Công nghiệp ô tô chờ cơ hội cuối và câu chuyện của Vinfast

Dự thảo mới về thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng linh kiện ô tô của Bộ Tài chính được trông chờ sẽ mở ra cơ hội đột phá cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Cơ hội lớn cho quy mô lớn

Ngày 1/9/2017, trong buổi họp báo chuyên đề của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho hay, Nghị định số 122/2016/NĐ - CP về danh mục biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đang được Bộ Tài chính sửa đổi.

Công nghiệp ô tô chờ cơ hội cuối và câu chuyện của Vinfast ảnh 1

Chính sách thuế mới sẽ giúp duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp với nhóm xe dưới 9 chỗ và xe tải. Trong ảnh: Lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ tại Công ty cổ phần Trường Hải. Ảnh: Đức Thanh 

Việc sửa đổi nhằm thống nhất trong thực hiện Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 theo cam kết trong nội khối ASEAN, cũng như giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thời gian qua và tác động của việc xoá bỏ thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực từ năm 2018 trở đi.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là không giảm thuế nhập khẩu linh kiện đại trà cho tất cả các chủng loại xe, mà tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Điều này góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo chiều sâu, thông qua việc chỉ ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đã có hoặc có tiềm năng thế mạnh về sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cụ thể, trước mắt sẽ hướng vào hai nhóm là xe chở người đến 9 chỗ (với tập trung ưu đãi cho dòng xe mang động cơ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100 km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 trong thời gian từ 2018 - 2021 và mức 5 từ năm 2022 trở đi) và xe tải (tập trung ưu đãi cho dòng xe tải nhẹ có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 - giai đoạn 2018 - 2021 và mức 5 từ năm 2022 trở đi).

Bộ Tài chính cũng kỳ vọng, chính sách thuế mới sẽ giúp duy trì ổn định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất, lắp ráp với hai nhóm xe của Chương trình trong giai đoạn 2018 - 2022 là 16%/năm (xe dưới 9 chỗ) và 18%/năm (đối với xe tải).

Dĩ nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế này trong thời gian 5 năm, từ 2018 - 2022, điều kiện kèm theo là doanh nghiệp phải đạt sản lượng xe sản xuất, lắp ráp theo cam kết, đồng thời tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết cũng phải đạt được quy định theo năm.

Không chỉ có những thay đổi về thuế nhập khẩu với linh phụ kiện ô tô, trong đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), mặt hàng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi chở xuống cũng có thay đổi về giá tính thuế TTĐB khi được trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Ngoại lo, nội vui

Với chưa đầy 4 tháng nữa, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN có tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% sẽ về 0%, các dự tính về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB của Bộ Tài chính khiến nhiều doanh nghiệp ô tô đang tham gia cuộc chơi phải tính toán cẩn trọng.

Tỉnh Quảng Nam - nơi đặt cứ điểm sản xuất của Công ty Ô tô Trường Hải cũng đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu linh kiện sản xuất ô tô về 0% từ ngày 1/10/2017 để giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh được với xe nhập khẩu và hạn chế hụt thu ngân sách trong các tháng cuối năm 2017 và năm 2018.

“Theo Dự thảo của Bộ Tài chính, thời gian có hiệu lực của Chương trình ưu đãi đối với thuế nhập khẩu linh kiện sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2018. Đó cũng là thời điểm xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN sẽ được giảm mức thuế suất nhập khẩu về 0%. Bởi vậy, sẽ có tình trạng các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc nhập khẩu hàng về cảng trước và ngay sau ngày 1/1/2018 mở tờ khai để hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước mới bắt đầu được áp dụng mức thuế giảm về bằng 0% từ ngày 1/1/2018 sẽ mất tối thiểu từ 45 đến 60 ngày để sản xuất, hoàn thiện một sản phẩm và đưa ra thị trường. Với thời gian chậm hơn gần 2 tháng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ bị mất đi cơ hội cạnh tranh”, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Không đồng ý với đề xuất về chính sách thuế nhập khẩu linh kiện của Bộ Tài chính, Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị, giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm 2018 áp dụng cho tất cả các linh kiện CKD nhập khẩu bởi các nhà sản xuất ô tô.

“Chúng tôi cho rằng, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% cho các linh kiện CKD từ năm 2018 mới chỉ tạo ra sự cân bằng về thuế nhập khẩu giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu, chứ hoàn toàn không phải là ưu đãi cho sản xuất trong nước”, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA nhận xét.

Ngoài ra, VAMA cũng cho rằng, chính sách này không công bằng, bởi chỉ mang lại lợi ích cho vài nhà sản xuất có sản lượng lớn trên 60.000 xe/năm.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu áp dụng lộ trình trên, thì khả năng chỉ có có 3 doanh nghiệp ở nhóm xe du lịch và 1 doanh nghiệp ở nhóm xe tải đủ điều kiện tham gia.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho phóng viên Báo Đầu tư hay, với ngành ô tô, những doanh nghiệp lớn đầu đàn nếu có dự án tốt, hiệu quả thì có thể có ưu đãi riêng. “Nên ưu tiên theo dự án, với các chỉ tiêu cụ thể, như Việt Nam đã ưu đãi cho Samsung. Nếu chính sách tốt, minh bạch, rõ ràng, có khả năng tiên liệu được, sẽ tạo được lòng tin của doanh nghiệp và tránh được tình trạng tranh thủ tận dụng kiểu ăn xổi”, ông Quang nói.

Cơ hội cho ô tô Việt

“Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng nước ngoài. Áp lực nhập siêu của nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng, gây mất cân đối cán cân thanh toán và bất ổn kinh tế vĩ mô”, một quan chức của Bộ Công thương nói.

Bởi vậy, sự kiện Tập đoàn Vingroup vừa khởi công Tổ hợp Sản xuất ô tô Vinfast quy mô 3,5 tỷ USD cùng với mục tiêu làm ra xe ô tô thương hiệu Việt Nam, công suất tới 500.000 xe/năm, tỷ lệ nội địa hóa lên tới 60%, đã thu hút được khá nhiều mối quan tâm của dư luận.

Công nghiệp ô tô chờ cơ hội cuối và câu chuyện của Vinfast ảnh 2

 Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast còn cần đến ít nhất là 2 năm nữa để chứng minh những dự định đang được nhắc tới ngày hôm nay là hiện thực

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup cho hay, Vinfast ưu tiên mua các linh kiện, phụ kiện mà các nhà sản xuất trong nước đang làm được, đồng thời sẽ hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy được sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hiện Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với các đối tác hàng đầu thế giới như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL, Durr, Henn và các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign. Các chuyên gia công nghệ và sản xuất ô tô hàng đầu thế giới của một số nhãn hiệu như BMW, General Motors, Bosch cũng được Vinfast chiêu mộ.

Tuy nhiên, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast còn cần đến ít nhất là 2 năm nữa để chứng minh những dự định đang được nhắc tới ngày hôm nay là hiện thực và nhiều thời gian hơn thế để khẳng định được vị trí của sản phẩm ô tô thương hiệu Việt mà doanh nghiệp này đang ấp ủ.

Còn hiện tại, nhiều địa phương có doanh nghiệp ô tô đặt nhà máy sản xuất đang “méo mặt” vì nguồn thu bị giảm sút.

Theo ông Hoàng Văn Nội, Cục trưởng Cục thuế Vĩnh Phúc, từ năm 2017, dòng xe Fortuner được Công ty Toyota Việt Nam và dòng xe Civic được Công ty Honda Việt Nam nhập khẩu thay vì lắp ráp tại Việt Nam. Ước tính 6 tháng đầu năm, đã có khoảng 7.000 xe Fortuner và hơn 3.000 xe ô tô Civic được nhập từ Thái Lan và Indonesia. Vì vậy, số thu thuế cả năm của Vĩnh Phúc ước giảm 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Còn tại Quảng Nam, do thị trường cạnh tranh khốc liệt, doanh số bán xe của Trường Hải cũng gặp khó khăn, khiến ngân sách của tỉnh này hụt thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

“Việt Nam là nước đi sau nhưng vẫn có nhiều cơ hội cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô bởi có thị trường lớn, dân số đông, nền kinh tế - và đi kèm nó là nhu cầu và sức mua của người dân - tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Việc một số doanh nghiệp như Trường Hải, Thành Công… tiếp tục đầu tư tăng công suất lắp ráp thời gian gần đây trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế sản xuất, lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc cho thấy họ đã nhìn ra cơ hội phát triển của ngành này”, ông Lê Dương Quang nói.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục