CSM sẽ thưởng cổ phiếu 40%

(ĐTCK) Sáng nay (26/4), ĐHCĐ thường niên của CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM) đã thông qua kế hoạch phát hành 29,6 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 40% để tăng vốn điều lệ lên gần 1.040 tỷ đồng và mức chia cổ tức năm 2015, tỷ lệ 35%.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, HĐQT CSM đặt mục tiêu doanh thu sản xuất công nghiệp 3.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu nội địa 2.400 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến 330 tỷ đồng, giảm 11% so với thực hiện năm 2015. Cổ tức dự kiến tối thiểu 10%.

Kết thúc quý I/2016, doanh thu CSM ước đạt 20% so với kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế ghi nhận 77 tỷ đồng.

Tờ trình của HĐQT Công ty cho biết, Trung Quốc hiện có nhiều nhà máy sản xuất với công suất lớn hơn gấp 3 lần so với CSM. Nhà máy của họ có thể chủ động nguyên liệu đầu vào trong nước, miễn phí thuê đất, và nộp thuế khoán nên sản phẩm của họ có giá rất rẻ.

Vì vậy, trong năm qua, Ban lãnh đạo CSM đã điều chỉnh giảm giá bán bình quân giá các sản phẩm 8% so với năm 2014. Quý I/2016, giá tiếp tuc giảm 5%. Tuy nhiên, xu hướng sắp tới giá sẽ đi vào ổn định hơn do giá dầu cũng như giá cao su thiên nhiên đã dần phục hồi và ổn định.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo CSM xác định chiến lược sắp tới, Công ty sẽ tập trung phát triển các dòng sản phẩm khác biệt, ứng dụng công nghệ cao với giá bán tốt hơn thay vì cạnh tranh giảm giá bán.

Về sản phẩm, năm 2016, CSM sẽ đẩy mạnh tiêu thụ đối với nhóm lốp radial toàn thép. Theo đó, nhà máy sản xuất 1 triệu lốp ô tô radial toàn thép công suất 350.000 chiếc/năm đã hoàn vốn giai đoạn 1. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ tại nhà máy đạt 70.000 chiếc và dự kiến 120.000 chiếc tiêu thụ trong năm nay.

Theo ông Phạm Hồng Phú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, với sản lượng dự kiến trên, CMS sẽ phải sản xuất hơn 40 chủng loại lốp khác nhau. Việc nghiên cứu phát triển chủng loại tốn khá nhiều thời gian (trung bình 6-9 tháng/sản phẩm). Vì vậy, hiện tại nhà máy chưa thể chạy hết công suất.

HĐQT CSM cho biết thêm, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 vào năm 2017, công suất 700.000 chiếc với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, dự kiến khai thác hết công suất nhà máy vào năm 2018. “Trong tương lai nhu cầu tiêu thụ lốp radial sẽ rất lớn, tuy nhiên, cần có thời gian 5-7 năm để dòng sản phẩm được thị trường chấp nhận và tin dùng”, ông Phú chia sẻ.

Mặt khác, CSM đặt mục tiêu tăng trưởng cao đối với dòng sản phẩm chủ lực là nhóm lốp xe máy không săm với sản lượng tiêu thụ đạt 950.000 chiếc/năm. Theo đó, năm 2016, Công ty dự kiến hoàn thành và đưa vào khái thác dây chuyền sản xuất lốp không săm với công suất 2 triệu chiếc/năm.

Về công tác đầu tư, CSM triển khai dự án lốp ô tô bán thép (PCR) dùng cho xe du lịch. HĐQT đánh giá nhu cầu của mặt hàng này trong tương lai tương đối lớn, tương đương nhu cầu tiêu thụ lốp xe máy của Việt Nam. Trước mắt, cuối năm nay, Công ty đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất PCR với công suất 500.000 tấn/năm, nếu kết quả khả quan, CSM sẽ nâng công suất.

Dự kiến đầu tháng 1/2017, CSM sẽ xuất khẩu PCR sang thị trường Mỹ. Như vậy, bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống là ASEAN, năm nay, CSM sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhằm tận dụng lợi thế chống bán phá giá của Mỹ đối với các nước ngoài TPP trong đó có Trung Quốc. Cụ thể, CSM đã ký hợp đồng với đối tác với sản lượng tiêu thụ cam kết 1,5 triệu chiếc/năm chia thành nhiều giai đoạn, tùy thuộc vào năng lực cung cấp của CSM.

Đối với dự án nhà máy sản xuất 4 triệu lốp radial toàn thép, HĐQT CSM cho biết, nếu tình hình thị trường xuất nhập khẩu khả quan, Công ty sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trong đó, để thăm dò trị trường, Công ty đã tiến hành đầu tư chiều sâu 500.000 lốp radial bán thép với vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Dự kiến, khi nhà máy tiêu thụ công suất tối đa đạt 2 triệu lốp/năm sẽ nâng tổng vốn đầu tư của CSM lên 500 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017, dự án sẽ cho ra sản phẩm thương mại.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục