Tuy nhiên, công cuộc tìm kiếm vẫn gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế rằng, bất cứ ai trở thành CEO kế tiếp của Uber đều sẽ phải gánh trên vai những trách nhiệm nặng nề.
Vị CEO mới này sẽ kế thừa một công ty đang gặp khó khăn trên hàng trăm mặt trận: Văn hóa nơi làm việc bị phá vỡ, tinh thần nhân viên sa sút, một loạt các vị trí chủ chốt điều hành công ty bị bỏ trống.
Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt với các cáo buộc “qua mặt chính quyền” hay các vụ kiện quấy rối tình dục, vụ kiện sở hữu trí tuệ với Waymo (công ty con của Google) về việc cựu nhân viên của Waymo đã tiết lộ về công nghệ xe hơi tự lái cho Uber.
Đồng thời, việc tìm người thay thế cho vị trí của cựu CEO Kalanick cũng sẽ khá phức tạp, bởi thực tế Kalanick không thực sự rời khỏi Uber. Vai trò của ông trong hội đồng quản trị không thay đổi. Kalanick hiện vẫn đang được coi là thành viên chính thức của hội đồng quản trị.
Cựu CEO vẫn còn một số lượng lớn cổ phần và có sức ảnh hưởng, quyền biểu quyết trong các cuộc họp, cho phép ông kiểm soát phần lớn các hoạt động của công ty.
Những thất bại và các vụ bê bối của Uber dưới thời ông Kalanick là một trong số những nguyên nhân khiến ông phải từ chức. Việc trở thành CEO của một công ty lớn là điều mà ai cũng mong muốn; nhưng trong tình cảnh hiện tại, liệu có ai đủ can đảm và bản lĩnh để ngồi vào vị trí CEO của Uber đầy chông gai này? Ai là người có thể khiến Uber trở về thời hoàng kim?
John Thompson, một chuyên gia tìm kiếm các nhà lãnh đạo phù hợp cho các công ty tại thung lũng Silicon, người đã tìm được Tim Cook cho Apple và Eric Schmidt cho Google chia sẻ rằng, ông đã cảm thấy rất khó khăn khi được ban giám đốc của Uber giao cho nhiệm vụ tìm kiếm người thay thế Travis Kalanick.
Theo Thompson, một CEO phù hợp để dẫn dắt Uber không cần phải là một thiên tài, mà chỉ cần “đủ trí tuệ” để nắm bắt được công nghệ và hiểu được tiềm năng của công ty, đồng thời phải tự nhận thức đầy đủ về những hạn chế của mình và biết cách thu hút nhân tài để cân bằng những điểm yếu đó.
Ông lấy ví dụ, đồng sáng lập kiêm CEO Apple Steve Jobs không biết gì về chuỗi cung ứng, đó là lý do ông đã thuê Tim Cook từ nhà sản suất PC Compaq vào cuối những năm 90.
Bên cạnh đó, CEO kế tiếp của Uber sẽ cần phải chú ý đến các nhà đồng sáng lập của công ty, trong đó có Kalanick. Người được ngồi vào vị trí này cũng cần phải tìm mọi cách bù đắp những tổn thất của Uber, đặc biệt là khi công ty đang đốt tiền vào việc mở rộng quy mô trên toàn thế giới.
Trong khi ban giám đốc của Uber đòi hỏi việc lấp chỗ trống của CEO phải được tiến hành khẩn trương, Thompson lại đề xuất rằng nên dành thời gian xem xét kỹ lưỡng, bởi Uber vẫn còn chưa bước lên sàn chứng khoán, chưa chịu sự kiểm soát của phố Wall. Thompson lưu ý rằng, Google đã từng phỏng vấn tới 30 ứng cử viên trong suốt 1 năm, trước khi chọn ra được Eric Schmidt.
Thompson cho biết, ông sẽ tiến hành một cuộc tìm kiếm rộng rãi, đồng thời xem xét những người tiềm năng ở mọi lứa tuổi và kinh nghiệm trong ngành. Đặc biệt, ông tin rằng, các công ty công nghệ thường có xu hướng “bỏ quên” những CEO cũ và đã nghỉ hưu.
“Tuổi tác là định kiến lớn nhất ở thung lũng Silicon, thậm chí còn lớn hơn cả định kiến với phụ nữ và các thành phần thiểu số”, Thompson nói.
Hiện tại, một số ứng cử viên tiềm năng cho vị trí CEO mới của Uber bao gồm những cái tên như: Bà Sheryl Sandberg (COO Facebook), bà Meg Whitman (CEO Hewlett Packard - HP), bà Susan Wojcicki (CEO Youtube), ông Alan Mulally (cựu CEO Ford), ông John Donahoe (cựu CEO eBay)…