Công ty chứng khoán "đánh kho ngoài" lấy siêu margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quy định trần cho vay giao dịch ký quỹ (margin) là 50%, nhưng một số công ty chứng khoán có cách “đôn” tỷ lệ này lên mức cao hơn nhiều nhằm thu hút nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư mong muốn được nới tỷ lệ cho vay ký quỹ. Nhiều nhà đầu tư mong muốn được nới tỷ lệ cho vay ký quỹ.

Mời đánh kho ngoài

Trên một nhóm chat zalo gồm hơn 400 nhà đầu tư và nhân viên môi giới chứng khoán, tài khoản Hùng Vũ đăng đoạn thông báo: “Công ty chứng khoán X mới ra mắt app giao dịch và mở tài khoản online hiện đại, dễ sử dụng. Sản phẩm này có phí giao dịch 0,15%, lãi suất margin 9,9 - 10,4%/năm, tỷ lệ margin là 3:7 (ký quỹ 30%, vay 70%) với danh mục gần 300 mã. Ngoài ra, công ty có kho margin cao, tỷ lệ 2:8 cho tất cả các mã…”.

Có người băn khoăn, tỷ lệ margin cao như thế là phạm luật, nhưng được Hùng giải thích: “Đánh kho ngoài, tên cá nhân, nộp tiền cọc thôi, không phải margin công ty”.

Nhà đầu tư Nguyễn Minh Anh tại Hà Nội cho biết, chị rất quan tâm đến lời mời chào nói trên. Trong đợt thị trường tăng điểm mạnh hồi tháng 5, tháng 6/2021, chị ước có nhiều tiền để đầu tư nhiều hơn, hoặc được cho vay margin nhiều hơn tỷ lệ 5:5.

“Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường hiện nay, tôi mới chỉ đang nghiên cứu chứ chưa dám sử dụng các kho ngoài, bởi tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ mang lại rủi ro lớn nếu giá đảo chiều”, chị Minh Anh nói.

Về rủi ro khi sử dụng margin cao, nhà đầu tư Phạm Trung Thành chia sẻ, cách đây vài năm, anh “điên cuồng” lướt sóng bằng vốn vay margin tỷ lệ 3:7, thậm chí 2:8 từ kho ngoài.

“Khi thị trường tốt lên, lợi nhuận ra sao thì hầu như ai cũng tính toán được, nhưng khi thị trường giảm, mức lỗ có thể không giới hạn. Có thời điểm, tôi phải vay tín dụng đen bên ngoài để xử lý cơn khát margin mà mình đã vay trong kho trước đó. Ngoài khoản lỗ do giá cổ phiếu giảm thì lãi suất chồng lãi suất rất khủng khiếp”, anh Thành nhớ lại.

Vay tiền và cổ phiếu

Theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh chứng khoán, tỷ lệ cho nhà đầu tư vay ký quỹ ban đầu do công ty chứng khoán quy định, nhưng không được cao hơn 50%, tức tỷ lệ ký quỹ tối thiểu là 50%. Thế nhưng, nhằm giải phóng nguồn lực về vốn, không ít công ty chứng khoán đã xé rào cho vay với tỷ lệ cao hơn.

Thậm chí, để thu hút nhà đầu tư và gia tăng lợi nhuận, có những công ty chứng khoán không ngần ngại sử dụng các kho ngoài, mặc dù chúng đem lại không ít rủi ro cho chính công ty.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bản chất của kho ngoài chính là hoạt động ứng tiền trước để cho nhà đầu tư vay, giống như ngân hàng cho vay ba bên.

Đối với những công ty chứng khoán có ngân hàng đứng sau thì họ sử dụng kho margin từ vốn ngân hàng để cho vay; công ty chứng khoán không có ngân hàng đứng sau thì dùng kho của chính công ty. Cả hai đối tượng này vẫn có thể có sử dụng kho ngoài, nhất là khi mức độ “liều” của kho ngân hàng không bằng kho ngoài, do ngân hàng không chấp nhận rủi ro cao.

Ông Minh cho biết, để được vay margin với tỷ lệ 3:7, hoặc 2:8, thậm chí 1:9, nhà đầu tư buộc phải chọn đầu tư những cổ phiếu nằm trong danh mục cho vay của công ty chứng khoán, đa phần là cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo, ví dụ doanh nghiệp có lỗ luỹ kế, chứng khoán bị hạn chế giao dịch…

Ngân hàng không chấp nhận rủi ro cao, nhưng các công ty chứng khoán không ngại, bởi vì kho mang lại lãi suất cao, nhất là kho ngoài, trong khi nhà đầu tư được yêu cầu quay vòng giao dịch nhiều, mà càng quay vòng thì càng ra phí giao dịch.

Lưu ý, việc sử dụng kho ngoài để cho vay margin vượt trần quy định là phạm pháp, tiềm ẩn rủi ro cho cả công ty chứng khoán (nếu bị phát hiện, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phạt rất nặng) lẫn nhà đầu tư (thị trường giảm điểm, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao sẽ lỗ lớn).

