Chuyển động phía sau những con số 6 tháng

(ĐTCK) DN niêm yết lần lượt công bố con số lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, bức tranh chung là khả quan hơn. Đằng sau những con số này là sự chuyển động của nhiều DN để đón đầu những thay đổi của môi trường kinh doanh và trước hết là để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính DN.
Thép đóng góp tới 75% vào con số lợi nhuận 1.900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay Thép đóng góp tới 75% vào con số lợi nhuận 1.900 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay

HPG, vì sao lợi nhuận cao?

1.900 tỷ đồng là con số lợi nhuận trên kế hoạch cả năm 2.300 tỷ đồng của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, trong đó thép chiếm tỷ trọng khoảng 75%. Kết quả này gây bất ngờ với nhà đầu tư vì quý I HPG mới đạt 1/3 lợi nhuận này.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, HPG có lợi thế nhờ giá quặng giảm 25-30% so với cùng kỳ và HPG đã nhập khẩu quặng từ Nam Phi với giá 53 USD/tấn, thấp hơn giá trong nước là 65 USD/tấn. Trong khi đó, giá bán trong nước đang ổn định nên tỷ suất lợi nhuận của HPG tăng. “Trong tương lai, Công ty có khả  năng sẽ tăng lượng quặng sắt nhập khẩu từ Úc và Braxin để giảm giá thành hơn nữa”, HSC nhận định.

Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long nhấn mạnh, nguyên nhân nội tại tạo nên lợi nhuận cao là do HPG luôn kiên định với 3 chân kiềng trong chiến lược phát triển. Thứ nhất, kiên định với lĩnh vực kinh doanh chính. Chính sách bán hàng của HPG rõ ràng, kiên định theo thời gian. Các đại lý làm việc với Hòa Phát lúc đầu thường không thích, kêu khó nhưng dần dần cũng với thời gian họ càng gắn bó với Hòa Phát vì lợi nhuận ổn định. Về tài chính, Hòa Phát kiểm soát tốt. Dư nợ trong tổng tài sản hiện ở mức thấp 28% và xu hướng là “giảm vay mượn, sử dụng nguồn vốn tích lũy là chính”.

Về chiến lược phát triển, ông Long chia sẻ, khi giai đoạn 3 Khu liên hiệp gang thép đi vào hoạt động, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của ngành thép sẽ tăng lên. HPG tập trung cho lĩnh vực kinh doanh chính là thép và mảng mới thức ăn chăn nuôi, còn các lĩnh vực khác duy trì ổn định, tạo việc làm.

Mảng thức ăn chăn nuôi, HPG đặt kế hoạch là đạt 1 triệu tấn vào năm 2020. Mảng chăn nuôi heo công nghiệp đang ở bước nghiên cứu và tìm địa điểm đặt trang trại. Đáng lưu ý là đã có những quỹ đầu tư quan tâm đến mảng thức ăn chăn nuôi đến Hòa Phát tìm hiểu và muốn đầu tư vào mảng này. “Đã có những thay đổi cái nhìn về Hòa Phát trong lĩnh vực mới này. Chúng tôi sẽ làm rất sát, tính toán kỹ lưỡng”, ông Long chia sẻ.

HSG nghiên cứu luyện cán thép tại khu kinh tế cảng biển nước sâu

Cuối tuần qua, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố lợi nhuận sau thuế 9 tháng niên độ tài chính 2015-2016 là 484 tỷ đồng, vượt kế hoạch 450 tỷ đồng lợi nhuận của niên độ tài chính 2014-2015 trước một quý. HSG về đích sớm nhờ lợi nhuận gộp tăng so với cùng kỳ, vì sản lượng tiêu thụ tăng do các dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động và các chi nhánh phân phối - bán lẻ  mở mới tăng năng lực bán hàng.

Giá thép cán nóng giảm trong khi giá bán thành phẩm không giảm nhiều, làm tăng tỷ suất lợi nhuận. Thêm vào đó, 2 dây chuyền cán nguội mới với tổng công suất 400.000 tấn/năm đã hoạt động, nên HSG không phải thuê gia công thép cán nguội bên ngoài.

Giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến động thái HSG xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương nghiên cứu tiền khả thi dự án Khu liên hiệp luyện cán thép Hoa Sen tại các khu kinh tế cảng biển nước sâu, có công suất dự kiến 5-8 triệu tấn/năm để sản xuất thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép hình và các loại thép khác… Thép cán nóng là nguyên liệu chính của sản phẩm tôn mạ và ống thép nên nếu HSG sản xuất được thép cán nóng, thay vì phải mua bên ngoài sẽ gia tăng biên lợi nhuận gộp. Có thể nói, đây là bước đi chiến lược tiếp theo của HSG sau việc phát triển chi nhánh và tăng công suất sản phẩm tôn.

Khi công suất hiện tại vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu, tháng 6 vừa qua, Tập đoàn này đã động thổ Nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại KCN Đông Hồi. Tổng vốn đầu tư dự án này tới  7.000 tỷ đồng (trong đó vốn cố định là 4.500 tỷ đồng và vốn lưu động là 2.500 tỷ đồng), lớn hơn 35% tổng tài sản của HSG nên phải xin ý kiến cổ đông thông qua về chủ trương.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc HSG cho biết, do tình hình ngành thép thế giới đang trì trệ, đầu tư ở thời điểm này HSG có thể giảm chi phí đầu tư thông qua việc mua công nghệ, máy móc thiết bị chất lượng tốt với giá rẻ.

Theo giới phân tích, nguồn vốn tự có tài trợ cho dự án này là 1.150 tỷ đồng, nên HSG có thể thiên về chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hơn là tiền mặt trong các năm tới.

HAG tập trung tái cơ cấu nợ

Sáng nay, 20/7, cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) chính thức niêm yết trên HOSE. CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chiếm hơn 80% vốn cổ phần HNG. Mảng nông nghiệp và chăn nuôi của HAG từ trước đến nay được định giá theo giá trị sổ sách. Với việc niêm yết HNG, giá sẽ được định theo giá thị trường.

Trả lời câu hỏi của cổ đông khi giá cổ phiếu HNG chào sàn là 28.000 đồng/cổ phiếu cao hơn giá HAG là hơn 18.000 đồng/cổ phiếu, ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAG thắng thắn: “HNG khác HAG là hệ số nợ không lớn và nắm trực tiếp tài sản nên đầu tư HNG ít rủi ro. Còn HAG là công ty mẹ, thực hiện huy động vốn nên nợ nhiều, trong con mắt nhà đầu tư rủi ro hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, HAG đang bị định giá thấp, có cả lý do khách quan và nội tại. Vấn đề là làm sao để nhà đầu tư yên tâm với kết quả tái cơ cấu nợ của HAG, theo hướng tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ xuống, giảm rủi ro. Đó là trách nhiệm của Ban lãnh đạo HAG”.

Được biết, HAG đã đàm phán xong với các trái chủ, đang thực hiện thủ tục gia hạn trái phiếu. Theo tờ trình HAG gửi xin ý kiến cổ đông tuần trước thì trái phiếu được gia hạn thêm 2 năm đến 31/8/2017 và lãi suất 3%/năm thay cho mức lãi suất tiền gửi cộng 3%. Đổi lại, trái chủ linh hoạt thời gian chuyển đổi với mức giá điều chỉnh theo điều khoản chống pha loãng là 19.645 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, việc chuyển đổi có lợi cho trái chủ vì cổ phiếu HAG có tiềm năng tăng giá cao hơn, nhất là khi sẽ được chia tiếp 15% cổ tức bằng cổ phiếu. Việc niêm yết HNG không chỉ giúp xác lập giá trị tài sản của HAG mà khi cần thanh khoản HAG có thể bán bớt một phần cổ phiếu HNG.

Ở mảng nông nghiệp và chăn nuôi, sắp tới, HAG sẽ ra mắt thịt bò thương hiệu Gia Lai với nguồn gốc truy suất rõ ràng và dự kiến cùng Nutifood sản xuất sữa tươi Oganic, được tạo ra từ bò sữa được nuôi hoàn toàn từ cỏ trồng tự nhiên không hóa chất.

Ban lãnh đạo HAG cho biết, trong định hướng dự án khu phức hợp tại Hoàng Anh Myanmar cũng được chứng khoán hóa để niêm yết và chào bán nhưng tại thời điểm nào, đối tác nào và ở sàn nào thì khi có kết quả cụ thể sẽ công bố theo quy định.

Trước đây, thương vụ Rowsley Limited (Singapore) mua lại 50% cổ phần Hoang Anh Land để sở hữu khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar với giá khoảng 275 triệu USD, đã không thành công do đối tác muốn đầu tư trực tiếp vào dự án, thay vì mua cổ phần Công ty. Thời điểm đó, thuế suất lợi nhuận chuyển nhượng vốn ở Myanmar là 40% nên HAG không thể đồng ý với đề nghị này.

Theo thông tin của ĐTCK, chính sách của Myanmar đã thay đổi theo đó mức thuế lợi nhuận chuyển nhượng vốn giảm từ 40% xuống chỉ còn 10%. Đây là điều kiện để HAG dễ dàng hơn trong làm việc với các đối tác muốn đầu tư vào dự án này, vì hầu hết đối tác đều muốn đầu tư trực tiếp vào dự án Myanmar.

Theo ông Sơn, việc đàm phán với đối tác đầu tư vào khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar sẽ dễ dàng hơn trước vì dự án đã hình thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng có nguồn thu.

NTL, tồn kho lớn là gì?

Trong làn sóng sôi động của thị trường bất động sản, giới đầu tư quan tâm đến cổ phiếu NTL của CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm khi công ty này vừa có quý II với kết quả lợi nhuận đột biến, lãi 27,9 tỷ đồng trên doanh thu 107,6 tỷ đồng. Trong quý II, có 87,6 tỷ đồng doanh thu của NTL đến từ bàn giao thêm một số biệt thự tại khu đô thị LIDECO Bắc 32 có tỷ suất lợi nhuận rất cao.

Theo báo cáo tài chính, cuối quý II, tồn kho của NTL là 1.020 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với quý I năm nay. Phần lớn trong đó là hàng hóa sẵn sàng để bán gồm: 600 tỷ đồng là biệt thự đang bàn giao cho khách hàng ở khu đô thị LIDECO Bắc Quốc lộ 32; khoảng 300 tỷ đồng là dự án N04B1 Dịch Vọng đang hoàn thiện để bàn giao trong quý IV; 80 tỷ đồng là quyền sử dụng đất ở các dự án khác, còn lại là nguyên vật liệu xây dựng.

Theo Chủ tịch NTL Nguyễn Văn Kha, tồn kho lớn đang là lợi thế của NTL vì có sẵn lượng hàng hóa đón đầu thị trường đang sôi động lên từng ngày. Dòng tiền hoạt động trong quý II của NTL đã cải thiện nhiều nên Công ty không bị áp lực phải bán hàng. Chiến lược vẫn là được giá mới bán, như giai đoạn NTL chủ động ngừng bán hàng khi thị trường ảm đạm trước đây.

Nhưng với mức độ sôi động hiện tại của thị trường, NTL kỳ vọng sẽ bán hàng nhanh hơn trong 2 quý còn lại của năm và có triển vọng lợi nhuận đạt kế hoạch đặt ra.      

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục