Theo ông, chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng thế nào đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại, du lịch của Việt Nam.
PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng, (Đại học Kinh tế quốc dân) |
Tác động của cuộc chiến này vô cùng khó lường, vì nó không đơn giản là xung đột quân sự giữa 2 quốc gia, hay giữa Nga với các nước phương Tây, mà tác động đến hầu hết các mặt chính trị, kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Chỉ riêng về lĩnh vực kinh tế, thế giới phương Tây liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt vô cùng nghiệt ngã đối với nền kinh tế Liên bang Nga.
Quan hệ kinh tế nói chung giữa Việt Nam và Liên bang Nga tuy không bằng với Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, nhưng Nga cũng là đối tác lớn và càng ngày càng phát triển. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam cùng với 5 nước thành viên của Liên minh Á - Âu (EAEU, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) ký hiệp định thương mại tự do (có hiệu lực kể từ tháng 10/2016), thì quan hệ thương mại, đầu tư ngày càng phát triển.
Khi Nga bị áp lệnh trừng phạt, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga cũng bị ảnh hưởng như doanh nghiệp nội địa của họ. Doanh nghiệp Việt Nam đã và xuất hàng vào Nga chắc chắn gặp nhiều khó khăn, thậm chí bị gián đoạn. Doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, máy móc là đầu vào của hoạt động sản xuất cũng bị tác động tiêu cực tương tự.
Ngay cả các khoản nợ tiền hàng nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa biết có thể được thanh toán vào lúc nào, khi mà hệ thống ngân hàng của Nga đã bị phong toả. Chưa kể, tài sản và ngoại tệ của Việt Nam đang gửi tại Nga chưa biết ngày “hồi hương” khi cũng bị đóng băng.
Chiến sự không mong đợi này sớm muộn rồi cũng qua đi khi 2 bên tìm được điểm đồng thuận, còn các bên tham dự cũng chấp nhận một giải pháp hòa bình được coi là khả dĩ nhất trong lúc này. Theo đó, những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi…?
Nhưng sau cuộc chiến, trật tự thế giới sẽ thay đổi, phá vỡ hoàn toàn trật tự thế giới đa cực đã được thiết lập kể từ đầu những năm 1990 đến nay. Trong trật tự thế giới mới có thể sẽ hình thành sau chiến sự Nga - Ukraine, những quốc gia không can dự đều phải có toan tính, đặc biệt với Việt Nam là quốc gia hội nhập kinh tế sâu rộng và có quan hệ rất tốt với cả 2 phía Nga và phương Tây.
Trong trật tự mới, Việt Nam và nhiều nước khác đều nhìn thấy cơ hội khi dòng đầu tư nước ngoài bị chặn lại ở Nga, Belarus (đồng minh thân cận của Nga) sẽ chảy sang nước khác, trong đó, Việt Nam từ lâu trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn. Dòng thương mại hàng hóa của phương Tây bị cản ở Nga là cơ hội để các nước khác “lấp chỗ trống”. Tương tự, hàng hóa của Nga bị chặn lại ở các nước khác là cơ hội để hàng hóa của Việt Nam và các nước khác thế chỗ. Du khách Nga không đi du lịch ở những nước tham chiến sẽ “đổ” đến Việt Nam.
Về lý thuyết thì như vậy, nhưng khi các biện pháp trừng phạt không được gỡ bỏ, thì hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nếu nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, máy móc từ Hoa Kỳ, EU và các quốc gia ít nhiều có tham dự trong cuộc chiến này, khi xuất khẩu vào Nga và Belarus, liệu 2 thị trường này có ưu đãi thuế quan theo cam kết trong EAEU không?
Tương tự, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nếu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ Nga khi xuất khẩu vào EU, liệu EU có ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không? Khi không còn được ưu đãi thuế quan, thì ưu thế về FTA với EAEU, EVFTA không còn nữa, dòng chảy thương mại bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhưng lĩnh vực du lịch chắc chắn có cơ hội, vì Nga là một trong những thị trường khách du lịch lớn nhất và có rất nhiều tiềm năng của du lịch Việt Nam, thưa ông?
