Đánh giá cao các sửa đổi bổ sung của dự thảo luật mới nhất trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia luật, cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng xã hội nói chung, song PGS TS PGS.TS Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề cần xem xét làm rõ.
Cụ thể Luật chưa làm rõ các cấp chính quyền địa phương có quyền ban hành văn bản pháp luật để quy định về chính sách hỗ trợ đối với các DNNVV đang hoạt động tại địa phương mình hay không.
Việc quy định các cấp chính quyền địa phương có quyền thành lập các quỹ hỗ trợ DNNVV tại địa phương mình hay không.
Trên cơ sở này, TS Huệ kiến nghị bổ sung một điều (Điều 5) vào Phần I về Quy định chung để giải quyết hai vấn đề tồn tại của dư thảo Luật. Theo đó, nội dung đề xuất bổ sung cho điều 5 về Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước bao gồm:
Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là chính sách lâu dài, thuộc chức năng kinh tế của Nhà nước. Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của từng thời kỳ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại địa phương mình.
Liên quan nội dung hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhấn mạnh Luật cần đưa ra áp dụng chế độ kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế tương tực với mức độ áp dụng đối với các hộ kinh doanh hiện nay, sau đó mới có lộ trình tăng dần yêu cầu bài bản chính quy.
Tuy nhiên ông Đức lưu ý như vậy sẽ phải đề xuất sửa đổi bổ sung Luật kế toán năm 2015 cùng một số luật thuế và liên quan khác.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hỗ trợ DNNVV, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất cần công khai minh bạch đề xuất hỗ trợ, cam kết hiệu quả khi nhận được hỗ trợ, quá trình thực hiện và hiệu quả thực tế của việc hỗ trợ, công khai phản biện về việc giám sát thực hiện và hiệu quả hỗ trợ, đồng thời, sử dụng kênh này để đánh giá việc thực hiện của các đối tượng nhận hỗ trợ.
Trên cơ sở các thông tin công khai, minh bạch, các đối tượng hỗ trợ cần có đăng ký hỗ trợ, có kế hoạch kinh doanh và cam kết hiệu quả sẽ có khi được hỗ trợ làm căn cứ để xét hiệu quả của việc hỗ trợ sau này.
Ông Nam cũng đề nghị cần tiến hành tổng kết định kỳ hàng năm về tác động của hỗ trợ đối với các đối tượng được hỗ trợ (như tạo thêm việc làm, lương cho người lao động, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng doanh thu có hàm lượng công nghệ cao). Trên cơ sở đó thực hiện việc xét tiếp tục hay không việc hỗ trợ với các đối tượng căn cứ vào hiệu quả của việc hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến luật sư và chuyên gia cũng đề nghị bổ sung làm rõ thêm các nội dung phương thức và chính sách hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ...