Cốt lõi là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp

(ĐTCK) Quan sát diễn biến trên TTCK gần đây, dễ thấy dòng tiền tiếp tục đổ vào các cổ phiếu có định giá thấp nhờ việc nhiều doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng khả quan với triển vọng 2015 sáng sủa, bất chấp xu hướng điều chỉnh chung và động thái chốt lời mạnh ở nhóm cổ phiểu bảo hiểm.
Ảnh Internet Ảnh Internet

“TTCK lúc nào cũng phải đối mặt với rủi ro. Khi thì rủi ro khách quan đến từ thị trường Mỹ, bây giờ là TTCK Trung Quốc, nhưng quan trọng nhất là sự tăng trưởng của các doanh nghiệp. Nếu nhìn vào yếu tố quan trọng nhất này thì TTCK Việt Nam hứa hẹn sẽ ổn định và tăng trưởng”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn chia sẻ với ĐTCK.

Theo quan điểm này, TTCK Việt Nam đang được định giá ở mức khá hợp lý, chưa chạm mức cao nhất so với năm 2014. Mặt khác, mức độ sử dụng vốn vay của nhà đầu tư không nóng, vì thế thị trường có mức độ rủi ro thấp xét theo các yếu tố nội tại.

Quan sát diễn biến trên TTCK gần đây, dễ thấy dòng tiền tiếp tục đổ vào các cổ phiếu có định giá thấp nhờ việc nhiều doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận 6 tháng khả quan với triển vọng 2015 sáng sủa, bất chấp xu hướng điều chỉnh chung và động thái chốt lời mạnh ở nhóm cổ phiểu bảo hiểm. Điển hình là HPG.

Sau khi HPG công bố lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm và đặt mục tiêu phấn đấu không thua lợi nhuận năm ngoái, tức cao hơn mức lợi nhuận kế hoạch gần 1.000 tỷ đồng, cổ phiếu đã tăng giá trong hai phiên vừa qua.

Cổ phiếu GMD cũng đã tăng điểm tuần trước và vượt lên ngưỡng 33.000 đồng/cổ phiếu ngày 21/7. Diễn biến này hoàn toàn dễ hiểu khi GMD đã tiếp đại diện của 15 tổ chức đầu tư vào ngày 14/7, trong đó có cập nhật về hoạt động của các cảng và hoạt động kinh doanh chung.

PET có lúc điều chỉnh xuống 17.700 đồng/cổ phiếu trong phiên sau đó tăng trở lại và tiếp tục tăng trong ngày hôm qua khi có thông tin PET sẽ chốt tạm ứng cổ tức 10% vào ngày 5/8 tới. Về cơ bản, PET đang được định giá ở mức P/E 2015 chỉ 7 lần.

Cố phiếu của HBC, dù đang gặp sự cố sập giàn giáo cũng vẫn được nhà đầu tư mua vào nhờ triển vọng của doanh nghiệp và cả lĩnh vực xây lắp.

Hàng loạt cổ phiếu thuộc diện cơ bản như VNM, HSG, FPT, TCM, KDC đều rất vững vàng, biến động giá trong biến độ hẹp. Điều đó cho thấy tâm lý “bên cầm cổ” muốn giữ trước những biến động khách quan của thị trường. Bên cầm tiền chực chờ cổ phiếu điều chỉnh để gom hàng.

Chỉ số chung của TTCK đang điều chỉnh, nhưng mức độ điều chỉnh  không quá lớn. Nhà đầu tư khó có thể tìm kiếm cơ hội mua cổ phiếu giá xuống thấp hơn hẳn so với mặt bằng giá hiện nay.

Về các yếu tố khách quan, sự suy giảm của nền kinh tế và TTCK Trung Quốc có khả năng tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế trong khu vực hay toàn cầu hay không, đó là câu hỏi không dễ có câu trả lời. Nếu có, đó là một rủi ro cho TTCK toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu Mỹ quyết định tăng lãi suất thì điều đó có nghĩa rủi ro Trung Quốc không quá đáng lo ngại. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đều đang để ý đến những biến động từ nền kinh tế Trung Quốc, nhưng yếu tố này khó có thể tác động làm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ, mà nếu có, cũng chỉ có thể ảnh hưởng phần nào mà thôi.

Khi các doanh nghiệp lớn vững vàng, giá cổ phiếu cũng như TTCK Việt Nam sẽ vững vàng, ổn định và tăng trưởng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