Xin giới thiệu một số bài viết của Dr. Thanh đến bạn đọc. Hy vọng, đam mê và sự bền bỉ của vị doanh nhân gần 3 thập kỷ lập nghiệp sẽ tiếp thêm sức mạnh cho giới trẻ, nuôi dưỡng khát vọng kinh doanh, vượt qua chính mình.
Tôi quyết định chọn nền tảng minh bạch
Tôi từng nghĩ leo lên đỉnh Fansipan còn nhẹ nhàng hơn phải đôi co với dư luận, vì tôi không có thói quen bộc bạch tâm tư, kể cả với vợ và con. Nhưng sau vụ con ruồi, tôi bỗng ngộ ra, dư luận vô cùng hiểm ác, nhưng cũng vô cùng hữu ích. Vấn đề không phải dư luận xấu hay tốt, mà là mình ứng xử với dư luận như thế nào, tiêu cực hay tích cực.
Tôi có hỏi nhiều người: Làm gì để dư luận không chống lại mình? Ai cũng khuyên tôi đúng hai chữ: MINH BẠCH. Lúc đầu hơi dội, nhưng sau tôi thấy chí lí. Khi bị dư luận tấn công, chỉ có minh bạch mới cứu được mình. Mà cũng chẳng cần tới khi bị dư luận tấn công mình mới chịu minh bạch, nó phải là kim chỉ nam hàng ngày và suốt đời của tôi và của Tân Hiệp Phát.
Xưa làm ăn nhỏ lẻ tôi còn chẳng thèm bí mật mánh mung, giờ làm ăn lớn tại sao không dám minh bạch? Phương châm “Im lặng là vàng” như tôi đã làm xưa nay giờ mới thấy quá lạc hậu và nguy hiểm. Với cá nhân tôi thì ai nghĩ sao cũng được, hiểu thế nào cũng xong, nhưng giờ tôi đâu còn sống cho riêng tôi nữa, đã từ lâu cuộc sống của tôi chính là cuộc sống của 5.000 anh em THP với hàng vạn đầu mối tiêu thụ và sản xuất của THP.
Tôi lập ra trang web tranquithanh.vn là vì lẽ đó. Ở đó là tiếng nói chia sẻ chân tình của tôi, với anh em THP là tiếng nói tâm tình người nhà, với người tiêu dùng là tiếng nói bạn đồng hành, với tất cả là tình thương mến thương trên nền tảng MINH BẠCH mà tôi quyết thi hành.
Các bạn trẻ hãy mạnh dạn dấn thân
Mỗi lần đọc được thông tin tốt lành về giới trẻ Việt Nam khởi nghiệp thành công, tôi vui rộn ràng, quên hết cả mệt nhọc. Tính tôi vậy, người khen bảo có lòng, người chê bảo hâm, kệ vậy.
Đọc bài “3 doanh nhân Việt vào TOP gương mặt trẻ nổi bật châu Á”, thấy các cậu thanh niên bằng tuổi con tôi được Tạp chí Forbes đưa vào danh sách 300 người trẻ ở châu Á có khả năng tạo đột phá và thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp mình đang hoạt động, không thể không vui mừng.
Bạn Nguyễn Hải Ninh, 29 tuổi, sáng lập viên của 2 chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng tại Việt Nam - Urban Station và The Coffee House. Bạn Nguyễn Hoàng Hải, 26 tuổi, lập ra Canavi năm 2015, với mục tiêu kết nối phụ nữ với những công việc phù hợp với sức khỏe và khả năng. Chỉ trong 1 năm, nền tảng này đã có 20.000 người dùng. Nguyễn Hoàng Trung, 24 tuổi, sáng lập ứng dụng tìm quán ăn - Lozi năm 2012. Đến nay, nền tảng này đã có hơn 2.000 nhà hàng đăng ký tham gia và gần 3 triệu người dùng. Năm 2015, huy động được hàng triệu USD vốn đầu tư từ Golden Gate Ventures và DesignOne Japan. Quá nể!
Điều thú vị là cả ba bạn đều là doanh nhân khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm và có thành công bước đầu. Để được Tạp chí danh tiếng Forbes lựa chọn, giới thiệu không đơn giản, họ đã đánh giá rất cao khả năng của các bạn, tin tưởng vào con đường mà các bạn chọn và nhìn thấy được triển vọng của các bạn trong tương lai.
Tôi ấn tượng với bài nói chuyện tại Đài KBS Hàn Quốc về làm giàu của tỷ phú Jack Ma - người sáng lập và điều hành Tập đoàn Alibaba: “25 tuổi, bạn đừng lo. Mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho các bạn”. Tôi đã từng sai lầm khi bước vào khởi nghiệp ở lứa tuổi đó, không ai dạy tôi như Jack Ma dạy các bạn trẻ, bản tính gan lì đã giúp tôi bước qua được những sai lầm, để có được như ngày hôm nay.
Nguyễn Hoàng Trung, Nguyễn Hoàng Hải và Nguyễn Hải Ninh sẽ còn nhiều điều cho chúng ta chờ đợi, nhưng ngay hôm nay, các bạn đã tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác có khát vọng khởi nghiệp. Những ai còn e ngại, sợ hãi, toan tính thất bại hãy nhìn vào những tấm gương này để mạnh dạn dấn thân.
Kiến tạo một môi trường khởi nghiệp tích cực
Lâu nay, nhiều diễn đàn nói đến khởi nghiệp, nhưng phần lớn là đưa ra tranh luận khái niệm khởi nghiệp hoặc hướng dẫn các kinh nghiệm, kỹ năng về khởi nghiệp. Đọc bài “Môi trường khởi nghiệp tích cực” của Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, tôi rất tâm đắc và muốn góp thêm đôi lời.
“Xã hội nào, công dân đó”, một xã hội lành mạnh, cởi mở, khích lệ ý tưởng thì những công dân mới sáng tạo, mạnh dạn và đóng góp. Một xã hội có quá nhiều tiêu cực, tham nhũng thì công dân có những hành vi, suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn tích cực. Một xã hội có nhiều điều không minh bạch thì công dân không có niềm tin.
Vận điều đó vào trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ thấy không sai chệch chút nào. Một khi có nhiều điều không minh bạch thì sẽ có những doanh nghiệp giàu lên một cách nhanh chóng, nhưng trong đó có những trường hợp không “tích cực”. Hậu quả là không ít người từng là đại gia tiếng tăm trở thành tội phạm.
Một môi trường kinh doanh lành mạnh thì khó có thể sinh ra những tội phạm doanh nghiệp. Và sâu xa hơn cho vận mệnh quốc gia, dân tộc, đó là xây dựng một môi trường xã hội lành mạnh sẽ ảnh hưởng tích cực đến tư duy khởi nghiệp trong cộng đồng.
Theo tôi nghĩ, trong xã hội luôn có người tốt, kẻ xấu, vậy thì động cơ kiếm tiền xấu và tốt đều tồn tại, có điều, tỷ lệ giữa cái tốt và cái xấu phụ thuộc vào sự lành mạnh và văn minh của xã hội đó đến trình độ nào.
Hát tặng các đối tác trong “Ngày hội Kết nối giao thương” đầu tháng 10/2017, doanh nhân Trần Quí Thanh đã chọn bài Cát bụi. Những lời hát như một phần cuộc đời ông:
"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi"
Nhìn vào quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy có nhiều doanh nhân mang hoài bão, tâm huyết, muốn tạo ra sản phẩm có giá trị trong nước và quốc tế, đặt lợi ích xã hội và sự giàu có của quốc gia như một mục tiêu vươn tới, nhưng tỷ lệ thực hiện được ước mơ đó không nhiều. Bởi vì, còn có nhiều rào cản khiến cho doanh nghiệp bị trở ngại, bị mất sức, bị mấy ý chí và niềm tin.
Nếu như một Chính phủ liêm chính và kiến tạo được xây dựng thành công, thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển đột phá, nền kinh tế đất nước sẽ thay đổi nhanh chóng. Và quan trọng hơn, Chính phủ liêm chính và kiến tạo sẽ tạo ra môi trường tích cực, ươm mầm cho một thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp có đẳng cấp và phẩm giá, có đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, có khát vọng làm giàu chân chính và cống hiến cho đất nước.
Kiến tạo niềm tin là việc khẩn cấp trong lúc này
Nhiều bài phân tích, bình luận liên quan đến thông tin người Việt Nam bỏ ra 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ chỉ trong một năm từ 4/2016 - 3/2017, đa số ý kiến mang nỗi ưu tư, lo lắng trước một nguồn lực tài chính lớn bị tuồn ra khỏi quốc gia.
Câu hỏi đặt ra là vì sao công dân Việt Nam lại mua nhà và tìm cách định cư ở Mỹ và một số quốc gia khác. Có ý kiến cho rằng, mua nhà là một cách đầu tư sinh lợi nhuận, nhưng tôi nghĩ không phải như vậy. Ở Việt Nam, với thị trường bất động sản đang phát triển hiện nay, người ta có thể lựa chọn các phân khúc khác nhau để đầu tư, không nhất thiết phải xách gói chạy sang Mỹ.
Tôi nhớ có viết bài “Doanh nghiệp cần một môi trường kinh doanh an toàn”, đặt vấn đề về an toàn tài sản, an toàn thương hiệu, an toàn sở hữu trí tuệ, an toàn về truyền thông. Hiện nay, doanh nghiệp có tự tin là được bảo vệ an toàn như vậy không? Sự ra đi của những đồng đô la là câu trả lời, họ sợ không an toàn, có thể còn nhiều nguyên nhân khác, nhưng phải đặt ra nguyên nhân “mất an toàn” để suy xét.
Doanh nhân đem tiền đi đầu tư ở các thị trường, chuyển tiền công khai, minh bạch, tìm kiếm lợi nhuận, làm nghĩa vụ thuế là việc bình thường, đáng khuyến khích.
Nhưng khi người giàu không bỏ tiền đầu tư kinh doanh trong nước, mà tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài nhằm mục đích bảo đảm an toàn tài sản, hoặc kinh doanh trong môi trường an toàn hơn, thì đó là mối lo. Nếu xu hướng này ngày càng tăng, thì mất đi nguồn lực tài chính rất lớn để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Cho nên, bên cạnh kiến tạo các chính sách phát triển, cần phải kiến tạo niềm tin, một việc làm khẩn cấp trong lúc này.