Công ty bảo hiểm sẽ không còn "xấu che, tốt khoe"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi quy định mới về công bố thông tin tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua, công ty bảo hiểm phải công khai mọi thông tin, kể cả những thông tin xấu như bản án, quyết định xử phạt, khởi tố lãnh đạo… nhằm bảo vệ người mua bảo hiểm.
Những thông tin về bản án, quyết định xử phạt, khởi tố lãnh đạo… thường bị công ty bảo hiểm giấu nhẹm Những thông tin về bản án, quyết định xử phạt, khởi tố lãnh đạo… thường bị công ty bảo hiểm giấu nhẹm

Nhà bảo hiểm phải công khai cả thông tin xấu

Sau nhiều đón đợi, quy định hoàn toàn mới về công bố thông tin đã được bổ sung vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bản mới nhất (mục 7, chương 2). Theo đó, mọi doanh nghiệp bảo hiểm (bao gồm cả doanh nghiệp tái bảo hiểm) phải công bố từ thông tin tài chính đến phi tài chính, thậm chí phải công khai trên trang điện tử của doanh nghiệp các thông tin mà trước đây không bao giờ công bố như quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định của tòa án về mở thủ tục phá sản doanh nghiệp; quyết định khởi tố đối với công ty, người quản lý của doanh nghiệp (các Điểm 6, 7, 8, 9 của Điều 107 - dự thảo Luật phiên bản mới nhất)...

Cần nói thêm rằng, ban đầu, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cùng nhiều công ty bảo hiểm như Manulife, AIA, Bảo Việt Nhân thọ, AIG, UIC, VBI, MSIG đề nghị bỏ các điểm trên khỏi dự thảo vì cho rằng chỉ có cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt mới có quyền công bố công khai việc xử phạt hành chính... Thế nhưng cuối cùng, cơ quan soạn thảo vẫn giữ nguyên. Động thái này được đánh giá cao bởi phù hợp với thông lệ quốc tế, làm gia tăng tính minh bạch trên thị trường bảo hiểm cũng như tăng cường sự bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Chia sẻ với phóng viên, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP. HCM cho rằng, việc công khai cả các thông tin “xấu” trên trang điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm là nhằm đảm bảo tương đồng thông tin giữa các nhà bảo hiểm, cũng như thống nhất về mặt quy định pháp luật với các luật khác.

“Quy định về công bố thông tin tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng cần chặt chẽ như tại Luật Chứng khoán (Điểm i, Khoản 2, Điều 120) hay Luật Doanh nghiệp (Điểm e, Khoản 1, Điều 110). Chưa kể, việc công khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bản án lâu nay vốn đã được công khai trên cổng thông tin của các cơ quan chuyên môn và giờ chỉ là tiếp tục được công bố trên trang điện tử của doanh nghiệp để tiện cho người mua bảo hiểm theo dõi”, luật sư Tuấn nói.

Đồng quan điểm, luật sư Ngô Thu Hà, Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, người mua bảo hiểm cũng có quyền được biết thông tin về hoạt động của bên bán bảo hiểm, bao gồm cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu để có thể nhận diện các rủi ro, từ đó đưa ra quyết định mua bảo hiểm.

“Sẽ khó có thể tạo niềm tin cho bên mua bảo hiểm trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm nếu bên bán thiếu minh bạch. Người mua bảo hiểm sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu tất cả thông tin của bên bán bảo hiểm được công khai từ đầu”, luật sư Hà nhấn mạnh.

Bớt rủi ro cho người mua bảo hiểm

Theo quy định hiện hành, các công ty bảo hiểm cần công bố các thông tin về báo cáo tài chính tóm tắt; việc thay đổi các chức danh quản trị, điều hành được Bộ Tài chính phê chuẩn (chủ tịch, tổng giám đốc, chuyên gia tính toán); thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện; sản phẩm bảo hiểm... Các thông tin được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng như các cơ quan báo chí trung ương, trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, những thông tin được công bố còn rất hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro, cũng chưa bắt kịp yêu cầu thông tin trong bối cảnh mới về phát triển thị trường bảo hiểm và đổi mới cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, nếu vẫn áp quy định cũ thì ngoài gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát, thì còn gây rủi ro cho người mua bảo hiểm, bởi việc cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng sẽ khiến bên mua bảo hiểm khó đánh giá bên bán cũng như sản phẩm bảo hiểm.

Trên thực tế, với những thông tin bất lợi như các quyết định xử phạt từ cơ quan chức năng là tòa án, Bộ Tài chính..., các công ty bảo hiểm thường “ngại khoe” bởi tâm lý “xấu che, tốt khoe”. Điều này cũng dễ thấy ở các lĩnh vực kinh doanh sản phẩm, dịch vụ khác như ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng..., bởi lẽ đây là những thông tin gây bất lợi cho khách hàng, còn nhà bảo hiểm thì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ.

Nói như một số đại lý bảo hiểm rằng: “Nếu chả may những thông tin xấu đến tai khách hàng thì đại lý khó lòng bán bảo hiểm, chưa kể việc các đại lý của công ty đối thủ lợi dụng thông tin đó để ‘chơi xấu’ (dụ dỗ khách hàng từ bỏ mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm có thông tin xấu để chuyển sang công ty của mình)”.

Là khách hàng VIP của một công ty bảo hiểm, anh Phạm Tuấn Trường cho rằng, các tranh chấp bảo hiểm, bản án tại tòa không phải là chuyện lạ lẫm, nhưng những thông tin này gần như không được công bố trên website của công ty bảo hiểm (vì theo quy định cũ không phải công bố), như vậy là không công bằng với người tham gia bảo hiểm. Do đó, quy định mới buộc các nhà bảo hiểm công khai các nội dung này cùng với yêu cầu công bố đầy đủ quy trình, hồ sơ yêu cầu và thời hạn giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm công bố thông tin... sẽ giúp người mua bảo hiểm tránh được nhiều rủi ro không đáng có.

Ngoài ra, việc quy định rõ công ty bảo hiểm phải công khai sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm như tại dự thảo sẽ giúp người mua bảo hiểm nắm được tình hình thực tế của bên bán bảo hiểm, bởi bên mua bảo hiểm không có đủ thông tin để lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính đủ mạnh, công tác quản trị tốt, đảm bảo chi trả quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng khi có rủi ro bảo hiểm xảy ra.

Một yếu tố quan trọng khác giúp người mua bảo hiểm giảm bớt rủi ro, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, đó là sự giám sát từ chính người mua bảo hiểm.

“Người mua bảo hiểm cần tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết về tài chính – bảo hiểm để nâng cao hơn nữa khả năng phòng ngừa rủi ro cũng như giám sát công ty bảo hiểm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cần luật hóa việc công khai báo cáo tài chính trên các phương tiện báo chí

Luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Theo dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, các công ty bảo hiểm phải công bố, cập nhật định kỳ các thông tin thường xuyên/bất thường liên quan tới doanh nghiệp trên trang điện tử của mình.

Riêng thông tin phải công bố định kỳ là báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán thì không thấy đề cập đến việc phải công bố trên báo chí như trước, trong khi theo quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP, công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo thường niên và báo cáo tài chính tóm tắt (kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập) trong 3 số báo liên tiếp.

Theo tôi, nếu bỏ quy định công ty bảo hiểm phải công bố các báo cáo tài chính trên báo chí sẽ là một thiếu sót lớn, bởi như vậy sẽ thiếu hẳn một cơ quan giám sát quan trọng. Do đó, cần luật hóa việc công khai báo cáo tài chính trên các phương tiện báo chí, giống như quy định đang áp dụng cho công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán hiện nay. Đồng thời, cũng cần bổ sung việc đăng tải trên phương tiện truyền thông này báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro - là thông tin vô cùng quan trọng đối với chủ hợp đồng bảo hiểm.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục