BOC Aviation, công ty cho thuê máy bay thuộc Bank of China, đang lên kế hoạch niêm yết tại Hong Kong, sau khi thu về hơn 1,1 tỷ USD nhờ IPO tại Đại lục. Đây là vụ IPO lớn thứ hai tại châu Á trong năm nay và Công ty dự định sử dụng số tiền này để mua thêm máy bay mới.
Với việc các hãng hàng không khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần tăng gấp 3 lượng máy bay nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của khách hàng, họ nhận ra rằng thuê máy bay là giải pháp rẻ hơn nhiều so với mua máy bay từ Boeing Co hay Airbus Group SE. Đối với các công ty cho thuê máy bay, trong đó có BOC, việc cho thuê máy bay cũng hấp dẫn hơn nhiều so với tự điều hành một hãng hàng không thông thường. Đây chính là lý do các nhà đầu tư sành sỏi như tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing và Cheng Yu-tung đều lần lượt tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này.
“Các doanh nhân Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực cho thuê máy bay bởi họ nhìn thấy tiềm năng khổng lồ của thị trường này, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Họ sẽ đổ vào thị trường này lượng tiền rất lớn”, Shukor Yusof, nhà sáng lập Endau Analytics (Malaysia) cho biết.
Theo ước tính của Boeing, các hãng hàng không tại châu Á sẽ cần hơn 16.000 máy bay trong 20 năm tới, gần gấp 3 lần con số hiện tại. BOC Aviation hiện là công ty cho thuê máy bay lớn nhất châu lục này, khi sở hữu 270 chiếc máy bay. Tuy nhiên, số lượng này vẫn rất thấp so với tiềm năng tăng trưởng của khu vực được dự báo sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Tính tới cuối năm ngoái, 241 chiếc máy bay của BOC Aviation đã được thuê.
Khoảng cách giữa BOC Aviation và những công ty hàng đầu trong lĩnh vực cho thuê máy bay
Hiện tại, lĩnh vực cho thuê máy bay được dẫn dắt bởi các ông lớn lâu năm, bao gồm GECAS và ILFC do General Electric Co đỡ đầu. Việc có thêm các công ty châu Á sẽ gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường, trong đó phải kể tới những cái tên đáng gờm như BOC Aviation và RBS Aviation do Sumitomo Corp hỗ trợ.