Cổ phiếu ROS tăng phi mã, ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán

(ĐTCK) Ngày 14/11/2016, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản trên sàn hơn 33.247,83 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết, tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam Ông Trịnh Văn Quyết, tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 14/11, cổ phiếu ROS tăng 7.500 đồng, tương đương tăng 6,9%, lên 116.200 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu FLC tăng nhẹ 10 đồng, tương đương tăng 0,14%, lên 7.010 đồng/cổ phiếu. Với lượng cổ phiếu ROS đang nắm giữ là 279.558.755 cổ phiếu và lượng cổ phiếu FLC nắm giữ là 108.859.560 triệu cổ phiếu FLC, tổng giá trị cổ phiếu của ông Quyết đạt hơn 33.247,83 tỷ đồng, tăng gần 2.098 tỷ đồng so với phiên trước đó.

Tập đoàn FLC và Faros nổi lên mạnh mẽ tại Việt Nam với nhiều công trình bất động sản lớn và tốc độ thi công nhanh tại Việt Nam, trong đó phải kể đến các dự án như FLC Samson (Thanh Hóa), quy mô đầu tư 5.500 đồng, FLC Quy Nhơn (Bình Định), quy mô 7.500 tỷ đồng, FLC Vĩnh Phúc Resort (giai đoạn 1)… Tổng giá trị các dự án mà FLC đầu tư được Savills định giá tới trên 3 tỷ USD (khoảng hơn 66.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, báo cáo tài chính của FLC và Faros cho thấy, hai doanh nghiệp này rất ít vay nợ, với tổng giá trị vay cả 2 công ty ở mức xấp xỉ 4.300 tỷ đồng (tương đương gần 7% tổng giá trị tài sản các dự án đầu tư).

Năm 2016, FLC đặt kế hoạch 1.200 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng theo bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC, tính đến hết tháng 10, FLC đã về đích lợi nhuận năm trước 2 tháng.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại Vĩnh Phúc, khởi nghiệp từ lĩnh vực luật sư, tư vấn đầu tư, nhưng đam mê kinh doanh của ông Quyết đã có từ khi còn là sinh viên. Nhờ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp và nhìn nhận cơ hội phát triển của thị trường bất động sản, ông Quyết đã chuyển qua tập trung đầu tư vào mảng bất động sản.

Tập đoàn FLC niêm yết lần đầu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ năm 2011 với vốn điều lệ 170 tỷ đồng (doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết trên HNX khi vốn điều lệ 100 tỷ đồng), đến tháng 7/2013, vốn điều lệ  của Công ty tăng lên 772 tỷ đồng và chuyển niêm yết sang sàn HOSE (ngày giao dịch chính thức 5/8/2013). Sau hơn 3 năm niêm yết tại HOSE, vốn điều lệ của FLC đã tăng gần 7,3 lần, lên mức hơn 6.380 tỷ đồng hiện nay. Nếu so với mức vốn điều lệ khi mới nộp hồ sơ niêm yết trên HNX năm 2011, vốn điều lệ của FLC đã tăng 62,8 lần.

Kể từ lúc niêm yết trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu FLC đã có lúc lên mức cao nhất khi đóng cửa là 29.100 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2013). Sau đó, giá cổ phiếu này liên tục đi xuống và cùng với nhiều lần chia tách, FLC đã có lúc đã về mức giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên 14/11, giá FLC ở mức 7.010 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường gần 4.473 tỷ đồng, đứng thứ 48 trên toàn thị trường và đứng thứ 38 trên HOSE.

Trong khi đó, ROS niêm yết lần đầu trên HOSE từ ngày 24/8/2016 với vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng. Cổ phiếu này giao dịch chính thức trên HOSE ngày 1/9/2016 với mức giá tham chiếu 10.500 đồng. Ngay sau khi chào sàn, ROS đã có chuỗi tăng trần liên tục và dù có một vài phiên điều chỉnh, nhưng sau gần 2 tháng rưỡi lên sàn, giá cổ phiếu ROS đã tăng tới hơn 10 lần, lên 116.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên 14/11, nâng mức vốn hóa thị trường từ 451,5 tỷ đồng, lên 49.966 tỷ đồng. Hiện mã này đang có mức vốn hóa đứng thứ 7 trên sàn HOSE, cũng như toàn thị trường.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục