Cẩn trọng với khối margin 112.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng giá trị cho vay giao dịch ký quỹ (margin) trên toàn thị trường hiện lên tới 112.000 tỷ đồng. Tình hình sẽ trở nên rất tồi tệ nếu một lượng lớn hàng margin được xả ra trong những ngày tới. Vì vậy, sẽ là khôn ngoan nếu nhà đầu tư mạnh bạo ‘xuống tàu’ để bảo vệ tài sản của mình khi chưa quá muộn.
Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Hôm nay là ngày thứ hai liên tiếp VN-Index giảm điểm. Nếu như trong ngày hôm qua chỉ số này chỉ mất đi 15 điểm thì trong phiên hôm nay đã mất thêm tới 39 điểm (2,86%) với 321 mã giảm giá, 94 mã tăng giá và 40 mã giữ giá tham chiếu. Như vậy là chỉ trong 2 ngày qua VN-Index đã giảm tổng cộng 54 điểm (3,95%).

Tình hình với VN30 còn thê thảm hơn. Hôm nay chỉ số này mất tới 45 điểm (3%) với 26 mã giảm và chỉ có 4 mã tăng giá. Toàn bộ các mã ngân hàng trong VN30 đều giảm điểm mạnh.

Tổng cộng 2 phiên giao dịch vừa qua VN30 đã mất đi 70 điểm (giảm 4,58%) và lấy đi toàn bộ thành quả của 8 phiên giao dịch trước đó.

Tổng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE hôm nay đạt 30,3 ngàn tỷ đồng, trong đó có tới 16,7 ngàn tỷ đồng thuộc về nhóm VN30. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận thì hôm nay giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt gần 36 ngàn tỷ đồng.

Việc VN-Index điều chỉnh mạnh đã kéo theo tâm lý tiêu cực lan tỏa trên cả sàn HNX và UpCom. Hôm nay sàn HNX giảm 12 điểm (3,82%) trong khi sàn UpCom giảm 2,78 điểm (3,12%). Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn này hôm nay đạt 7.800 tỷ đồng.

Như vậy, tính chung trên cả 3 sàn thì giá trị giao dịch toàn thị trường trong phiên hôm nay đạt gần 44 ngàn tỷ đồng, tức gần 2 tỷ USD.

Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh thì mọi con mắt của nhà đầu tư đang đổ dồn vào biến động giá của nhóm cổ phiếu thuộc rổ VN30, bởi đây là các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index và mang tính dẫn dắt thị trường.

Nếu nhìn vào từng mã cổ phiếu trên VN30 thì nhóm ngân hàng sau một thời gian tăng nóng quá mức lại là nhóm chịu thiệt hại nhiều nhất. Ngoại trừ VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng trong 2 ngày qua chỉ giảm có 0,3%, còn lại hầu hết các ngân hàng đều giảm tổng cộng khoảng 8-10%.

Giảm mạnh nhất là 2 mã STB và MBB. Hai cổ phiếu này đã mất đi tới 10% thị giá trong vòng 2 ngày qua. Thậm chí hôm nay STB còn đóng cửa ở mức giá sàn và dư bán sàn tới gần 4,3 triệu đơn vị.

Những nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu ngân hàng HDBank, ViettinBank hay Tiên Phong Bank cũng gánh chịu sự mất mát đáng kể, từ 8-10 % giá trị (Xem bảng dưới). Hôm nay cổ phiếu HDB rất may mắn mới thoái khỏi việc đóng cửa ở mức giá sàn khi mức giảm chỉ dừng lại ở mức 6,78%, chỉ đứng sau STB.

Có lẽ cần phải nhắc lại là những ngày gần đây các công ty chứng khoán và những môi giới chứng khoán dày dạn kinh nghiệm thương trường đều khuyến nghị khách hàng giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngành này (cùng với cổ phiếu chứng khoán và thép) khi cổ phiếu còn đang trong giai đoạn tăng giá, trước bối cảnh những cổ phiếu này đã tăng giá quá mạnh trong một thời gian ngắn, bất chấp qui mô vốn hóa và sức khỏe tài chính ra sao.

Thậm chí các nhà đầu tư còn được khuyến nghị không sử dụng margin trong giai đoạn này để tránh việc bị buộc phải bán cổ phiếu ra để thanh toán tiền vay margin cho công ty chứng khoán khi vi phạm tỷ lệ an toàn.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, nếu quan sát kỹ sẽ thấy ở thời điểm giá cổ phiếu BID còn đang giao động quanh mức 46.5 - 47 thì đã có lệnh bán ra với khối lượng cả chục ngàn đơn vị cổ phiếu này ở mức giá sàn (45.6).

Đây rõ ràng là dấu hiện cho thấy nhà đầu tư nào đó đã bị công ty chứng khoán bán cổ phiếu này ra một cách quyết liệt để thu hồi nợ vay.

Có một điểm mà nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là khối lượng margin mà các công ty chứng khoán đang cho khách hàng vay hiện đã lên tới 112 ngàn tỷ đồng.

Nếu thị trường tiếp tục điều chỉnh sâu, một lượng lớn hàng sẽ được các công ty chứng khoán mang ra bán, thường là với mức giá sàn. Khi đó sẽ không có dòng tiền nào đủ lớn để lao vào ‘cứu giá’ thị trường và rất có thể tình trạng ‘múa bên trăng’ (trắng bên mua) trong nhiều ngày sẽ diễn ra.

Nga Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục