Chốt lời…
Theo dữ liệu của FiinPro, trong tháng 4/2021, khối tự doanh công ty chứng khoán mua vào 194 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, trị giá 8.406 tỷ đồng, trong khi bán ra 232 triệu cổ phiếu, trị giá 9.084 tỷ đồng; khối lượng bán ròng là 38,3 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 677,4 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, khối tự doanh bán ròng 2.020 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý I/2021 của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, tổng doanh thu hoạt động đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 133%; lợi nhuận sau thuế đạt 482 tỷ đồng, tăng 724% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mảng kinh doanh mang lại doanh thu cao nhất là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đạt 423,4 tỷ đồng, tăng 239% so với cùng kỳ.
Tương tự, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế 321,8 tỷ đồng trong quý I/2021, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp lớn của hoạt động tự doanh khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ lên tới 627,9 tỷ đồng, gấp 2,86 lần cùng kỳ.
Trong quý đầu năm 2021, HSC đã thực hiện chốt lãi mạnh ở danh mục tự doanh. Công ty đã thoái hết các khoản đầu tư vào VIC (giá gốc 78,79 tỷ đồng), VNM (87,54 tỷ đồng), VCB (50,04 tỷ đồng), MBB (49,32 tỷ đồng), đồng thời giảm mạnh tỷ trọng đầu tư vào HPG, VPB, TCB, FPT, MWG… Danh mục tự doanh cổ phiếu tính đến cuối quý I theo giá gốc giảm gần 1.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Lãnh đạo HSC cho biết, trong năm 2021, hoạt động tự doanh của Công ty sẽ mở rộng trên thị trường phái sinh, tăng quy mô phát hành chứng quyền có bảo đảm, song song với điều chỉnh chiến lược cho hoạt động đầu tư cổ phiếu.
Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, khối tự doanh bán ròng trong 4 tháng đầu năm không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Trung bình, giá trị bán ròng chỉ đạt 30 - 40 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, dư nợ margin ở không ít công ty chứng khoán trong quý I/2021 tăng hơn 20%, gấp nhiều lần con số bán ròng.
… Vì thận trọng
Tự doanh khối công ty chứng khoán hiện nay không chỉ đầu tư tài chính thuần túy như các năm trước, mà còn sử dụng tài khoản tự doanh để tạo lập thị trường (market maker) cho chứng quyền có bảo đảm và các quỹ chỉ số như VN30, VNDiamond.
Với các công ty thực hiện nghiệp vụ phái sinh và chứng quyền, tỷ trọng hoạt động phòng hộ (hegde) và đầu cơ chênh lệnh giá (arbitrage) được nâng lên.
Ngoài một số phiên giảm mạnh trong tháng 1, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng, không ít cổ phiếu trong danh mục tự doanh có giá tăng cao, khiến đa số công ty chứng khoán bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.
Mặc dù đánh giá thị trường vẫn có triển vọng tăng, nhưng nhiều khả năng sẽ có những diễn biến khó lường, với mức độ phân hóa cao, nên khối công ty chứng khoán thận trọng hơn với hoạt động tự doanh. Quá trình ra quyết định giao dịch cổ phiếu phải trải qua nhiều bước, không thể giao dịch nhiều, “thử và sai” như dòng tiền cá nhân, nên với các cơ hội không rõ ràng và chắc chắn, khối tự doanh thường hay bỏ qua.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán MaybankKimEng nhận xét, mảng tự doanh của khối công ty chứng khoán hiện rất thận trọng, nhất là với các cổ phiếu có giá đang ở vùng đỉnh, trong khi dòng tiền chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ margin đang ở mức cao hàng đầu lịch sử và thị trường phân hóa mạnh.
Với diễn biến giá tăng trong thời gian dài mà chưa có đợt điều chỉnh nào đáng kể, sự thận trọng của các tổ chức lớn là dễ hiểu. Có công ty cơ cấu danh mục sang những cổ phiếu tiềm năng hơn, nhưng rút lui khi thị trường vẫn còn hưng phấn sẽ đảm bảo giữ được thành quả đầu tư.
Tập trung vốn cho vay
Các công ty chứng khoán ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nào sẽ phải giảm bớt khoản đầu tư khác. Do đó, hoạt động của khối tự doanh có liên quan đến câu chuyện margin và tăng vốn. Từ đầu năm đến nay, dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán liên tục lập kỷ lục mới. Tính đến hết quý I/2021, tổng dư nợ margin toàn thị trường đạt 110.000 tỷ đồng và theo một số công ty, dư nợ tiếp tục tăng trong tháng 4/2021.
Không ít công ty chứng khoán đang ở trong tình trạng cạn vốn cho vay margin, nên trong khi chờ hoàn tất thủ tục phát hành cổ phiếu tăng vốn sẽ tăng cường vay của khách hàng thông qua hợp tác đầu tư.
Thực tế, hoạt động “lách luật” này âm thầm diễn ra từ nhiều năm nay và mỗi công ty chứng khoán có một mức lãi suất hợp tác khác nhau, tùy vào thỏa thuận giữa hai bên. Thời gian vừa qua, hoạt động hợp tác đầu tư khá lộ liễu.
Vì thế, trong tuần qua, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu một số công ty chứng khoán giải trình về nội dung phản ánh của truyền thông, đồng thời yêu cầu công ty dừng thực hiện dịch vụ.
Khi cần nguồn vốn để hỗ trợ nghiệp vụ margin thì hoạt động tự doanh cũng bị hạn chế. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán nói: “Nay thị trường đã lên cao, thôi thì cứ cho vay, thậm chí vay thêm bên ngoài để cho vay margin, lãi vẫn cao mà tương đối chắc chắn. Không cho vay được, phản hồi của khách hàng cũng gay gắt. Sau này, công ty phát hành cổ phiếu, huy động được vốn, phân bổ thêm cho tự doanh cũng không muộn”.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Động thái bán ròng của khối công ty chứng khoán có một phần liên quan đến hoạt động cơ cấu cho các quỹ ETF thông qua tài khoản tự doanh (làm nghiệp vụ tạo lập thị trường cho chứng chỉ quỹ), một phần nhằm chốt lời các khoản đầu tư.
Một lý do khác là nhằm tăng nguồn cho vay margin khi nhiều công ty đang thiếu nguồn cho vay - vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không giữ được khách hàng vì không đáp ứng được nhu cầu. Hiệu ứng “Bán trong tháng 5” (Sell in May) và vùng trũng thông tin trong tháng 5, tháng 6 cũng là yếu tố khiến tự doanh bán ra. Ngoài ra, thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp giúp giá cổ phiếu tăng nóng khiến sự thận trọng trong đầu tư quay trở lại.
Với công ty chứng khoán cạn vốn cho vay, việc hạn chế tự doanh nhằm tăng cường cho nghiệp vụ margin được xem là phù hợp khi thị trường đang ở giai đoạn nóng và chuẩn bị bước vào vùng trũng thông tin. Sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ giúp hoạt động cho vay margin ít rủi ro hơn. Trước đó, các công ty chứng khoán chủ yếu cho vay ở các tài khoản lớn, hoặc các chủ doanh nghiệp.
Xu hướng chung là các công ty chứng khoán sẽ giảm dần tỷ trọng mảng tự doanh nhằm giảm thiểu rủi ro nếu giá chứng khoán giảm và tránh gây xung đột lợi ích với khách hàng. Thay vào đó, nguồn vốn sẽ tập trung đầu tư phát triển dịch vụ, sản phẩm công nghệ và sản phẩm tài chính. Đây là yếu tố cốt lõi để giảm chi phí hoạt động và gia tăng hiệu suất sinh lời của mảng môi giới.