CPI tăng thấp nhất 10 năm, kinh tế đang thuận lợi

(ĐTCK) CPI tháng 6 năm 2015 tăng 0,35% so với tháng trước; tăng 1% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,55% so với tháng 12 năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.
CPI tăng thấp nhất 10 năm, kinh tế đang thuận lợi

Ông Lâm cho biết, 6 tháng đầu năm nay, CPI có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây ; bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%; sau 6 tháng CPI tăng 0,55% so với cuối năm 2014, như vậy nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội.

Theo ông Lâm, khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.     

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 6 năm 2015 tăng 0,35% so với tháng trước; tăng 1% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,55% so với tháng 12 năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua; CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng; trong đó, tăng cao nhất thuộc về nhóm giao thông, tăng 3,54%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%... Chỉ số giá nhóm Giáo dục không tăng. Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Giải thích nguyên nhân đại diện Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6 năm 2015 tăng chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh; giá dịch vụ y tế Tp. Hồ Chí Minh điều chỉnh; thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dùng điện tăng lên làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt tăng. Bên cạnh đó, tháng 6 là thời điểm học sinh nghỉ hè nên nhu cầu du lịch tăng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh,  CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 lại đây,  giải thích nguyên nhân thứ nhất là do điều hành của Chính phủ. Theo đó, giá dịch vụ y tế Tp.Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng từ ngày 1/6/2015 làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 1% so với tháng 12 năm trước, góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,04%.

6 tháng đầu năm 2015, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 8,42% so tháng 12/2014 góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,22%; mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2015 nên giá một số loại dịch vụ tăng giá từ 2-4% so với tháng 12 năm trước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng 2% vào ngày 7/1/2015 và ngày 7/5/2015 đã tác động đến giá một số mặt hàng nhập khẩu và giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, theo ước tính qua bảng cân đối liên ngành I/O 2012 tỷ giá tăng 2% sẽ tác động đến mức tăng chung của CPI năm 2015 khoảng 0,6%.

Ngoài ra, một phần cũng do yếu tố thị trường. Theo đó, tháng 1, tháng 2 là tháng Tết Nguyên Đán nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm ở hai tháng đầu năm đều tăng; đồng thời, nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên Đán và kỳ lễ 30/4 -1/5, nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,58% so với tháng 12 năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tăng giá, CPI 6 tháng đầu năm nay có mức tăng khá thấp so cùng kỳ các năm trước đây do vụ Đông xuân, Hè thu được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; giá xăng dầu được điều chỉnh 3 đợt tăng giá, 3 đợt giảm giá, các đợt tăng giá rơi vào thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6 nên 6 tháng đầu năm 2015 chỉ số giá xăng dầu giảm 5% so với cuối năm 2014; do giá gas thế giới giảm nên giá gas trong nước 6 tháng đầu năm cũng giảm 12% so với cuối năm 2014.

Nhận định về giá dầu thô, ông Lâm cho biết, dự kiến giá dầu thô bình quân của Việt Nam ở mức 65-70USD/thùng, với mức giá này hoàn toàn đảm bảo cho khai thác, kinh doanh dầu thô. Tất nhiên, nếu so với mức giá bình quân năm 2014 thì ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách của nhà nước. Ông Lâm nhấn mạnh, mức giá dầu hiện nay đảm bảo khai thác có lãi. Qua số liệu khai thác 6 tháng đầu năm nay, khai thác dầu thô tốt, giúp GDP tăng trưởng tốt trong quý 2.

Không tác động tới GDP

Đánh giá một cách tổng quát, ông Lâm khẳng định, CPI sáu tháng đầu năm 2015 đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra, đồng thời không ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, dự báo yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát.

Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Cũng theo số liệu công bố của Tổng Cục thống kế, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 6 năm 2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,01% so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm 2015 so cùng kỳ tăng 2,24%.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục