Các chuyên gia, doanh nghiệp đã góp ý thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2017. Trong đó, điểm đặc biệt đáng chú ý là nhóm các ý kiến về cụ thể hóa các quy định hỗ trợ cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ để hình thành nên 1 triệu doanh nghiệp trong tương lai.
Nên giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ
Hiện cả nước đang có 4 triệu hộ kinh doanh, trong đó có 1,8 triệu hộ đang đóng thuế theo “khoán thuế”, “thu theo thông báo” và thủ tục thuế, kế toán là một rào cản để hộ kinh doanh vươn mình thành doanh nghiệp nhỏ.
Ở vấn đề thực chất và sát sườn này, theo bà Bùi Thu Thủy, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp.
“Cần phải cởi bỏ tâm lý, cởi bỏ chính sách để tạo động lực cho các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) nói.
Ông Thạch cũng đề xuất, cần quy định việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, cần áp dụng chế dộ kế toán doanh nghiệp đơn giản hơn và phải coi đây là tiêu chí chứ không phải là “quyền lợi” như ghi trong Dự thảo.
Còn ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khẳng định, nên chọn phương án hỗ trợ thuế theo quy mô doanh nghiệp, thay vì phương án áp dụng một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp như đề xuất, vì nếu áp theo tiêu chí doanh thu 100 tỷ đồng, sẽ hạn chế số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ và dễ bị hiểu lầm.
Việc giảm thuế 305% vẫn chưa đủ, nên bổ sung thêm mức giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Ngoài chính sách giảm thuế, nên có chính sách khai báo thuế, thủ tục kê khai thuế của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần giản đơn hơn, để dễ thực hiện và tuân thủ hơn.
Theo ông Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại đặc sản Việt Nam, sự hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 20% xuống còn 15 - 17% mặc dù không lớn lắm nhưng hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ.
Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã cho rằng, việc giảm thuế 305% vẫn chưa đủ, nên bổ sung thêm mức giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bởi giảm thuế có tác động rất lớn đến phát triển sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, nên có một hệ thống thuế riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ để giúp những doanh nghiệp mới thành lập, sau 5 năm có thể nâng cao quy mô lên gấp 2 - 3 lần. Như vậy, chúng ta mới có một hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh để có thể đương đầu với thị trường trong nước và thị trường quốc tế thời kì hội nhập.
Băn khoăn giảm thuế gây bất bình đẳng
Ở luồng ý kiến ngược lại, một số chuyên gia cho rằng, không nên giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với 2 lý do: gây sự bất bình đẳng và số tiền giảm thuế của doanh nghiệp nhỏ và vừa là không đáng kể. Điều doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhất là cơ chế chính sách.
Cụ thể, đối với quy định “doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển từ quy mô siêu nhỏ lên nhỏ, từ quy mô nhỏ lên vừa thì doanh nghiệp đó được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất quy tối đa trong 3 năm tiếp theo năm đạt được quy mô chuyển đổi”, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO là “rắc rối, không hợp lý”.
“Việc “to lên, nhỏ xuống” bình thường cũng có thể dễ bị thay đổi, sau khi có quy định này thì dễ tạo ra tình trạng biến động liên tục để trục lợi. Điều này còn dễ dẫn đến việc kìm hãm doanh nghiệp vừa phát triền thành doanh nghiệp lớn. Vì vậy cần bỏ tất cả các quy định về thuế suất ưu đãi trong Dự thảo Luật”, ông Đức góp ý.
Tương tự các quy định về giảm thuế cho với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển từ quy mô siêu nhỏ lên nhỏ, từ quy mô nhỏ lên vừa tại Khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 9 Phương án 2 Dự thảo Luật, ông Đức cũng bình luận rằng: “Rất rắc rối, tiêu cực, phức tạp, bất bình đẳng và khó thực hiện”.
Thậm chí, theo ông Đức, quy định này là như một sự thụt lùi, quay ngược trở lại mấy chục năm trước, với sự phân biệt đối xử bất công bằng của Luật Thuế lợi tức năm 1990 đã bị bãi bỏ.