Khi các lệnh trừng phạt còn hiệu lực, kinh tế Nga khó có thể phục hồi, thu nhập của người dân Nga không được cải thiện, chưa kể lạm phát phi mã, đồng Ruble mất giá, buộc người dân Nga cắt giảm chi tiêu. Việt Nam dù có là địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng, nhưng người dân Xứ sở Bạch dương cũng chỉ còn biết “du lịch qua màn ảnh nhỏ”.
Có thể nói, thiệt hại của doanh nghiệp Việt Nam trong và sau cuộc chiến này rất đáng kể. Để giảm thiểu thiệt hại và tìm ra cơ hội mới, theo tôi, doanh nghiệp cần theo dõi kỹ thị trường thông qua nhiều kênh thông tin như đại sứ quán, Việt kiều, thông tin của các bộ, ngành, hiệp hội. Chính phủ, các bộ, ngành phải liên tục cập nhập thông tin cho doanh nghiệp, đồng thời có các giải pháp bảo vệ tài sản, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ở vùng chiến sự.
Một điều quan trọng không kém là các nước “tọa sơn quan hổ đấu” cũng đang toan tính lấp chỗ trống hàng hóa của Nga ở EU, Hoa Kỳ… và hàng hóa EU, Hoa Kỳ ở Nga. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chân, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hàng hóa bị thiếu do cuộc chiến cho bất cứ thị trường nào. Nếu chậm, chắc chắn không bao giờ có cơ hội, vì chiến tranh có quy luật riêng của nó.
Chiến tranh đã khiến giá dầu thế giới leo thang chưa từng thấy. Thưa ông, biến động của giá xăng dầu tác động thế nào đến CPI?
So với cùng kỳ các năm gần đây, chỉ số CPI tháng 2 và 2 tháng đầu năm nay chưa thấy có gì đột biến. Cụ thể, CPI tháng 2 chỉ tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước; còn CPI 2 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 1,68%. Nguyên nhân chính là sức cầu quá yếu: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm giảm 0,3% nếu loại trừ yếu tố giá.
Nhìn vào nhóm dịch vụ giao thông, mới thấy tác động của việc tăng giá xăng dầu rất ghê gớm. Cụ thể, trong tháng 2/2022, nhóm giao thông tăng tới 15,46% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm. Nguyên nhân là trong vòng một năm qua, giá xăng dầu tăng trên 47%, mỗi lít xăng dầu đã tăng 7.000 - 8.500 đồng (chưa tính 2 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 3/2022). Giá xăng dầu tăng đẩy CPI tăng, có thể làm sai lệch mọi dự báo về CPI của các tổ chức, cá nhân.
Vậy ông dự báo thế nào về diễn biến CPI từ nay đến cuối năm?
Tôi nghĩ rằng, CPI năm nay chắc chắn cao hơn so với dự báo của các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu vào cuối năm ngoái, đầu năm nay là 2,5 - 3%, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Vì chiến sự Nga - Ukraine khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, nên nhu cầu giảm. Giá xăng dầu bán lẻ trong nước chắc sẽ không tăng trong thời gian tới, vì kể từ ngày 1/4/2022 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường được giảm 50% (xăng giảm 2.000 đồng/lít; diesel, mazut giảm 1.000 đồng/lít; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít).
Và cuối cùng là, chiến sự Nga - Ukraine không thể kéo dài như các cuộc chiến khác, chắc chỉ diễn ra trong vòng 1-2 tháng, nhưng hậu quả của nó là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới bị chậm lại, khiến giá dầu khó có thể giữ ở mức cao như hiện nay. Thế nên, CPI có thể tăng cao trong tháng này và vài tháng tới, sau đó sẽ giảm tốc và năm nay vẫn giữ được mức dưới 4%.