Cuối tháng 11, CTCK Phú Hưng và CTCK Yuanta Việt Nam đều bị phạt 125 triệu đồng. Ngày 25/11/2019, UBCK xử phạt tương tự đối với CTCK Beta.
Trước đó, công ty này bị xử phạt do vi phạm quy định về cho vay ký quỹ vào cuối tháng 12/2018. Chứng khoán Sen Vàng cũng bị phạt vì lỗi margin, không chỉ có vậy, Sen Vàng còn bị phạt do có nhiều vi phạm quy định về hoạt động của CTCK…
Nếu như các CTCK nhỏ mắc sai phạm có thể do hệ thống quản trị rủi ro chưa tốt hoặc chưa chuyên nghiệp, vậy các CTCK lớn mắc lỗi vì sao?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Chứng khoán Yuata Việt Nam cho biết, lỗi bị phạt phát sinh từ thời điểm tháng 12/2017, trước khi Công ty chính thức đổi tên và tiếp quản từ các cổ đông cũ (thời điểm chính thức đổi tên là 13/2/2018). Tuy nhiên, năm 2019, UBCK mới thực hiện thanh tra định kỳ, nên lỗi bị xử phạt vào thời điểm hiện nay.
Lãnh đạo công ty này chia sẻ, khi mua lại CTCK Đệ Nhất, Yuanta Việt Nam đã tiến hành thực hiện các biện pháp khắc phục các lỗi vi phạm bên cạnh lộ trình tăng vốn của Công ty.
Đồng thời, Yuanta Việt Nam đã xây dựng và triển khai các hệ thống phần mềm quản lý, ban hành các quy trình nội bộ để kiểm soát chặt chẽ các hạn mức về giao dịch ký quỹ, hạn chế phát sinh sai sót.
Về phía CTCK Phú Hưng, Công ty cho biết, lỗi vi phạm xảy ra từ năm 2017. Công ty đã khắc phục toàn bộ các lỗi vi phạm và không phát sinh vi phạm mới tương tự.
Còn CTCK Beta đã lên tiếng với truyền thông về việc chấn chỉnh, thông qua việc kiểm soát rủi ro, cải thiện tỷ lệ an toàn tài chính (hiện đạt trên 250% - mức đảm bảo an toàn cho triển khai giao dịch ký quỹ theo quy định). Căn cứ vào thực tế này, Công ty đã kiến nghị UBCK xem xét cho phép được giao dịch ký quỹ trở lại.
Dòng tiền margin có vai trò quan trọng, là “đòn bẩy” giúp nhà đầu tư gia tăng khả năng giao dịch và thị trường có cơ hội trở nên sôi động hơn. Ngược lại, khi sử dụng quá đà, thiếu chiến lược, sẽ gây hệ lụy tiêu cực.
Không khó để tìm ra những phiên giao dịch bị “náo loạn”, giảm sâu bởi áp lực phải bổ sung ký quỹ (call margin) hoặc bị bán giải chấp trên diện rộng.
Quan sát thị trường cho thấy, tình trạng vi phạm margin diễn ra khá phổ biến ở nhiều CTCK, kể cả các công ty tốp đầu, nhưng chỉ lộ ra sau mỗi đợt thanh tra của UBCK.
Nhiều công ty không rõ do lỗi kỹ thuật hay cố ý, thậm chí còn gửi email tới khách hàng thông báo về việc cho vay trên mã chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết 6 tháng.
Theo quy định hiện hành, các CTCK được cho vay margin đối với những cổ phiếu trong danh sách được Sở giao dịch chứng khoán quyết định và tỷ lệ cho vay được giới hạn là 50% (nhà đầu tư được vay tối đa 50% giá trị tài sản bảo đảm).
Tuy nhiên, những lời mời chào hấp dẫn từ các môi giới vẫn được tung ra, với tỷ lệ 2:8 (tài sản bảo đảm giá trị 2 đồng, được vay 8 đồng), hay 3:7 (tài sản bảo đảm giá trị 3 đồng, được vay 7 đồng). Với các mã trong rổ VN30, hay bluechip thường sẽ được ưu ái cho vay hơn; những cổ phiếu khác được cho vay với tỷ lệ thấp hơn, nhưng cũng tùy vào “câu chuyện” của mỗi mã.
Cũng không khó để nhìn ra, cho vay margin là mảng mang lại doanh số và lợi nhuận lớn cho CTCK, nhất là ở các công ty chưa mạnh về các mảng khác như phân tích, ngân hàng đầu tư. Vì vậy, để đẩy doanh số của 2 mảng này, khá nhiều CTCK “bất chấp” vi phạm hay rủi ro.
Việc vi phạm margin có thể mang lại lợi ích trước mắt cho các công ty “dám làm”, nhưng tạo nên hệ lụy xấu khi tạo ra môi trường cạnh tranh ngầm, cạnh tranh không bình đẳng giữa các CTCK. Hệ lụy xấu hơn cả là việc nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro cao hơn rất nhiều khi nghe lời mời của các môi giới, sử dụng margin với tỷ lệ vượt khung.
Đây là lý do khiến nhiều người cay đắng thua lỗ mỗi khi thị trường chứng khoán giảm điểm. Để hạn chế tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, UBCK phải giám sát mạnh hơn và thường xuyên hơn hoạt động margin. Không thể để lỗi vi phạm quá lâu mới bị thanh tra, xử phạt, đồng thời không thể để chế tài xử phạt quá thấp như hiện tại.