Khẳng định rõ quan điểm đồng tình với 9 nội dung hỗ trợ DNNVV được thể hiện từ điều 9 đến điều 17 của dự thảo Luật, ông Đặng Thế Lưỡng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp quận Hải An, TP. Hải Phòng nhấn mạnh, đây là những nội dung hỗ trợ thường xuyên, mang ý nghĩa chiến lược của nhà nước nhằm tăng cường năng lực nội tại cho các DNNVV Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lưỡng cho rằng, các điều luật cần phải lượng hóa được nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng càng cụ thể, chi tiết càng tốt.
“Cần làm rõ được việc hỗ trợ tín dụng thông qua các quỹ sẽ như thế nào, qua ngân hàng thương mại ra sao, hay ban quản lý khu công nghiệp hỗ trợ việc bố trí mặt bằng cho DNNVV bằng cách nào. Trong trường hợp chưa cụ thể trong Luật được, có thể giao Chính phủ hướng dẫn thi hành, nhưng phải đảm bảo đồng bộ với quan điểm, mục tiêu và kịp thời để khi Luật được thông qua và ban hành có thể triển khai thực hiện ngay”, ông Lưỡng nói.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình cũng thống nhất với Ban soạn thảo về cách thức tiếp cận và phương pháp xây dựng Luật, đồng thời cho biết việc xây dựng Luật là rất cần thiết nhằm mục tiêu hỗ trợ đúng và trúng đối tượng DNNVV, vốn là khu vực yếu thế nhưng lại chiếm số lượng đông nhất trong nền kinh tế.
“Cộng đồng doanh nghiệp mong Luật này sớm được ban hành, trở thành khuôn khổ pháp lý giúp doanh nghiệp được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tạo nền tảng và điều kiện cho hội nhập và phát triển”, ông Trần Viết Đán, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.
Theo ông Đán, việc hỗ trợ mức thuế thu nhập cho DNNVV thấp hơn mức thuế suất thông thường là phù hợp. Bởi tuy việc này làm giảm thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn sẽ góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên.
Mặc dù vậy, ông Đán cho rằng, nên cân nhắc lại tiêu chí doanh thu để giảm số lượng doanh nghiệp loại vừa được hỗ trợ, tránh giảm thu ngân sách lớn trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thuế trong điều 9 chưa được quy định cụ thể, nên khó có thể áp dụng khi chưa có hướng dẫn. Theo ông Đán, nên bổ sung việc giao Chính phủ quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ cho các loại hình doanh nghiệp từ khi thành lập.
Một đề xuất khác cũng được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình đưa ra là bổ sung vào dự thảo Luật các hỗ trợ về mặt pháp lý cho DNNVV.
“Hiện nay, năng lực tiếp cận các văn bản và hệ thống pháp luật của DNNVV còn rất hạn chế do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin pháp lý, kiến thức pháp luật là rất cần thiết. Vì vậy, cần bổ sung các hỗ trợ về pháp lý cho DNNVV, đồng thời có giải pháp cụ thể để thay đổi nhận thức, năng lực tiếp cận của doanh nghiệp”, ông Đán nói.
Liên quan đến đối tượng hỗ trợ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico lưu ý, tồn tại thực trạng là phần lớn doanh nghiệp hiện nay không phải nhỏ hay vừa, mà là siêu nhỏ.
“Doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy, vị thế trên thực tế như một “đứa trẻ mồ côi”. Do đó cần phân biệt giữa các đối tượng doanh nghiệp để có sự hỗ trợ khác nhau”, ông Đức nói và cho rằng, thậm chí, có thể xem xét bỏ đối tượng doanh nghiệp vừa, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông
Việt Nam là nước có lực lượng DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn, đóng vai trò quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, DNNVV đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển, cũng như bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, rất cần có một khung khổ pháp lý để chính thức hóa các hoạt động và chính sách hỗ trợ khu vực vô cùng quan trọng này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành địa phương, sẽ hoàn thiện dự thảo Luật để tiến tới trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua.