Công ty đại chúng: Sau 100 cổ đông và 10 tỷ đồng sẽ là gì?

(ĐTCK) Dự thảo Luật Chứng khoán đưa ra quy định mới về công ty đại chúng và nếu được chấp thuận từ năm 2019, Việt Nam sẽ có nền tảng pháp lý về công ty đại chúng cao hơn.
Sẽ có nhiều công ty vui mừng vì bị buộc hủy niêm yết theo luật để thoát khỏi hàng loạt ràng buộc, nghĩa vụ của một công ty đại chúng. Sẽ có nhiều công ty vui mừng vì bị buộc hủy niêm yết theo luật để thoát khỏi hàng loạt ràng buộc, nghĩa vụ của một công ty đại chúng.

Bất cập từ quy định hiện hành

Ði kèm với công ty đại chúng là hàng loạt nghĩa vụ phải thực hiện, đặc biệt là các nghĩa vụ về công khai, minh bạch. Tuy vậy, nhiều năm qua, vẫn còn những tranh cãi, hiểu nhầm có thể vô tình, hay cố ý về quy định này.

Ðiều 25, Luật Chứng khoán hiện hành quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: (i) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; (ii) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; (iii) Công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Như vậy, công ty thuộc 1 trong 3 loại trên là công ty đại chúng. Về cơ bản, đối với loại hình công ty niêm yết và công ty có 100 cổ đông không kể cả nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên, việc thực hiện các nghĩa vụ khá rõ ràng. Vấn đề thường phát sinh ở nhóm công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Thị trường hiện có rất nhiều công ty đại chúng hình thành từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do đã thực hiện IPO - chào bán ra công chúng, các doanh nghiệp này nghiễm nhiên trở thành công ty đại chúng và chỉ cần thêm một thủ tục gửi văn bản thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) biết để quản lý.

Vấn đề là nếu đã quy định về loại hình công ty đại chúng thì để hủy tư cách công ty đại chúng của một doanh nghiệp, doanh nghiệp này phải không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện đó nữa.

Nhưng với trường hợp công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thì việc xác định công ty ấy không còn tuân thủ điều kiện này như thế nào, khi họ đã tiến hành?

Thực tiễn, nhiều doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng qua quá trình IPO đã vận dụng quy định về “100 cổ đông và 10 tỷ đồng vốn điều lệ” để rút công ty đại chúng. Việc này giúp doanh nghiệp không phải thực hiện hàng loạt các nghĩa vụ với thị trường và thậm chí, cổ đông lớn có thể thực hiện nhiều quyết sách gây tổn hại cho các cổ đông nhỏ khác.

Chẳng hạn như trường hợp một công ty thiết bị y tế tại Hà Nội bị sáp nhập vào tổng công ty mẹ xảy ra năm 2018 vừa qua. Công ty con có hiệu quả trong ngành nghề kinh doanh cốt lõi, sản phẩm có thương hiệu được chấp nhận ở những thị trường khó tính, đòi hỏi cao như Nhật Bản, lợi nhuận xấp xỉ vốn điều lệ...

Trong khi đó, tổng công ty mẹ lợi nhuận thấp, hoạt động lõi không hiệu quả. Khi nội dung sáp nhập công ty con vào công ty mẹ được đưa ra, cổ đông cả hai bên đều phản ứng vì cho rằng quá trình sáp nhập không minh bạch, cần định giá các tài sản của cả hai bên để có cơ sở xác định tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu.

Nhóm cổ đông nhỏ cho rằng, cả hai công ty đều là công ty đại chúng, do đó phải tuân thủ các quy định về công ty đại chúng, ví dụ khi chuyển nhượng trên 25% cổ phần thì phải chào mua công khai, công ty kiểm toán trong vòng 2 năm gần nhất không được thực hiện định giá tài sản, phát hành riêng lẻ để hoán đổi cổ phiếu phải xin phép Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước...

Trong khi đó, nhóm cổ đông lớn đang nắm quyền điều hành cho rằng, doanh nghiệp có dưới 100 cổ đông cá nhân nên không còn là công ty đại chúng, không phải thực hiện các quy định trên. Thực tế, công ty đã sử dụng công ty kiểm toán để định giá tài sản, chuyển nhượng trên 40% cổ phần không qua chào mua công khai...

Như vậy, vấn đề công ty đại chúng hay không đại chúng trở thành cơ sở pháp lý quan trọng ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các bên. 

Cần lưu ý nguyên tắc không hồi tố

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), trong đó có nhiều thay đổi lớn bao gồm quy định về công ty đại chúng. Ðiều 30, Dự thảo Luật quy định công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc 1 trong 2 loại hình sau: (i) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 20% vốn điều lệ đã góp do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết nắm giữ; (ii) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Có thể thấy, quy định về công ty đại chúng có sự thay đổi rất lớn. Cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định này sẽ khiến các công ty “đại chúng” thực chất hơn, tránh tình trạng “kiếm” đủ 100 cổ đông bằng cách phân phối cổ phiếu cho người lao động hoặc nhờ người đứng tên. Ðây được cho là bước đi tiệm cận với thông lệ quốc tế vì đảm bảo được số lượng và cơ cấu cổ đông. Mặc dù quy định thêm về cơ cấu chưa thể đảm bảo chấm dứt tình trạng đại chúng "ảo", nhưng kỳ vọng tạo thêm rào cản để hạn chế việc này.

Việc cơ quan soạn thảo đưa thêm những ràng buộc để việc trở thành công ty đại chúng khó khăn hơn có nguyên nhân nhất định. Nhưng xét đến tác động đối với tình hình hiện tại, nhiều cổ đông rất lo ngại cho số cổ phiếu họ đang nắm giữ, bởi nếu công ty niêm yết không đáp ứng được các điều kiện này thì sẽ bị hủy niêm yết.

Ðiều 135.4 của Dự thảo đưa ra quy định chuyển tiếp yêu cầu các doanh nghiệp đã niêm yết phải đáp ứng điều kiện về vốn và cơ cấu cổ đông trong vòng 2 năm kể từ khi luật này có hiệu lực. Nếu sau 2 năm mà không đáp ứng thì doanh nghiệp sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng theo Ðiều 37 của Dự thảo.

Dù có điều khoản chuyển tiếp, các cổ đông vẫn không khỏi lo lắng, bởi với các công ty mong muốn bám sàn thì thời gian 2 năm có lẽ là đủ để họ tăng vốn điều lệ, tăng hiệu quả kinh doanh, thu hút thêm nhà đầu tư. Vấn đề nằm ở chỗ những công ty chỉ ngồi yên chờ rời sàn.

“Sẽ có nhiều công ty vui mừng vì bị buộc hủy niêm yết theo luật để thoát khỏi hàng loạt ràng buộc, nghĩa vụ của một công ty đại chúng. Và như vậy sẽ tạo thêm những khoảng trống thiếu minh bạch, tù mù trên thị trường”, một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ.

Quy định về công ty đại chúng còn liên quan đến việc chào bán chứng khoán ra công chúng. Theo đó, điều kiện chào bán bao gồm vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, tối thiểu 20% vốn điều lệ phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông sở hữu từ 1% cổ phần trở lên; vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 15% vốn điều lệ; vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10%.

Trong văn bản góp ý cho Dự thảo Luật, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc bảo đảm năng lực tài chính của công ty đại chúng là phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán. Nhưng VCCI khuyến cáo phải hết sức cân nhắc về việc áp dụng quy định mang tính hồi tố như vậy.

Theo thuyết minh của cơ quan soạn thảo, hiện tại có 1.954 công ty đại chúng và có 18,4% (tương ứng 360) công ty đại chúng không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ.

Các doanh nghiệp này sẽ có 2 năm để tăng vốn lên 30 tỷ đồng hoặc sẽ bị huỷ tư cách công ty đại chúng. Chính sách này sẽ có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các cổ đông đang nắm giữ chứng khoán của các doanh nghiệp này. Trong khi bản thân những doanh nghiệp kể trên không hề có hành vi vi phạm pháp luật, không gây tác động xấu đến thị trường.

VCCI khuyến nghị, quy định mới chỉ nên áp dụng cho những doanh nghiệp niêm yết sau khi luật này có hiệu lực, không nên áp dụng đối với những doanh nghiệp đã niêm yết.

Trong khi đó, chia sẻ từ một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường cho rằng, không nên áp dụng quy định hồi tố bởi việc hồi tố đối với trường hợp này sẽ khiến hàng loạt nhà đầu tư chịu ảnh hưởng. Hoặc ít nhất cần có quy định riêng đối với trường hợp các công ty đã đại chúng hóa qua quá trình IPO và sau đó niêm yết nhằm đảm bảo quyền lợi và niềm tin của nhà đầu tư.

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục