán "hấp dẫn" hơn trong 2 tháng trở lại đây.
"Cục than hồng" chưa nguội.