Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), thị trường ô tô Việt Nam không chỉ nhỏ bé về quy mô so với các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan và Indonesia, mà còn kém sức cạnh tranh do biến động thường xuyên của các chính sách thuế phí.
Thêm vào đó, việc xe nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam có thuế suất bằng 0% kể từ đầu năm 2018 sẽ khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Xe do doanh nghiệp trong nước lắp ráp, sản xuất nhiều khả năng sẽ có giá bán cao hơn xe nhập khẩu từ khu vực do doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế nhập khẩu đối với linh kiện, trong khi tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp.
“Thực tế này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh; đe dọa sự tồn tại, phát triển của ngành sản xuất ô tô nội địa trong bối cảnh mở cửa thị trường và người tiêu dùng có quyền quyết định mua xe từ nhiều nguồn cung khác nhau”, bà Thúy nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng CIEM nhận xét, chủ trương và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đã có từ lâu, nhưng vẫn trong tình trạng loay hoay, kém phát triển và chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu do dung lượng thị trường nhỏ, sức mua thấp, trong khi thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển.
Theo bà Tuệ Anh, kinh nghiệm các nước đi trước cho thấy, cần chủ động huy động nguồn lực, nhất là chất xám, vốn và công nghệ để thành lập các cụm công nghiệp ô tô tập trung, đồng thời phát triển song song công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện.
Trong đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chính là lực lượng nòng cốt để xác lập chuỗi liên kết theo chiều dọc và chiều ngang. Các đơn vị hoạt động trong cụm sẽ duy trì quan hệ bạn hàng, gắn bó với nhau một cách liên hoàn, theo hướng chuyên nghiệp hóa ở mức độ cao.
Để xây dựng được các cụm công nghiệp, điều kiện tiên quyết ban đầu là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực tốt. Bên cạnh đó, phải có doanh nghiệp đầu đàn để thu hút các doanh nghiệp vệ tinh, dần tạo nên sự tích tụ công nghiệp, với các đối tượng liên quan như trường đại học và cơ quan nghiên cứu, giúp hình thành cụm công nghiệp theo nghĩa đầy đủ.
VIệt Nam hiện đã hình thành cụm công nghiệp ô tô tại cả 3 miền
“Hiện nay ở Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy việc hình thành cụm công nghiệp ô tô tại miền bắc và miền trung, với sự xuất hiện của Toyota, Honda và Thaco. Nhưng đây mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu bởi vẫn còn vắng bóng những nhà cung cấp cấp 1”, bà Thuý nhận định và cho rằng, muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam phải có hàng loạt chính sách đồng bộ đi kèm. Trong đó, chính sách tăng cường thực hiện nội địa hóa trong sản xuất linh kiện ô tô cần được coi là mục tiêu quan trọng và lâu dài.
Đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc tăng cường nội địa hóa cùng với phát triển cụm công nghiệp giờ đây là vấn đề mấu chốt để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam, bởi tăng nội địa hóa sẽ góp phần phát triển sản xuất và nhất là cắt giảm chi phí.
Cụ thể, hiện tại, doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước “chuộng” nhập khẩu linh kiện từ bên ngoài chủ yếu do quy mô thị trường nhỏ, dẫn tới sản lượng nhỏ. Trong khi đó, khấu hao đầu tư thiết bị lớn nên chi phí sản xuất của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là so với Thái Lan.
Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, bài toán đặt ra cho Việt Nam là phải cắt giảm chi phí.
“Theo tình trạng hiện nay của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm thực tiễn về phát triển công nghiệp ô tô của các nước trên thế giới, việc nâng cao quy mô thị trường sẽ kéo theo tỷ lệ nội địa hoá tăng. Tuy nhiên, quá trình này cần có thời gian khá dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Tuấn nhấn mạnh.