Ngoài ứng tiền trước, cho vay kho còn cho vay hàng, tức cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán.

Ông Minh cho biết thêm, cho vay kho có độ linh động cao. Ngoài ứng tiền trước, cho vay kho còn có nghiệp vụ ngược lại là cho vay hàng, tức là cho nhà đầu tư vay một lượng cổ phiếu nào đó để bán (gọi là bán khống), chờ đến khi giá giảm thì mua lại và trả hàng cho kho. Mức chênh lệch sau khi trừ lãi vay là lợi nhuận của nhà đầu tư. Tất nhiên, nếu cổ phiếu đó lên giá thì… thôi rồi.

“Cái này cũng là phi pháp. Luật Chứng khoán đã có định nghĩa về bán khống, nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn”, vị chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán khác cho hay, vì vấn đề an toàn, có những kho ngoài mọc lên ngay trong công ty chứng khoán mà người nội bộ không hề hay biết. Kho ngoài kiểu này thường dành cho dân siêu lướt sóng.

Nhà đầu tư thông thường mua vào cổ phiếu rồi chờ giá lên như kỳ vọng thì bán, nhưng với dân siêu lướt sóng, vốn có 10 tỷ đồng thì 9 tỷ đồng do vay kho, chỉ cần giá tăng 1 - 2 line (100 - 200 đồng/cổ phiếu) cũng lãi “khủng”. Chính vì thế, họ thích sử dụng kho để đầu cơ những cổ phiếu có nhiều biến động, thanh khoản cao, dễ vào và dễ ra.

Trường hợp thị trường đi xuống, mức độ “tàn sát” của kho cho vay cũng khủng khiếp. Giai đoạn 2014 - 2015, một nhà đầu tư bán khống từ kho, khi cổ phiếu lao dốc, mất thanh khoản đã phải vay tín dụng đen với lãi suất 1%/ngày để trả cho kho, hậu quả là vỡ nợ 25 tỷ đồng.

Kiến nghị nâng margin cho cổ phiếu lớn

Đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, nhiệm vụ cấp bách chống dịch khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế gặp thách thức, song vẫn có những phân tích lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, giai đoạn cuối quý II/2021, thị trường chứng khoán tăng nóng với sự đổ bộ của lực lượng nhà đầu tư mới, dòng tiền tăng cường chảy vào chứng khoán giúp thanh khoản nhiều phiên đạt trên 1 tỷ USD, kéo theo đó là “cơn khát” margin tại hầu hết công ty chứng khoán.

Mới đây, trong báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) đề xuất nâng tỷ lệ cho vay margin từ 50% lên 70%, với kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn và các công ty chứng khoán giải phóng nguồn lực.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nêu quan điểm: Việc nâng tỷ lệ margin lên 70% như đề xuất của VFCA có thể nghiên cứu dần từ bây giờ, nhưng chưa thể thực hiện ngay, mà cần có lộ trình. Tăng margin sẽ tăng được vốn đầu tư, thanh khoản, vòng quay vốn, nhưng cũng có rủi ro, trường hợp nhà đầu tư thiếu tài sản để bổ sung, phải đi vay nóng thì rất nguy hiểm.

“Một số nước trong khu vực đã có quy định tỷ lệ margin 70%, nhưng thị trường chứng khoán của họ phát triển trước mình hàng chục năm, có tính chất ổn định, mức độ chuẩn hoá, công khai, minh bạch và mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư cũng cao hơn”, ông Lực nhận xét.

Theo đó, lộ trình tăng margin không thể quá sớm. Từ nay đến năm 2023, nếu thị trường thuận lợi, mức độ chuẩn hoá, công khai, minh bạch đạt yêu cầu cao, thì có thể tăng tỷ lệ margin lên 60%, sau đó tiến tới 70%.

Về vấn đề lách luật “đánh kho ngoài”, ông Lực cho rằng, đó là hiện tượng khó tránh khỏi đối với những thị trường có sự tăng trưởng nóng. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát để các công ty chứng khoán tuân thủ pháp luật, minh bạch hoạt động.

Dưới góc độ công ty chứng khoán, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, tỷ lệ margin cho phép là 5:5, nhưng thực tế có những công ty tìm cách nâng lên 6:4, 7:3. Đề xuất tăng tỷ lệ margin của VFCA là hợp lý và phù hợp nhu cầu thị trường, vấn đề còn lại là cơ chế kiểm soát việc ký quỹ, thanh toán…

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên tách ra một nhóm cổ phiếu tốt để cấp margin cao, ví dụ nhóm VN30 hay VN50, đánh giá theo tiêu chí vốn hoá lớn hoặc tiêu chí nào đó do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quyết định.

“Không nên để toàn thị trường áp dụng mức margin cao, như thế cổ phiếu kém chất lượng có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Tuấn nói.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục